Theo “Nghiên cứu toàn cầu về ngành kho hàng năm 2023” vừa được Zebra Technologies công bố chiều 13/3/2023, 58% các nhà quản lý lĩnh vực kho hàng có kế hoạch triển khai công nghệ nhận dạng tần số vô tuyến (RFID) vào năm 2028, giúp tăng khả năng hiển thị hàng hóa lưu kho và giảm tình trạng hết hàng.
73% những người ra quyết định trên toàn cầu đã hoặc sẽ đẩy nhanh tiến độ của các dự án hiện đại hóa, con số này ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương (APAC) là 69%. Có tới 88% các nhà quản lý ở APAC dự kiến sẽ sử dụng công nghệ để tăng khả năng hiển thị chuỗi cung ứng trong 5 năm tới.
NGÀNH KHO HÀNG VIỆT NAM SẼ TĂNG TRƯỞNG 11% TRONG GIAI ĐOẠN 2024-2032
Chuyển đổi kỹ thuật số đang diễn ra mạnh mẽ ở các ngành trong đó có bán lẻ, dịch vụ kho hàng, chế tạo sản xuất… Đặc biệt, logistics là rất quan trọng với Việt Nam để vận chuyển cung cấp hàng hóa.
Ông Christanto Suryadarma, Phó Chủ tịch phụ trách bán hàng khu vực Đông Nam Á (SEA), Hàn Quốc và Kênh khu vực APJeC của của Zebra Technologies nhận xét, ngành dịch vụ kho hàng Việt Nam đang có sự phát triển, tăng trưởng mạnh mẽ, dự báo khoảng 11% giai đoạn từ 2024-2032.
Phân tích động lực thúc đẩy ngành phát triển, chuyên gia này cho rằng do thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, với doanh số 14 tỷ USD năm 2022 và sẽ đạt 32 tỷ USD vào năm 2025.
Ngoài ra, Việt Nam có lợi thế khi dân số trẻ và rất nhanh nhạy trong nắm bắt, ứng dụng thiết bị công nghệ mới như smartphone, trong đó có mua bán online. Điều này góp phần thúc đẩy thương mại điện tử sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam.
Đây là những yếu tố chính, động lực chính góp phần thúc đẩy ngành kho hàng Việt Nam phát triển trong những năm tới. Chuyên gia này cũng tin tưởng, tương lai rộng mở với ngành kho hàng ở Việt Nam.
Các chuyên gia phân tích, nhu cầu ngày càng gia tăng về độ chính xác, giảm thiểu chi phí, đáp ứng sự thay đổi kinh tế. Trong các kho hàng đòi hỏi cần phải giao hàng trong thời gian ngắn, nhu cầu tốc độ , xử lý chính xác, hiệu quả, giao hàng đúng thời gian tới khách hàng.
Do đó, áp dụng công nghệ chính xác, hiệu quả hơn là một tiêu chuẩn với các doanh nghiệp kho hàng. Công nghệ đã trở thành xương sống cho tất cả các kho hàng. Từ chỗ sử dụng nhân lực để tìm kiếm hàng hóa, hiện nay, việc ứng dụng máy móc, robot, tự động hóa và phân tích dữ liệu, kiểm soát hàng tồn kho theo thời gian thực… trong các doanh nghiệp kho hàng đã dần phổ biến hơn.
Điều này không chỉ tác động tới kho hàng mà cả toàn bộ chuỗi cung ứng của doanh nghiệp. Khảo sát cho thấy, từ năm 2023- 2024, các doanh nghiệp đã tăng đầu tư trung bình khoảng 5,15 triệu USD vào công nghệ mới.
Trên toàn cầu, nghiên cứu chỉ rõ, năm 2023 không có nhiều kho hàng mới được xây dựng nhưng các nhà kho tập trung vào hiện đại hóa, tận dụng tốt các diện tích hiện có. Tuy nhiên, đến năm 2028 thị trường sẽ tiếp tục phát triển 19% diện tích và số lượng kho hàng sẽ tăng 39%.
Tại Việt Nam, ngành logistics năm 2022 có sự tăng trưởng 15% và có sự phát triển mạnh mẽ nhất. Nhiều cơ hội đang mở ra Việt Nam dành cho các nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp kinh doanh. Ngành công nghiệp kho hàng được thúc đẩy bởi bán lẻ, thương mại điện tử, sản xuất và logistics với bên thứ 3.
Với sự hỗ trợ của công nghệ, dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (AI), thị trường logistics Việt Nam sẽ tăng trưởng đạt 65 tỷ USD vào năm 2029, tăng trưởng khoảng 6,3%.
ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ TỰ ĐỘNG HÓA, KIỂM SOÁT HÀNG TỒN KHO THEO THỜI GIAN THỰC
Các doanh nghiệp đang chú trọng, ưu tiên hiện đại hóa kho hàng. Khoảng 40% doanh nghiệp trong ngành logistics đã tích hợp các dịch vụ kỹ thuật số vào các hoạt động hàng ngày, quản lý kho hàng…
Trong bối cảnh phát triển như hiện nay, đơn hàng hoàn hảo đang trở thành yêu cầu bắt buộc. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với những thách thức về độ chính xác, hàng tồn kho, hàng trả lại… Do đó, việc theo dõi theo hàng hóa, kiểm soát hàng tồn kho theo thời gian thực, tăng cường độ chính xác, vị trí hàng hóa trong kho là rất quan trọng.
Theo ông Christanto Suryadarma: Sự tăng trưởng mạnh mẽ của đơn hàng online, kèm theo đó là sự gia tăng hàng đổi trả khiến mọi công đoạn của chuỗi cung ứng phải thay đổi. Vì vậy, các nhà quản lý kho hàng phải hiện đại hóa vận hành bằng công nghệ để xử lý đổi trả và tăng tính linh hoạt, tăng khả năng hiển thị hàng hóa lưu kho, dự báo nhu cầu, nâng cao hiệu quả, giúp ra quyết định tốt hơn theo thời gian thực.
Theo nghiên cứu, hầu hết các nhà quản lý (76% trên toàn cầu, 75% ở APAC) cho biết đang chịu áp lực cải thiện hiệu năng để đáp ứng nhu cầu luôn thay đổi về thương mại điện tử của người tiêu dùng. 80% người lao động và người quản lý cho biết, thông tin không chính xác về tình trạng hàng hóa lưu kho và hết hàng tiếp tục là những yếu tố chính ảnh hưởng đến năng suất.
Cả nhân viên cửa hàng (82% trên toàn cầu, 79% ở APAC) và nhà quản lý (76% trên toàn cầu, 79% ở APAC) đều thừa nhận cần các công cụ quản lý hàng hóa lưu kho tốt hơn để có thông tin chính xác hơn về mức độ sẵn sàng của hàng hóa. Để xử lý các vấn đề này, phần lớn những người quản lý (91% trên toàn cầu, 88% ở APAC) đang có kế hoạch đầu tư vào công nghệ để tăng khả năng hiển thị giám sát trong chuỗi cung ứng vào năm 2028.
Nghiên cứu cho thấy, trong năm 2024, 7 trong số 10 các nhà ra quyết định (69% trên toàn cầu, 70% ở APAC) đã hoặc đang có kế hoạch tự động hóa quy trình công việc để hỗ trợ đội ngũ nhân viên kho hàng và luân chuyển họ thực hiện các nhiệm vụ có giá trị cao hơn, tập trung khách hàng hơn.
Hơn 50% các nhà quản lý tin rằng tự động hóa sẽ nâng cao hiệu quả và năng suất cho người lao động bằng cách giảm việc lấy hàng thủ công, lỗi đơn hàng và thời gian quay vòng. Trong khi đó, khoảng 8 trong số 10 nhân viên kho hàng trên toàn cầu (81%) và ở APAC (78%) cho rằng sử dụng công nghệ và tự động hóa nhiều hơn giúp họ đạt hoặc vượt mục tiêu năng suất.
Sự kết hợp tự động hóa và robot, giải phóng nhân lực, tạo năng lực mới để người lao động tập trung những việc có tính sáng tạo cao hơn. Sử dụng công nghệ mới sẽ là xu hướng trong tương lai trong đó có robot và công nghệ kho hàng tiên tiến, giúp nâng cao hiệu quả, thu hút và giữ chân người lao động. Khi kết hợp con người và robot hài hòa sẽ mang lại hiệu quả cao hơn cho các doanh nghiệp logictics. Không những thế, việc ứng dụng công nghệ tự động còn góp phần phát triển bền vững.
73% nhà lãnh đạo doanh nghiệp kho hàng trên toàn cầu cho rằng cần nhanh chóng áp dụng các công nghệ mới, tự động hóa. Các doanh nghiệp kho hàng đang tìm kiếm và ứng dụng nhiều hơn các công nghệ cảm biến trong nhà kho, tăng gần gấp đôi.
Bên cạnh đó, các thiết bị cầm tay phát triển nhanh chóng, các máy quét mã vạch cố định công nghiệp tăng từ 30 lên 67%,… Đặc biệt, các công nghệ máy quét mã vạch, máy tính bảng công nghiệp, máy in, RFID đang được các doanh nghiệp ứng dụng đáp ứng yêu cầu thay đổi của ngành.
Chuyên gia Zebra Technologies khuyến nghị, trong bối cảnh hiện nay, các lãnh đạo kho hàng cần cân bằng chuyên môn của con người và tự động hóa để xử lý những bất ổn, biến động trên thị trường, trong chuỗi cung ứng, để tăng cường sự linh hoạt, tối ưu hóa hiệu suất.