Ngày 6/12 tại Hà Nội đã diễn ra Kỳ họp lần thứ 43 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Lào Thongloun Sisoulith đồng chủ trì.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Thongloun Sisoulith và đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Lào sang thăm Việt Nam và tham dự Kỳ họp; nhấn mạnh trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực trong năm qua có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là dịch COVID-19 gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội mỗi nước, việc hai bên vẫn duy trì các chuyến thăm, tiếp xúc, điện đàm cấp cao và các cơ chế hợp tác song phương quan trọng, hỗ trợ nhau hiệu quả trong phòng chống dịch bệnh, cũng như giữ vững đà phát triển tốt đẹp của quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực là minh chứng cho nỗ lực và quyết tâm cao độ của cả hai nước dành cho mối quan hệ đặc biệt Việt Nam và Lào.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Chính phủ Lào về những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội nổi bật trong thời gian qua, đặc biệt là việc kiểm soát dịch COVID-19, duy trì đà tăng trưởng khá, tổ chức thành công các hội nghị hợp tác tiểu vùng.
Thủ tướng Chính phủ Lào Thongloun Sisoulith đánh giá cao thành công của Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ "kép" vừa phòng chống dịch bệnh COVID-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục là điểm sáng kinh tế của thế giới; chúc mừng Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 với nhiều sáng kiến quan trọng giúp tăng cường đoàn kết, hợp tác khu vực, điển hình là thông qua Kế hoạch khung phục hồi hậu COVDI-19 và ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Nhân dân Lào, Thủ tướng Thongloun Sisoulith cảm ơn Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam đã kịp thời hỗ trợ Lào khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, trong đó có việc hỗ trợ 1000 tấn gạo giúp nhân dân Lào, tỉnh Savannakhet chịu ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ trên diện rộng gần đây.
Hai Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước kết quả hợp tác thành công, nhiều lĩnh vực vượt mục tiêu đề ra trong triển khai Kế hoạch hợp tác Việt Nam - Lào năm 2020 và Hiệp định hợp tác song phương Việt Nam - Lào giai đoạn 2016-2020; cụ thể:
Quan hệ chính trị - đối ngoại ngày càng gắn bó tin cậy, giữ vai trò nòng cốt, định hướng tổng thể quan hệ hai nước; Hợp tác quốc phòng - an ninh tiếp tục là trụ cột, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội mỗi nước; Hợp tác kinh tế đạt nhiều kết quả đáng khích lệ: đầu tư Việt Nam vào Lào tiếp tục duy trì vị trí thứ ba với tổng vốn đăng ký hơn 4,2 tỷ USD, tăng 35% so với năm 2010, đặc biệt năm 2020 có bước đột phá với 09 dự án được cấp mới và điều chỉnh, vốn lũy kế hơn 143 triệu USD, tăng 130% so với cùng kỳ năm 2019.
Thương mại hai chiều giai đoạn 2017-2019 luôn đạt tốc độ tăng trên 10%, cơ cấu mặt hàng trao đổi giữa hai nước ngày càng đa dạng; Hợp tác giáo dục, đào tạo tiếp tục được đẩy mạnh, số lượng sinh viên Lào theo học tại Việt Nam không ngừng tăng, hiện là 16.644 người; Hợp tác mua bán điện đáp ứng yêu cầu lớn của Lào đạt gấp 2 lần trong năm 2020 so với Kế hoạch ký 2016.
Hợp tác tuyên truyền, văn hóa, giao lưu nhân dân được mở rộng; hai bên phối hợp tổ chức tốt các sự kiện quan trọng trong quan hệ và các lễ kỷ niệm lớn của hai nước; gần đây nhất là Lễ kỷ niệm 45 năm Quốc khánh Lào và 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản.
Đặc biệt, trong năm 2020, nhờ sự phối hợp chặt chẽ và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ hai nước, nhiều dự án hợp tác trọng điểm Việt Nam - Lào đã có những bước tiến căn bản như cảng Vũng Áng, sân bay Noong-khang, các dự án kết nối đường bộ, đường sắt và đặc biệt là công trình Nhà Quốc hội Lào, sẽ hoàn thành đầu năm 2021, quà tặng đầy ý nghĩa của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành cho nhân dân Lào anh em.
Hai bên nhất trí cao về phương hướng hợp tác năm 2021 và giai đoạn 5-10 năm tới; thống nhất tập trung thực hiện hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận lớn giữa hai nước, gồm Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác Việt Nam - Lào năm 2021 và các thỏa thuận hợp tác khác ký kết nhân dịp này.
Hai bên đã đề ra nhiều biện pháp mạnh mẽ, thiết thực để tiếp tục đưa quan hệ chính trị, ngoại giao giữa hai nước đi vào chiều sâu; tăng cường trụ cột hợp tác quốc phòng - an ninh; tiếp tục dành ưu tiên đặc biệt cho hợp tác giáo dục - đào tạo; đẩy mạnh hợp tác kinh tế, tăng cường tính kết nối, bổ trợ của hai nền kinh tế, nhất là kết nối về giao thông vận tải, hạ tầng, viễn thông; khuyến khích các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, đoàn thể nhân dân mở rộng hợp tác giúp đỡ lẫn nhau một cách thiết thực, hiệu quả; đồng thời tích cực phối hợp tìm kiếm, tranh thủ nguồn lực từ các đối tác quốc tế phù hợp cho các dự án, chương trình hợp tác giữa hai nước.
Trên tinh thần quan hệ đặc biệt, tin cậy lẫn nhau, hai bên tiếp tục khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau trong các diễn đàn khu vực và thế giới, nhất là trong hợp tác ASEAN, cơ chế hợp tác tiểu vùng Mê Công và tại Liên Hợp Quốc; cùng tăng cường tham vấn, ủng hộ lẫn nhau, nâng cao vị thế, tự chủ quốc gia, nhất là trong các vấn đề an ninh, chiến lược ở khu vực, bao gồm biển Đông, Mê Công; cùng các nước thành viên ASEAN khác ứng phó hiệu quả với dịch bệnh COVID-19, thúc đẩy duy trì đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng ASEAN 2025.
Kết luận tại kỳ họp, hai Thủ tướng nhấn mạnh sẽ quyết liệt tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ triển khai có hiệu quả các thỏa thuận cam kết, trong đó sẽ tiếp tục tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp hai nước hợp tác đầu tư, sản xuất kinh doanh.