May 30, 2022 | 11:59 GMT+7

Hơn 63.000 ô tô mới xuất xưởng trong tháng 5, thị trường sắp hết cảnh “bia kèm lạc”?

Thanh Minh

Tính tổng cộng cả lượng xe nhập khẩu và xe sản xuất, lắp ráp trong nước, khoảng hơn 63.000 ô tô mới đã ra mắt và phục vụ thị trường xe Việt trong tháng 5. 

Hơn 63.000 ô tô mới xuất xưởng trong tháng 5, thị trường sắp hết cảnh “bia kèm lạc”? - Ảnh 1

Về ô tô nguyên chiếc nhập khẩu vào Việt Nam trong tháng 5/2022, số liệu từ Tổng cục Thống kê ước tính có 19.000 chiếc ô tô được thông quan và nhập khẩu về nước, đạt giá trị kim ngạch 489 triệu USD. Con số này tăng 22,3% về lượng và 33,2% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. 

Trong khi đó, lượng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước ước đạt 44.500 chiếc trong tháng 5/2022, tăng 13,2% so với mức 39.300 chiếc của tháng trước và tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2021. 

Như vậy, trong tháng 5/2022, thị trường đã có khoảng 63.500 ô tô mới xuất xưởng để phục vụ người tiêu dùng. Có thể thấy, số lượng xe mới xuất xưởng sẵn sàng phục vụ người tiêu dùng khá dồi dào, hy vọng có thể đáp ứng đủ nhu cầu mua xe của thị trường. 

Hiện tại, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cũng như các hãng xe vẫn chưa công bố doanh số bán hàng trong tháng 5. Số liệu tháng 4/2022 cho thấy doanh số bán hàng của toàn thị trường trong tháng vừa qua đạt 42.359 xe, bao gồm xe 33.588 du lịch; 7.795 xe thương mại và 776 xe chuyên dụng. Các dòng xe đều tăng trưởng tốt, trong đó doanh số xe du lịch tăng 18%; xe thương mại tăng 2,6% và xe chuyên dụng tăng 15% so với tháng trước. 

Doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 25.269 xe, tăng 16% so với tháng trước và doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc là 17.090 xe, tăng 13% so với tháng trước. Trong tháng này, một số mẫu xe “hot” vẫn chưa thoát khỏi tình trạng cung không đủ cầu, vì vậy khách hàng vẫn phải chờ lâu hoặc mua với mức giá cao hơn so với giá niêm yết. Tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết Tháng 4/2022 tăng 31% so với 2021.

Tháng 5 là tháng cuối cùng chính sách ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước được áp dụng. Chính sách ưu đãi từng cho thấy đã phát huy tác dụng giúp “giải cứu thị trường” khi được áp dụng hồi năm 2020. Tuy vậy, trong lần áp dụng này, đã có nhiều yếu tố tác động đến thị trường như tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, dẫn đến các hãng giảm sản lượng, số lượng xe cung ứng ra thị trường khan hiếm, cả xe lắp ráp lẫn xe nhập khẩu đều bị ảnh hưởng.

Bên cạnh lượng xe nhập khẩu và lắp ráp mới ra để phục vụ thị trường, trong tháng 5 các hãng cũng đã giới thiệu một số mẫu xe, phiên bản mới. Mẫu xe hạng A Kia Morning ra mắt thêm hai phiên bản AT và AT Premium, mang lại thêm nhiều lựa chọn hơn cho khách hàng khi chọn mua mẫu xe này. Như vậy, Kia Morning đang bán tại Việt Nam có 4 phiên bản, hai phiên bản mới AT, AT Premium và hai bản hiện hành là X-Line và GT-Line. 

Ngoài ra, thị trường cũng đón nhận thêm nhiều mẫu xe mới như Toyota Fortuner 2022, Mazda CX-8 2022 phiên bản 6 chỗ, BMW X4 bản nâng cấp, đặc biệt cả phiên bản nâng cấp của Beijing X7. Một số mẫu xe thu hút sự chú ý của thị trường như Honda HR-V, Mitsubishi Xpander đang được mong đợi sẽ sớm chính thức trình làng phiên bản nâng cấp.

Tình trạng khan hiếm xe được dự đoán vẫn chưa thể kết thúc ngay, song sẽ dịu bớt trong 6 tháng cuối năm. Hiện tại, một số mẫu xe bán chạy vẫn có thể bị bán ra với mức giá cao hơn giá niêm yết, như Hyundai Santa Fe, Hyundai Tucson, Hyundai Creta, Ford Explorer, Ford Ranger, Toyota Raize, KIA Seltos…

Vừa qua, một số hãng xe đã công bố tăng giá bán với nhiều sản phẩm, lý do chung được đưa ra là tình trạng thiếu hụt linh kiện, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao và cước vận chuyển đắt đỏ. Từ các dòng xe bình dân đến các dòng xe sang đều có nhiều mẫu xe được điều chỉnh tăng giá. Ngay từ đầu tháng 5, nhiều dòng xe Mercedes-Benz đã tăng giá, trong đó mẫu A35 4Matic tăng nhiều nhất với 170 triệu đồng. Xe Lexus cũng tăng giá bán từ 40-70 triệu đồng. Các dòng xe bình dân như Kia, Toyota đều được điều chỉnh tăng từ 10-40 triệu đồng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate