June 24, 2024 | 18:00 GMT+7

Hồng Kông là nơi có chi phí xây dựng đắt nhất châu Á, Tp.HCM đứng thứ 12

Bình Minh -

Một báo cáo cho biết chi phí xây dựng bình quân ở Hồng Kông năm nay sẽ tăng 4,8% lên mức 4.500 USD/mét vuông...

Một khu chung cư ở Hồng Kông - Ảnh: Bloomberg.
Một khu chung cư ở Hồng Kông - Ảnh: Bloomberg.

Hồng Kông đã vượt qua Tokyo để giành lấy vị trí thành phố có chi phí xây dựng bất động sản đắt nhất ở khu vực châu Á, do đơn giá xây dựng tăng và tình trạng khan hiếm lao động - theo kết quả một cuộc khảo sát mới được công bố bởi công ty tư vấn bất động sản Anh Turner & Townsend.

Báo cáo trên cho biết chi phí xây dựng bình quân ở Hồng Kông năm nay sẽ tăng 4,8% lên mức 4.500 USD/mét vuông.

Trong số 91 thành phố được khảo sát trên toàn cầu, Hồng Kông đứng ở vị trí thứ 9. Top 8 toàn cầu đều là các thành phố của Mỹ và Thuỵ Sỹ, trong đó top 3 là các thành phố New York - với chi phí xây dựng bình quân ước tính của năm nay là 5.723 USD/mét vuông - San Francisco (5.489 USD), và Zurich (5.035 USD).

“Tình trạng thiếu lao động có kỹ năng và nhu cầu xây dựng duy trì bền bỉ ở mức cao là những yếu tố chính quyết định vị trí của Hồng Kông trong báo cáo năm nay của chúng tôi”, ông Sumit Mukherjee - trưởng bộ phận nghiên cứu bất động sản khu vực châu Á của Turnder & Townsend - cho biết.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy thiếu lao động có kỹ năng là thách thức lớn nhất đối với lĩnh vực xây dựng ở châu Á nói chung. Điều này đặc biệt đúng ở Hồng Kông, nơi dân số lão hoá đang khiến cho sự khan hiếm nhân lực ngành xây dựng thêm phần trầm trọng.

Theo Hội đồng Công nghiệp xây dựng Hồng Kông, đến năm 2027, thành phố này sẽ thiếu tới 40.000 lao động xây dựng có kỹ năng. Năm ngoái, Cơ quan Thống kê Hồng Kông dự báo tình trạng lão hoá dân số của thành phố sẽ bị đẩy nhanh do tỷ lệ sinh tiếp tục giảm xuống mức thấp. Cũng theo dự báo, đến năm 2046, hơn 1/3 dân số Hồng Kông sẽ là những người từ 65 tuổi trở lên, khiến tỷ lệ dân số tham gia lực lượng lao động giảm sút.

Năm ngoái, một báo cáo của công ty tư vấn - kiểm toán PwC cho biết “tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng” của Hồng Kông còn là kết quả của làn sóng di cư ra nước ngoài và cuộc cạnh tranh giành giật nhân lực toàn cầu. Chính quyền Hồng Kông đã có nhiều biện pháp nhằm thu hút và giữ chân lao động trong và ngoài nước nhưng chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Macau, một vùng lãnh thổ khác của Trung Quốc, xếp thứ hai ở khu vực châu Á về chi phí xây dựng và xếp thứ 12 toàn cầu. Chi phí xây dựng bình quân ở Macau là 4.269 USD/mét vuông.

Các thành phố ở Nhật Bản thường nằm trong top những thành phố có chi phí xây dựng đắt đỏ nhất thế giới do dân số lão hoá và tình trạng khan hiếm lao động kéo dài ở nước này. Tuy nhiên, trong cuộc khảo sát năm 2024 của Turner & Townsend, không thành phố nào của Nhật nằm trong top 10. Xét riêng tại khu vực châu Á, Tokyo xếp ở vị trí thứ ba, theo sau là 4 thành phố khác của Nhật gồm Sapporo, Osaka, Hiroshima và Fukuoka.

Nguyên nhân khiến chi phí xây dựng ở Nhật Bản bớt đắt đỏ trong tương quan so sánh với các thành phố khác trong khu vực và trên thế giới là sự mất giá của đồng yên, cộng thêm việc nền kinh tế Nhật tăng trưởng yếu sau đại dịch Covid-19, theo ông Mukherjeee.

Trong số 22 thành phố châu Á được khảo sát, Tp.HCM đứng ở vị trí 12, với chi phí xây dựng bình quân là 1.112,3 USD/mét vuông. Hà Nội xếp thứ 13, với chi phí xây dựng bình quân là 1.086,5 USD/mét vuông.

Chi phí xây dựng bình quân tính theo mét vuông tại 22 thành phố châu Á được Turner & Townsend khảo sát.
Chi phí xây dựng bình quân tính theo mét vuông tại 22 thành phố châu Á được Turner & Townsend khảo sát.

Nằm ở nhóm dưới của danh sách là các thành phố ở Trung Quốc đại lục, nơi lực lượng lao động dồi dào giúp giữ chi phí xây dựng ở mức thấp - theo Turner & Townsend. Báo cáo cũng nói rằng cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài ở Trung Quốc cũng đang khiến ngành xây dựng của nước này ngưng trệ, kéo tụt nhu cầu và chi phí xây dựng.

“Phản ứng của Chính phủ Trung Quốc với các thách thức kinh tế vẫn còn chưa rõ ràng, khiến cho tương lai của thị trường trở nên khó đoán định và niềm tin của nhà đầu tư suy giảm”, báo cáo viết.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate