Trao đổi với báo chí tại Ngày hội Đổi mới sáng tạo sản xuất hàng không vũ trụ và Quốc phòng lần đầu tổ chức tại Hà Nội ngày 2/7/2024, ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC), cho biết trong thời gian qua, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học và nhà nước nhằm phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Qua đó, tăng cường kết nối, đặc biệt là sự gắn kết giữa nhu cầu của nhà nước và khả năng đáp ứng từ phía doanh nghiệp, để cung và cầu gặp nhau. Đồng thời hỗ trợ phát triển các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh và đầu ra của các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào Việt Nam.
Đại diện NIC mong muốn có sự tham gia của các doanh nghiệp FDI như Dassault Systemes, các doanh nghiệp công nghệ cao từ châu Âu, và đặc biệt là từ Cộng hòa Pháp, để cùng thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong thời gian tới.
“Việt Nam luôn sẵn sàng chào đón và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp FDI tham gia vào thị trường Việt Nam. Chúng tôi cũng mong muốn các doanh nghiệp FDI sẽ phối hợp sâu hơn nữa với các doanh nghiệp Việt Nam, hỗ trợ họ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong thời gian tới”, ông Hoài nói.
Ông David Ziegler, Phó chủ tịch mảng Hàng không vũ trụ và Quốc phòng của Dassault Systèmes toàn cầu, nhận xét hiện tại các chuỗi cung ứng của Việt Nam đang phát triển rất tích cực, đồng thời dự báo sẽ có những diễn biến, phát triển mới trong tương lai.
Từ khâu thiết kế đến sản xuất, số hoá đã và đang tối ưu hoá các quy trình, cải thiện hiệu năng, nâng cao tính cạnh tranh. Những công nghệ đột phá như kỹ thuật hệ thống dựa trên mô hình, công nghệ bản sao ảo, và phép phân tích sử dụng AI sẽ là bệ phóng đưa ngành Hàng không vũ trụ và Quốc phòng Việt Nam tiến vào thế kỷ 21, ươm mầm phát triển một hệ sinh thái năng động.
Ông Ding Ming Chee, Giám đốc Kinh doanh Cao cấp của Dassault Systèmes khu vực Nam Thái Bình Dương
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, việc thực hiện đổi mới chuỗi cung ứng là một hành trình và phụ thuộc rất nhiều vào thế hệ sinh viên, các viện nghiên cứu, các trường đại học và lực lượng lao động.
Đại diện Dassault Systemes cho biết sẽ hợp tác để cùng xây dựng một hệ sinh thái, đẩy mạnh hơn nữa chất lượng lao động của Việt Nam trong tương lai, tăng cường hợp tác đào tạo lực lượng nhân sự có tay nghề, kỹ năng cao. Đây là một yếu tố vô cùng quan trọng để Việt Nam nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh.
Nhấn mạnh vai trò của chuyển đổi số và mối quan hệ “3 nhà” (nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp), ông Cao Vũ Nhân, Chủ tịch Công ty Sản xuất Chế tạo Kami, cho rằng điều này rất quan trọng trong quá trình thúc đẩy đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ cho sinh viên cũng như cộng đồng doanh nghiệp muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong quá trình xây dựng không gian sản xuất chung (co-manufacturing space) cho phép các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, các start-up, các sinh viên sử dụng các nguồn lực về thiết bị, phần mềm công nghệ cao để phát triển sản phẩm, ông Nhân nhận thấy rõ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam được thành lập bởi các sinh viên gặp những trở ngại nhất định.
Đại diện Kami ví dụ, trong nhiều FDI tại Việt Nam, các kĩ sư tham gia vào một phần rất nhỏ trong sản xuất sản phẩm. "Đây là một điểm "nghẽn" của quá trình phát triển công nghiệp tại Việt Nam, cũng như cách Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu".
Ông Nhân cũng thông tin, vào đầu năm nay đã cùng với Tổng giám đốc Boeing Việt Nam đưa một đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham quan triển lãm Singapore Air Show. Ông cho biết nhiều doanh nghiệp cung ứng cấp 1 của Boeing từ Nhật Bản chuyển từ sản xuất các linh kiện cho hàng không vũ trụ sang sản xuất các linh kiện cho máy sản xuất bán dẫn tại các Tập đoàn như ASML, Tokyo Electron…
“Chúng tôi nhận ra cần một động lực mạnh hơn thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Là những nhà ươm tạo, phát triển hạ tầng công nghệ cao, chúng tôi sẽ đưa tới các doanh nghiệp, cộng đồng sinh viên Việt Nam những công nghệ mới và giúp tiến nhanh hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu" ông Nhân mong muốn.