Lễ ký Thỏa thuận hợp tác về "Khung quản lý thuốc bảo vệ thực vật bền vững (SPMF) giai đoạn 2023-2028" giữa Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và CropLife châu Á đã diễn ra vào chiều ngày 11/7/2023, tại Hà Nội.
Với nguồn lực và quỹ hỗ trợ khoảng 1,6 triệu USD trong vòng 5 năm, mục tiêu chung của dự án nhằm củng cố năng lực và chính sách quản lý, đổi mới về mặt hệ thống; bảo vệ sức khỏe con người, môi trường.
ĐẨY NHANH TIẾN TRÌNH ĐỔI MỚI KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP
Theo Bản ghi nhớ, CropLife sẽ tối đa hoá nỗ lực của ngành, tăng cường hợp tác với nhiều đối tác tại Việt Nam nhằm thúc đẩy triển khai khung sử dụng và quản lý các giải pháp bảo vệ thực vật bền vững song song với việc đẩy nhanh tiến trình ứng dụng đổi mới khoa học trong nông nghiệp.
Phát biểu tại lễ ký, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung đánh giá cao vai trò và đóng góp trong hơn 10 năm qua của Hiệp hội CropLife Việt Nam trong khuôn khổ Chương trình Đối tác Phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV). Với tư cách là Đồng Chủ tịch Tổ công tác về hoá chất nông nghiệp, CropLife Việt Nam đã và đang phối hợp cùng Cục bảo vệ thực vật đào tạo, tập huấn, hỗ trợ, chia sẻ những kiến thức tới người nông dân Việt Nam.
“Việc tăng cường hợp tác, chia sẻ tới những người dân Việt Nam việc sử dụng hiệu quả các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng để góp phần thúc đẩy chuyển đổi hệ thống nông nghiệp, thực phẩm theo hướng bền vững của Hiệp hội CropLife phù hợp với các mục tiêu, định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm hướng tới việc nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý vì một hệ thống thực phẩm an toàn, minh bạch và bền vững ở Việt Nam”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
"Khung Quản lý thuốc bảo vệ thực vật bền vững” là một chương trình với quy mô tác động tổng thể, toàn diện và dài hạn nhằm tạo điều kiện để chuyển đổi sang các hệ thống thực phẩm bền vững, giúp nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu và tình trạng đất trồng suy thoái”.
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật.
Đại diện Cục Bảo vệ Thực vật, Phó Cục trưởng Huỳnh Tấn Đạt cho biết năm 2022, CropLife và Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp tổ chức hội thảo chia sẻ các mô hình ứng dụng thiết bị máy bay không người lái (drone) trong phun thuốc bảo vệ thực vật tại các nước thuộc khu vực châu Á, nâng cao năng lực, kỹ thuật và kiến thức thực tế trên đồng ruộng. Đây là thiết bị mới, có tính áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào trồng trọt, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao trong hiệu quả thực hiện.
Đến nay, Dự án mới hợp tác với Hiệp hội CropLife châu Á sẽ giúp nâng cao năng lực của ngành, đảm bảo 6 mục tiêu cốt lõi trong chiến lược phát triển bền vững của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gồm: Chuyển giao kỹ thuật phát triển; đào tạo chuyên môn cho nông dân; nâng cao năng lực quản lý; đẩy mạnh chuyển đổi số; thực hiện chính sách quản lý tương ứng với kinh tế toàn cầu và xây dựng đội ngũ chuyên gia nòng cốt.
Ông Tan Siang Hee, Giám đốc điều hành CropLife châu Á nhận định, kỹ thuật phun thuốc trừ sâu bằng máy bay không người lái đã tạo ra diện mạo mới cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Kỹ thuật mới này giúp tiết kiệm nước, đồng thời bảo vệ sức khoẻ người nông dân, giảm tiếp xúc trực tiếp với thuốc trừ sâu.
“Hợp tác công-tư đã giúp cả hai bên trưởng thành hơn rất nhiều. Chúng ta cần tiếp tục cộng tác để giúp người nông dân cạnh tranh với thế giới, không chỉ phát triển kinh tế mà còn củng cố niềm tin từ cộng đồng trong và ngoài nước, thúc đẩy chuyển đổi nông nghiệp xanh, bền vững”, ông Tan Siang Hee nhấn mạnh.
GIẢM RỦI RO THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT
Trước buổi làm việc và ký kết với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, CropLife đã tổ chức gặp mặt, đối thoại cùng báo chí, đồng thời công bố các dự án về nông nghiệp tại Việt Nam thời gian tới.
Bà Delisa Jiang - Giám đốc Chương trình SPMF cho biết Chương trình được xây dựng dựa trên ba trụ cột cơ bản, trong đó giảm phụ thuộc vào HHP (định nghĩa về thuốc bảo vệ thực vật có nguy cơ cao theo Bộ Quy tắc ứng xử của FAO) nhằm bảo đảm các biện pháp quản lý rủi ro để các sản phẩm thuốc có nguy cơ có thể tiếp tục đáp ứng nhu cầu sử dụng thiết yếu.
Đồng thời tăng cường đổi mới, xây dựng môi trường pháp lý phù hợp để tăng khả năng tiếp cận của nông dân với các công cụ, phương pháp và công nghệ hiện đại trong bảo vệ thực vật. Cuối cùng là hướng dẫn, tập huấn cho người nông dân nắm các phương pháp thực hành tốt nhất trong quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bên cạnh đó khuyến khích chuỗi cung ứng sử dụng và quản lý thuốc theo vòng đời một cách có trách nhiệm.
Để thực hiện các trụ cột này, ông Alexander Berkovskiy - Tổng Giám đốc Công ty Syngenta khu vực châu Á Thái Bình Dương, Chủ tịch CropLife châu Á cho rằng cần nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu cho người nông dân, với các giải pháp về công nghệ sinh học như tạo ra các giống cây trồng kháng sâu bệnh, ngắn ngày hơn, có khả năng chống chịu tốt hơn với thời tiết cực đoan như lúa chịu mặn, ngô chịu hạn, và đảm bảo để người nông dân tiếp cận được những giống cây trồng, công nghệ đó.
Bà Simone Barg - đại diện Công ty Basf, Thư ký Ban điều hành CropLife châu Á cho hay để giúp người nông dân biết cách sử dụng các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả, đúng cách, CropLife đã triển khai chương trình hợp tác 5 năm với Cục Bảo vệ thực vật về quản lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; Hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai dự án hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại một số địa phương, như Đồng Tháp (2021 - 2026), Sơn La (2017 - 2020)...
Tại Sơn La, CropLife Việt Nam đã hướng dẫn bà con sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả trên các loại cây trồng chính như xoài, nhãn. Đặc biệt ở các mô hình trồng xoài, nhãn được tư vấn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, lợi nhuận của nông dân đã tăng 150%.
Với việc triển khai Chương trình tại Đồng Tháp thời gian qua, đã có 150.000 nông dân được hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm; nhiều tài liệu truyền thông đã được phát tới tận tay bà con. Bên cạnh đó, chương trình cũng tổ chức cho nông dân thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật.
Bà Delisa Jiang cho biết thêm: "Chúng tôi sẽ tăng cường đào tạo nhiều hơn cho nông dân, thiết lập các nhóm nông dân tham gia chương trình quản lý thuốc bảo vệ thực vật bền vững. Trong đó, chúng tôi sẽ phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật, các cơ quan hải quan, thậm chí cả các ứng dụng bán hàng trên nền tảng số để góp phần ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, giúp nông dân tiếp cận dễ hơn với sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật chất lượng".
Về việc người nông dân thiếu thông tin về thuốc bảo vệ thực vật trong bối cảnh thị trường có sự trà trộn các sản phẩm giả, nhái, kém chất lượng với giá cả chênh lệch, gây thiệt hại không nhỏ cho bà con, bà Delisa Jiang cho biết Dự án luôn cẩn trọng trong việc lựa chọn các đối tác, các cơ sở bán lẻ thuốc bảo vệ thực vật nhằm bảo đảm rằng tất cả những người nông dân khi mua thuốc đều được cung cấp đầy đủ về thông tin đã có sẵn trên bao bì, cách sử dụng, từ đó giảm thiểu thiệt hại tối đa cho người dùng.
Bên cạnh đó, việc truyền thông qua những kênh kĩ thuật số cũng là một trong những cách đưa sản phẩm chất lượng đến gần hơn với người nông dân, giúp họ hiểu hơn về lợi ích của sản phẩm, tác dụng do thuốc đem lại, từ đó giúp cho chất lượng cây trồng được nâng cao, cho năng suất tốt.