Khoá họp lần thứ VII - Uỷ ban liên Chính phủ Việt Nam – Cộng hòa Séc về hợp tác kinh tế vừa được diễn ra tại thủ đô Praha, Cộng hòa Séc.
Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, đồng chủ tịch Uỷ ban liên Chính phủ phía Việt Nam làm trưởng đoàn cùng các thành viên đại diện cho Văn phòng Chính phủ, các Bộ và doanh nghiệp Việt Nam. Cùng tham dự các hoạt động của đoàn còn có Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Séc Thái Xuân Dũng và cán bộ Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam.
Về phía Cộng hòa Séc do ngài Petr Třešňák - Thứ trưởng Bộ Công Thương làm trưởng đoàn cùng các quan chức đại diện các Bộ, Cơ quan xúc tiến thương mại Séc và thành viên đại diện cho doanh nghiệp Cộng hòa Séc.
Trong khóa họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng An khẳng định quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống hai nước đang ngày càng được củng cố và phát triển, đặc biệt quan hệ chính trị tốt đẹp được thể hiện bằng việc hai Bên đã trao đổi các đoàn cấp cao trong thời gian vừa qua và nhờ đó đã tạo đà phát triển trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Phía Việt Nam đánh giá cao việc Séc đưa Việt Nam vào danh sách 12 nước thị trường chủ chốt, ưu tiên về ngoại thương như đã công bố trong Chiến lược xuất khẩu của Cộng hoà Séc trong những năm qua.
Hiện nay, nền kinh tế của Việt Nam và Séc đang phát triển với nhịp độ cao và cùng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và khu vực. Điều đó đã tạo cơ hội thuận lợi cho phát triển hợp tác song phương về kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Về thương mại, năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc tăng 32,5% so với năm 2020, đạt 735 triệu USD (trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Séc đạt 583 triệu USD tăng 37,3%; nhập khẩu từ Séc vào Việt Nam đạt 152 triệu USD tăng 17%.
Trong 5 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với Cộng hòa Séc đạt 294,75 triệu USD, tăng nhẹ 1,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Séc đạt 238,65 triệu USD tăng 5,5%; nhập khẩu từ Séc vào Việt Nam đạt 56,1 triệu USD giảm 13,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Về đầu tư, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, tính đến cuối tháng 5/2022, Cộng hòa Séc có 41 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 92,39 triêụ USD, đứng thứ 49 trong tổng số 139 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.
Các dự án của Séc tại Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực: khai khoáng, dịch vụ lưu trú và ăn uống, công nghiệp chế biến chế tạo, bán buôn bán lẻ, kinh doanh bất động sản với quy mô vừa và nhỏ.
Khẳng định mối quan hệ hiện nay giữa hai nước không ngừng được phát triển, ngài Petr Třešňák hy vọng rằng Khóa họp Uỷ ban liên Chính phủ của hai nước lần thứ VII sẽ góp phần đánh dấu một giai đoạn hợp tác thiết thực và hiệu quả nhằm tăng cường trao đổi thương mại, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực đầu tư và các lĩnh vực hợp tác khác mà hai Bên quan tâm.
Trong bối cảnh quan hệ hai nước rất tốt đẹp như hiện nay, tiềm năng và cơ hội hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Séc giai đoạn tới là rất to lớn. Các doanh nghiệp Séc đang có mong muốn được hợp tác cùng các đối tác phía Việt Nam tham gia vào các dự án cơ khí chế tạo, năng lượng, sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng, các dự án về cung cấp thiết bị y tế và xây dựng bệnh viện, xử lý môi trường tại Việt Nam…
Trên cơ sở những kết quả đạt được thời gian qua, hai Bên cho rằng việc Việt Nam và Cộng hòa Séc tiến hành Khóa họp lần thứ VII có ý nghĩa quan trọng nhằm tìm ra phương hướng triển khai các thỏa thuận hợp tác trong tình hình mới, trao đổi các biện pháp nhằm tạo đột phá trong quan hệ hợp tác song phương.
Thứ trưởng Đặng Hoàng An cũng chúc mừng Cộng hòa Séc trở thành Chủ tịch Hội đồng EU trong 6 tháng cuối năm 2022 và mong muốn phía Séc hỗ trợ để các nước thành viên sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA). Việc EVIPA sớm có hiệu lực sẽ tạo nên khung khổ pháp lý đầy đủ hơn cho việc bảo hộ các nhà đầu tư EU tại Việt Nam.
Trong khuôn khổ hợp tác với EU, Việt Nam mong muốn EU sớm xóa bỏ thẻ vàng theo quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không tuân thủ quy định (IUU) do các doanh nghiệp Việt Nam đã có những cải thiện căn bản, nhằm tuân thủ các quy định của EU trong lĩnh vực đánh bắt hải sản.
Đồng thời, mong muốn Cộng hòa Séc - với vai trò là Chủ tịch Hội đồng châu Âu sẽ thúc đẩy các trao đổi về sửa đổi danh sách gạo thơm của Việt Nam trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) để tạo điều kiện cho việc thực thi hiệu quả, thiết thực các cam kết đã có.
Kết thúc Khóa họp, hai Chủ tịch phân ban của hai nước đã ký Biên bản Khóa họp lần thứ VII Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Cộng hòa Séc về hợp tác kinh tế tại Praha, Cộng hòa Séc.