July 27, 2025 | 15:16 GMT+7

HOSE và hành trình 25 năm “nâng giá trị - vững niềm tin”

Hoàng Quân

Ngày 28/7/2000, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP.HCM - tiền thân của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) - chính thức khai trương phiên giao dịch đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Trải qua hành trình 25 năm, HOSE đã trưởng thành cùng với những bước chuyển mình ngày càng lớn mạnh của TTCK Việt Nam và không ngừng tạo dựng những nền tảng giá trị, đem lại niềm tin bền vững cho ngành chứng khoán nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung...

Tòa nhà trụ sở của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE)
Tòa nhà trụ sở của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE)

Với 2 mã cổ phiếu niêm yết ban đầu, 6 công ty chứng khoán thành viên, 4.200 cổ phiếu được khớp và giá trị giao dịch cả phiên đầu tiên chỉ vỏn vẹn 70,4 triệu đồng, TTCK trên HOSE sau 25 năm đã mở ra một chương mới trong lịch sử phát triển kinh tế - tài chính của đất nước.

HÀNH TRÌNH 25 NĂM NÂNG GIÁ TRỊ

Từ con số 6 công ty chứng khoán (CTCK) thành viên tham gia thị trường ban đầu, đến nay đã có 78 công ty, gấp 13 lần. Tổng số nhân sự làm việc tại các CTCK tính đến tháng 5/2025 gần 16.000 người, trong đó  hơn 7.000 nhân sự có chứng chỉ hành nghề chứng khoán (chiếm 44,1%).

Năng lực tài chính của các CTCK liên tục được nâng cao. Từ vốn điều lệ chỉ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng, đến nay nhiều CTCK đã có vốn điều lệ vượt trên nghìn tỷ đồng.

HOSE và hành trình 25 năm “nâng giá trị - vững niềm tin” - Ảnh 1

Theo số liệu tại Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024, có 45 CTCK có vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng trở lên, chiếm 57,7%. Cá biệt, có những CTCK có vốn điều lệ lớn vươn tầm khu vực như SSI, TCBS hay VND với vốn điều lệ lần lượt là 19.638 tỷ đồng, 19.613 tỷ đồng và 15.222 tỷ đồng. Phần lớn các CTCK hoạt động hiệu quả và có lợi nhuận lớn; 61/78 CTCK có tổng lợi nhuận sau thuế lũy kế đến năm 2024 là 55.723 tỷ đồng.

Hoạt động nghiệp vụ của các CTCK ban đầu chỉ có môi giới và tự doanh đã dần trở nên đa dạng hơn, chất lượng được nâng cao. Các CTCK cũng đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghệ hiện đại, xây dựng các kênh thông tin, ứng dụng hỗ trợ nhà đầu tư trong việc phân tích, theo dõi, thực hiện giao dịch và quản lý giao dịch. Số lượng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư mở tại các CTCK tăng đều qua các năm. Từ con số ban đầu 2.997 tài khoản vào cuối năm 2000, đến tháng 5/2025 con số này đã hơn 10 triệu tài khoản, tăng gấp 3.360 lần.

Về doanh nghiệp niêm yết (DNNY) trên HOSE, với 2 mã cổ phiếu niêm yết ban đầu (REE và SAM), đến cuối tháng 5/2025 có 391 mã cổ phiếu, 21 mã chứng chỉ quỹ (trong đó có 17 mã chứng chỉ quỹ ETF) và 192 mã chứng quyền có bảo đảm, tương ứng với 180,3 tỷ chứng khoán được niêm yết và giao dịch trên HOSE.

Các DNNY đa dạng về ngành nghề và quy mô, tập trung các doanh nghiệp lớn, đầu ngành, hoạt động kinh doanh ổn định. Tính đến cuối tháng 5/2025, 4 ngành có tỷ trọng cao nhất là Tài chính, Bất động sản, Hàng tiêu dùng thiết yếu và Công nghiệp, chiếm hơn 75% giá trị vốn hóa toàn thị trường, trong đó ngành Tài chính chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 44,5% tổng giá trị vốn hóa.

Việc niêm yết trên HOSE không chỉ là dấu mốc khẳng định vị thế và thương hiệu của DNNY mà còn mở ra cánh cửa tiếp cận dòng vốn trung và dài hạn, trong và ngoài nước. Chính vì vậy, HOSE đã trở thành lựa chọn hàng đầu của các DNNY trong chiến lược huy động vốn hiệu quả và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Thống kê từ năm 2005 đến nay, có 584 cuộc đấu giá cổ phần, bán được hơn 4.800 triệu cổ phần và hơn 130 triệu quyền mua cổ phần, qua đó thu về hơn 240 nghìn tỷ đồng về cho chủ sở hữu.

Chất lượng DNNY ngày càng được nâng cao. Dữ liệu giai đoạn 2015 – 2024 cho thấy doanh thu và lợi nhuận của các DNNY có xu hướng cải thiện rõ rệt theo thời gian. Tỷ lệ doanh nghiệp báo lãi giữ ở mức ổn định, phản ánh hiệu quả sử dụng vốn sau niêm yết cũng như những thay đổi tích cực trong quản trị và chiến lược phát triển.

Việc trở thành DNNY trên HOSE không chỉ mở ra cơ hội tăng trưởng, mà còn đi kèm với những yêu cầu khắt khe hơn về minh bạch và quản trị. DNNY được khuyến khích tăng cường hoạt động Quan hệ nhà đầu tư (IR), nâng cao khả năng kết nối với công chúng đầu tư. Một bước tiến đáng chú ý từ năm 2025 là việc 100% doanh nghiệp trên HOSE đã thực hiện công bố thông tin định kỳ bằng tiếng Anh. Đây là nền tảng quan trọng giúp tăng cường tiếp cận của nhà đầu tư nước ngoài và nâng vị thế thị trường.

Về Quỹ đầu tư, ngành này cũng đã có những bước phát triển đáng kể, từ một vài công ty quản lý quỹ giai đoạn sơ khai đến nay con số này đã tăng lên 43 công ty, quản lý 123 quỹ đầu tư chứng khoán với tổng giá trị tài sản quản lý hơn 750 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 7 lần so với năm 2014. Hơn 10 năm qua, ngành quỹ đã duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh, bình quân khoảng 20% mỗi năm, góp phần đa dạng hóa kênh đầu tư trên TTCK và tăng huy động vốn cho nền kinh tế. Trong đó, có 3 quỹ đóng, 1 quỹ bất động sản và quan trọng là 17 quỹ hoán đổi danh mục (ETF) được niêm yết và giao dịch trên HOSE.

Các quỹ ETF mô phỏng theo các bộ chỉ số quan trọng do HOSE phát triển như VN30, VN100, VN Midcap, VN Diamond, VNFIN Select, VNFIN Lead, VNX50, tổng khối lượng niêm yết đạt trên 1 tỷ chứng chỉ quỹ, với tổng giá trị tài sản ròng (NAV) đạt gần 25 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với cuối năm 2019.

Với cơ chế quản lý thụ động, minh bạch, sản phẩm ETF trên HOSE không chỉ mang lại cho nhà đầu tư một công cụ mô phỏng sát với hiệu suất của các chỉ số hàng đầu trên thị trường mà còn đóng vai trò là kênh hút vốn hiệu quả, gia tăng thanh khoản cho thị trường.

Từ năm 2014 đến cuối tháng 5/2025, thị trường đã ghi nhận 2.185 đợt hoán đổi làm tăng hơn 3,52 tỷ chứng chỉ quỹ ETF và 1.679 đợt hoán đổi làm giảm 2,64 tỷ chứng chỉ quỹ ETF. Riêng năm 2022, thị trường sơ cấp ghi nhận 688 đợt giao dịch hoán đổi, cao nhất từ trước đến nay, tương ứng với sự sôi động của thị trường thứ cấp khi khối lượng và giá trị giao dịch ETF trên HOSE đạt lần lượt 1,82 tỷ chứng chỉ quỹ và 39.528 tỷ đồng.

Sự tăng trưởng này thể hiện qua số lượng quỹ và quy mô tài sản, đồng thời phản ánh sự gia tăng về thanh khoản trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp, từng bước định vị ETF là một công cụ đầu tư phổ biến và hấp dẫn với nhà đầu tư cá nhân và tổ chức, góp phần mang lại hiệu quả hoạt động và thúc đẩy tăng trưởng quy mô ngành quỹ đầu tư trên TTCK.

Dù vậy, tổng tài sản quản lý tại các công ty quản lý quỹ mới chỉ chiếm gần 6,5% GDP 2024, thấp hơn đáng kể so với các nước trong khu vực (như Thái Lan 21%, Malaysia 52%), còn nhiều dư địa để mở rộng, phát triển cùng với TTCK Việt Nam. 

Lễ khai trương Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP. HCM (nay là Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM) 
Lễ khai trương Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP. HCM (nay là Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM) 

Nhìn lại hành trình hình thành và phát triển cùng TTCK Việt Nam qua 25 năm, TTCK giao dịch tập trung tại HOSE đã trở thành TTCK có giá trị vốn hóa lớn nhất cả nước (tại ngày 30/5/2025 là 218 tỷ USD), đáp ứng được sự mong mỏi của Chính phủ và các nhà đầu tư.

Chỉ số chứng khoán VN-Index là thước đo tăng trưởng giá chứng khoán trên thị trường, từ 100 điểm tại ngày 28/7/2000, đã tăng lên hơn 1.512,31 điểm vào ngày 23/7/2025.

Thanh khoản của thị trường với khối lượng giao dịch bình quân/ngày trong năm 2000 chỉ có 55.497 chứng khoán, tương ứng với giá trị giao dịch bình quân/ngày là 1,4 tỷ đồng, đến nay khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch bình quân lần lượt đạt gần 860 triệu chứng khoán và hơn 19.000 tỷ đồng mỗi phiên giao dịch. Điều này thể hiện sự tăng trưởng vượt bậc của TTCK tại HOSE.

Tuy ra đời sau TTCK các nước trong khu vực Đông Nam Á, như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines, Indonesia, nhưng sự tăng trưởng về quy mô vốn hóa và thanh khoản tại HOSE đang dần thu hẹp khoảng cách và trở thành một trong những thị trường sôi động nhất khu vực.

Với việc Việt Nam khả năng lớn được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong năm nay, hứa hẹn sẽ mở rộng các kênh huy động vốn và thu hút mạnh dòng tiền đầu tư nước ngoài, tăng giá trị vốn hóa và thanh khoản trên thị trường.

Sự gắn kết, hội nhập của TTCK tại HOSE với TTCK các nước thể hiện qua việc HOSE thiết lập và duy trì nhiều mối quan hệ hợp tác chiến lược như Thành viên sáng lập Sáng kiến Liên kết ASEAN, thành viên chính thức của Liên đoàn các Sở GDCK Thế giới (WFE, đến tháng 8/2023 chuyển VNX), Sở GDCK châu Á - Thái Bình Dương (AOSEF), đối tác của Sáng kiến Sở GDCK phát triển bền vững (SSE), các biên bản ghi nhớ (MOU) với nhiều Sở GDCK lớn trên thế giới như New York, London, Hàn quốc, Singapore… đồng thời, là nền tảng quan trọng cho sự hình thành và phát triển Trung tâm Tài chính Quốc tế tại Việt Nam, đã đưa TTCK tại HOSE vào bản đồ tài chính toàn cầu, như là minh chứng đảm bảo giá trị cho các thành viên tham gia thị trường.

VỮNG NIỀM TIN CÙNG NHÀ ĐẦU TƯ

Từ “chứng khoán” còn là một khái niệm mơ hồ và có không ít lo lắng, hoài nghi, TTCK Việt Nam ra đời với sàn giao dịch đầu tiên đặt tại HOSE đã thể hiện sự quyết tâm lớn lao và tin tưởng của Đảng và Nhà nước vào sự thành công của TTCK. Đến nay, những giá trị to lớn mà TTCK tại HOSE mang lại cho nền kinh tế Việt Nam và các thành viên tham gia thị trường đã cho thấy quyết định mang tính lịch sử đó hoàn toàn đúng đắn.

HOSE và hành trình 25 năm “nâng giá trị - vững niềm tin” - Ảnh 2

Đã có những lúc TTCK thể hiện sự tăng trưởng nóng trong bối cảnh người người, nhà nhà đổ xô đi đầu tư chứng khoán, hay có những lúc thị trường giảm mạnh, chịu tác động lớn từ thị trường quốc tế như chiến tranh thương mại, dòng chảy vốn xoay chiều, dịch Covid-19 nghiêm trọng, sự cố nghẽn lệnh trên TTCK,... song, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, phối hợp với các bộ ngành, cơ quan hữu quan, các giải pháp kịp thời, phù hợp của cơ quan quản lý, sự nỗ lực của doanh nghiệp, sự đồng thuận của nhà đầu tư… những khó khăn, thách thức ấy đã được tháo gỡ, xử lý kịp thời để TTCK tiếp tục phát triển an toàn, công khai, minh bạch và ngày càng bền vững hơn.

Trải qua những giai đoạn thăng trầm, TTCK trưởng thành hơn cộng với sự gia tăng, nâng cao, mở rộng hoạt động của các CTCK, DNNY và các nhà đầu tư cho thấy một niềm tin vững chắc đã được tạo dựng, hun đúc ngày càng sâu sắc.

Để duy trì và giữ vững niềm tin đó, HOSE xác định cần phải nỗ lực và nỗ lực nhiều hơn nữa trong công tác tổ chức điều hành và quản lý hoạt động của thị trường.

Tổ chức vận hành thị trường giao dịch chứng khoán ổn định, an toàn, thông suốt luôn là mục tiêu hàng đầu của HOSE. Thực tế qua quá trình phát triển của TTCK, từ giai đoạn đầu giao dịch vài trăm triệu đồng mỗi phiên, thanh khoản thị trường tăng dần, đến nay đã nằm trong top đầu về thanh khoản trong khu vực ASEAN.

Ở những thời điểm thách thức như trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, giai đoạn thị trường chịu áp lực từ các biến động kinh tế toàn cầu, HOSE vẫn luôn cố gắng đảm bảo hệ thống hoạt động thông suốt, xử lý hiệu quả các tình huống bất thường và duy trì niềm tin nơi nhà đầu tư.

Xác định hạ tầng công nghệ là trọng tâm cốt lõi cho sự vận hành thị trường, HOSE tập trung hiện đại hóa cơ sở hạ tầng với 3 cấu phần chính: tòa nhà Exchange Tower (năm 2014), Trung tâm Dữ liệu dự phòng tại công viên phần mềm Quang Trung (năm 2016) và ngày 5/5/2025 chính thức vận hành hệ thống hệ thống CNTT mới.

Với nhiều tính năng mới được tích hợp, đây là một bước tiến cho TTCK Việt Nam, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển và phục vụ tốt hơn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, là cơ hội để triển khai các sản phẩm mới, hướng tới gần hơn mục tiêu nâng hạng thị trường.

Ngoài ra, minh bạch và công bằng luôn là những nguyên tắc cốt lõi để xây dựng niềm tin thị trường, đó cũng là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình hoạt động của HOSE. Việc tổ chức giám sát chặt chẽ các giao dịch hàng ngày nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi thao túng, lũng đoạn thị trường, đã góp phần tăng tính tuân thủ pháp luật, củng cố niềm tin của nhà đầu tư và các tổ chức trung gian.

Công tác kiểm tra, giám sát việc công bố thông tin của DNNY cũng được thực hiện nghiêm ngặt, gắn với việc rà soát báo cáo tài chính, báo cáo quản trị công ty, rà soát duy trì điều kiện niêm yết, đảm bảo nhà đầu tư được tiếp cận thông tin đầy đủ, kịp thời và minh bạch. Số liệu thống kê trong 10 năm qua cho thấy số doanh nghiệp vi phạm công bố thông tin đã giảm gần 80%, cho thấy mặt bằng tuân thủ đang được cải thiện rõ rệt, góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa niêm yết trên HOSE.

Cùng với đó, khi Việt Nam đang từng bước tiến tới mục tiêu nâng hạng thị trường, nỗ lực của HOSE trong việc chuẩn hóa vận hành, hiện đại hóa hạ tầng giao dịch, đôn đốc DNNY công bố thông tin bằng tiếng Anh, nâng cao khả năng tiếp cận cho nhà đầu tư nước ngoài là những yếu tố cốt lõi giúp củng cố niềm tin từ cộng đồng quốc tế.

Song song đó là việc đa dạng hóa sản phẩm cho thị trường để tiệm cận với xu thế phát triển chung của các TTCK quốc tế. Hàng hóa trên HOSE không chỉ có cổ phiếu, mà đã mở rộng sang các sản phẩm có cấu trúc tiên tiến như chứng chỉ quỹ đầu tư, chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục (ETF), chứng quyền có bảo đảm (CW)…

Hệ thống các chỉ số chứng khoán cũng liên tục được phát triển để cung cấp cho thị trường thông tin đa chiều, hỗ trợ đầu tư. Trong đó, VN-Index đã trở thành "kim chỉ nam" đo lường diễn biến giá cổ phiếu của các doanh nghiệp được niêm yết trên HOSE, đặt nền móng cho sự phát triển bộ chỉ số chứng khoán của HOSE sau này.

Đến nay, hệ thống chỉ số của HOSE đã xây dựng được một hệ sinh thái đa dạng và toàn diện từ chỉ số theo quy mô vốn hóa (VN30, VN100, VNMidcap, VNSmallcap), đến chỉ số ngành (VNFIN, VNIND, VNREAL, VNCONS,…), chỉ số đầu tư/chỉ số chủ đề (VNDIAMOND, VNFINLEAD, VNFINSELECT, VNSI) và chỉ số chung (VNX50, VNXAllshare).

Các chỉ số đã trở thành "la bàn" định hướng của thị trường và nền tảng phát triển cho nhiều sản phẩm tài chính, góp phần đa dạng hóa công cụ đầu tư và quản trị rủi ro.

Bên cạnh việc phát triển các sản phẩm mới, các cơ chế, giải pháp kỹ thuật được triển khai như khớp lệnh định kỳ chuyển sang khớp lệnh liên tục, mở rộng biên độ giao dịch, giao dịch trực tuyến, kéo dài thời gian giao dịch, chia nhỏ bước gia, bổ sung các loại lênh mới (lệnh thị trường, lệnh ATO, ATC...), giao dịch lô lẻ, vận hành giải pháp kỹ thuật xử lý tình trạng quá tải hệ thống giao dịch… đã góp phần nâng giá trị giao dịch tăng mạnh mẽ, đưa TTCK Việt Nam trở thành thị trường có thanh khoản thuộc nhóm cao nhất trong khu vực ASEAN.

HOSE và hành trình 25 năm “nâng giá trị - vững niềm tin” - Ảnh 3

Nhìn lại chặng đường 25 năm qua, TTCK tại HOSE không chỉ là nơi đầu tư hấp dẫn mang lại nhiều giá trị, mà còn là biểu tượng cho sự kiên định, nỗ lực không ngừng trong việc giữ vững niềm tin. Từ những bước đi chập chững, TTCK tại HOSE đã vươn mình trở thành một trong những thị trường trọng điểm trong khu vực, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

Chặng đường phía trước đầy thách thức nhưng cũng hứa hẹn nhiều cơ hội. HOSE, với nền tảng vững chắc đã được xây dựng, sẽ tiếp tục phấn đấu là đầu tàu, kiến tạo một TTCK minh bạch, hiệu quả và đáng tin cậy hơn nữa trong tương lai.

 

XÂY DỰNG NỀN MÓNG CHO MỘT THỊ TRƯỜNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Phát triển bền vững (ESG - môi trường, xã hội và quản trị) không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu tất yếu. HOSE đã sớm nhận thức và đi đầu trong việc thúc đẩy các giá trị này. Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên, khởi xướng từ năm 2008 và sau này được nâng tầm thành Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết (VLCA), đã trở thành một chuẩn mực, khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao chất lượng quản trị công ty và phát triển bền vững.

Trong bối cảnh hội nhập, các chuẩn mực áp dụng cho các DNNY trên HOSE đã từng bước tiệm cận với thông lệ toàn cầu, như việc tuân thủ các nguyên tắc báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), chỉ số ngành theo chuẩn phân ngành GICS (Global Industry Classification Standard) của MSCI, triển khai công bố thông tin bằng tiếng Anh, thiết lập các chuẩn mực về quản trị doanh nghiệp, hướng đến phát triển bền vững… Không chỉ vậy, HOSE còn chủ động mở rộng hợp tác với nhiều Sở giao dịch quốc tế, các tổ chức chuyên môn, tăng cường hoạt động ngoại giao - tất cả nhằm khẳng định cam kết minh bạch, chuyên nghiệp và phát triển bền vững cho thị trường.

Việc ra mắt chỉ số phát triển bền vững (VNSI) năm 2017 đánh dấu sự quan tâm thúc đẩy các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE hướng tới hoạt động kinh doanh có trách nhiệm xã hội và bền vững hơn. Chỉ số này được xây dựng theo chuẩn GRI (Global Reporting Initiative), một khuôn khổ báo cáo phát triển bền vững được công nhận toàn cầu. Việc tuân thủ chuẩn GRI giúp chỉ số VNSI đánh giá toàn diện các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp, tạo cơ sở vững chắc cho các sản phẩm đầu tư bền vững tại Việt Nam.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate