Theo bà Zoritsa Urosevic, Giám đốc điều hành Du lịch của Liên Hợp Quốc (UN), ngành du lịch chiếm 3% GDP toàn cầu và là nguồn phát thải 8,8% khí thải nhà kính. Tại COP29, lần đầu tiên UN đưa du lịch vào chương trình hành động của hội nghị về chống biến đổi khí hậu. “Hôm nay, chúng ta đã đạt được cột mốc lịch sử khi lần đầu tiên được đưa vào Chương trình nghị sự hành động của Hội nghị về biến đổi khí hậu của UN", bà Zoritsa Urosevic nói.
Các quốc gia ký tuyên bố Tăng cường hành động vì khí hậu trong lĩnh vực du lịch đã ghi nhận sự cần thiết phải đề cập đến ngành du lịch khi xây dựng kế hoạch chống biến đổi khí hậu. Tại COP29, các quốc gia cũng đưa ra cam kết NDC - đóng góp do quốc gia tự quyết định. Được biết, bản NDC cập nhật tiếp theo bao gồm các chính sách giảm lượng khí thải gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu sẽ công bố vào tháng 2 sắp tới.
Tuyên bố này nằm trong Sáng kiến Du lịch COP29, được khởi xướng thông qua quan hệ đối tác với UN Tourism (Cơ quan du lịch Liên Hợp Quốc). Chủ tịch COP29 Mukhtar Babayev cho biết du lịch là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, mang lại sinh kế trực tiếp và gián tiếp cho hàng trăm triệu người. Tuy nhiên, ngành này lại phát thải đáng kể khí thải nhà kính, gây áp lực lên các hệ sinh thái, trong khi chính ngành này cũng dễ bị tổn thương trước những tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm mực nước biển dâng cao, mất đa dạng sinh học và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.
Theo Reuters, du lịch thường chiếm một phần lớn trong doanh thu ngoại tệ của các chính phủ, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Du lịch cũng dễ bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng khí hậu như bão, nắng nóng và hạn hán. Do đó, các cam kết tại COP29 còn đi kèm với một số sáng kiến khác.
Liên minh Khách sạn Bền vững Thế giới (WSHA) chia sẻ khung hành động của họ nhằm đo lường và báo cáo dữ liệu gồm lượng khí thải nhà kính, mức tiêu thụ nước, chất thải và mức sử dụng năng lượng trên toàn ngành. Liên minh này đại diện cho 55.000 khách sạn với hơn 7 triệu phòng, gồm những tên tuổi lớn như Accor, Hilton, Marriott. Giám đốc điều hành WSHA Glenn Mandziuk cho biết dữ liệu sẽ giúp ngành du lịch và du khách hiểu được tác động của họ tới khí hậu
Marriott International cho biết một trong các sáng kiến của họ là lồng ghép báo cáo tác động môi trường với đối tượng du lịch MICE (du lịch kết hợp tổ chức sự kiện). Lượng khí thải và nước trong sự kiện sẽ được gửi tới khách hàng, kèm theo lựa chọn bù đắp carbon qua các dự án được xác minh bởi bên thứ ba.
Hãng tin AP cho biết, hồi tháng 10 các chuyên gia tại QR Code Generator đã chỉ ra, những thành phố nghỉ dưỡng thu hút càng nhiều khách du lịch trên thế giới, thì càng có chất lượng không khí tồi tệ. Theo đó, Paris - Pháp nhận được trung bình 185.633 lượt tìm kiếm điểm nghỉ ngơi trong thành phố mỗi tháng, mặc dù giao thông đi lại khiến mức độ ô nhiễm trong khu vực cực kỳ nghiêm trọng.
Tiếp đến là Chicago - Mỹ. Sân bay quốc tế Chicago O'Hare là một trong những sân bay bận rộn nhất tại Mỹ, góp phần gây ô nhiễm có hại cho thành phố. Tuy nhiên, thành phố này vẫn hấp dẫn du khách khi thu hút được 130.968 lượt tìm kiếm trung bình hàng tháng. Benidorm và Barcelona - Tây Ban Nha là hai thành phố khác cũng bị ô nhiễm giao thông, nhưng điều này không ngăn cản được khách du lịch, những người đã tạo ra 101.775 và 114.431 lượt tìm kiếm trung bình hàng tháng về các kỳ nghỉ.
Trước đó, Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism) cũng đã đưa ra một thông điệp mạnh mẽ tới mọi quốc gia: “Sự chuyển đổi của ngành du lịch sang các hoạt động ít phát thải carbon là định hướng cấp thiết của chúng tôi. Hãy biến Net Zero thành điểm đến của nhân loại vào năm 2050, trên hành trình vì một Trái đất khỏe mạnh và thịnh vượng”. Lời kêu gọi xuất phát từ viễn cảnh mà tạp chí Nature Climate Change dự báo: 6,5 tỷ tấn khí thải carbon sinh ra từ hoạt động du lịch trong năm 2025 sẽ chiếm tới 13% tổng lượng khí thải nhà kính toàn cầu.
Tại Việt Nam, áp lực lên các hệ sinh thái tự nhiên, ô nhiễm môi trường, và sự suy giảm chất lượng không khí tại các khu du lịch trọng điểm trở nên ngày càng rõ rệt. Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, trong đó 60% là từ các khu vực đô thị và du lịch, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hiện tượng quá tải du khách tại một số điểm đến cùng việc sử dụng năng lượng không tái tạo đã làm gia tăng phát thải khí nhà kính, đe dọa sự bền vững của ngành du lịch trong tương lai.
Tại Diễn đàn Du lịch cấp cao với chủ đề “Chuyển đổi xanh, du lịch Net Zero – Kiến tạo tương lai”, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Nguyễn Trùng Khánh đã nhấn mạnh: “Chuyển đổi xanh trong du lịch không còn là câu chuyện tính toán giữa được và mất mà đã trở thành một đòi hỏi tự thân, là một yêu cầu cấp thiết và tất yếu để bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững và có trách nhiệm của ngành du lịch”.
Khảo sát của McKinsey cho thấy, 91% số người tham gia thuộc thế hệ Gen Z sẵn sàng chi trả cao hơn cho các thương hiệu theo mô hình kinh doanh bền vững. Booking.com nhận được kết quả 97% số du khách Việt ưu tiên trải nghiệm tại các điểm đến du lịch bền vững, du lịch xanh. Báo cáo thị trường du lịch 2024 của Appota Pay đưa ra tỷ lệ 50% ưu tiên các lựa chọn thân thiện với môi trường, 78% muốn thấy các sáng kiến bền vững được ứng dụng trong thực tiễn, 83% mong muốn không gian lưu trú xanh.
Báo cáo điều tra xã hội học về mức độ sẵn sàng của khách quốc tế trong phát triển du lịch bền vững được nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) thực hiện gần đây cũng cho thấy: 76% sẵn sàng giảm rác thải, 62% tiêu thụ sản phẩm địa phương, 45% sử dụng phương tiện di chuyển ít tác động đến môi trường, 45% chọn thời gian nghỉ ngoài mùa cao điểm, 38% hỗ trợ cộng đồng địa phương, 31% lựa chọn điểm đến ít phổ biến hơn, 28% giảm sử dụng nước trong kỳ nghỉ.
Có thể nói, đây là thời điểm ngành du lịch cần xây dựng bộ tiêu chí về giảm thiểu phát thải để doanh nghiệp có mục tiêu phấn đấu, kiểm soát và thay đổi chiến lược phù hợp. Dựa vào bộ tiêu chí các cơ quan hữu quan sẽ đo lường được mức độ phát thải trong hoạt động du lịch của doanh nghiệp, từ đó, doanh nghiệp có thể tập trung vào các lĩnh vực cần cải thiện và hướng đến các giải pháp hiệu quả nhất.