February 21, 2023 | 20:27 GMT+7

HSBC: Tiêu dùng vẫn là trụ cột chính hỗ trợ tăng trưởng tại ASEAN năm 2023

Minh Tú -

Sau khi phục hồi vững chắc trong năm 2022, tăng trưởng tiêu dùng của các nước khối ASEAN trong năm 2023 được dự báo vẫn tiếp tục tăng trưởng ổn định dù tốc độ có thể sẽ chậm lại. Việt Nam, Malaysia và Singapore có thể cho thấy sự vững vàng nhất định...

Tiêu dùng cá nhân góp phần giúp doanh số tiêu dùng của ASEAN năm 2022 tăng trưởng mạnh.
Tiêu dùng cá nhân góp phần giúp doanh số tiêu dùng của ASEAN năm 2022 tăng trưởng mạnh.

Trong báo cáo “ASEAN Perspectives - Liệu tiêu dùng có trụ vững?” vừa công bố, HSBC nhận định rằng tăng trưởng tiêu dùng của ASEAN trong năm 2023 nhiều khả năng sẽ tiếp tục ổn định, dù tốc độ tăng trưởng có thể chậm lại.

TIÊU DÙNG CÁ NHÂN GIÚP DOANH SỐ BÁN LẺ BÙNG NỔ

Theo HSBC, năm 2022 là một năm ấn tượng cho sự bùng nổ của tiêu dùng cá nhân. Đây chính là chất xúc tác góp phần giúp doanh số bán lẻ của ASEAN năm 2022 tăng trưởng mạnh. Sau khi mở cửa trở lại trên diện rộng, nhu cầu bị dồn nén bấy lâu đã được giải phóng khi người tiêu dùng đổ xô quay trở lại các trung tâm mua sắm, ăn uống bên ngoài nhiều hơn và đi du lịch vào dịp nghỉ lễ. 

Khác với giai đoạn trong đại dịch, động lực tăng trưởng của ASEAN đã chuyển sang nhu cầu bùng nổ trong nội địa sau khi những khó khăn về thương mại toàn cầu gia tăng. Thật vậy, mặc dù các nền kinh tế định hướng xuất khẩu, chẳng hạn như Singapore và Việt Nam, đã cảm nhận được tác động, hưởng lợi đáng kể nhờ những thuận lợi từ việc mở cửa trở lại. 

Tóm lược sơ qua về tình hình ASEAN trong năm 2022, HSBC cho biết, không ngạc nhiên khi tiêu dùng cá nhân là thành phần đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng trên toàn ASEAN. Ngoại trừ Indonesia, chi tiêu hộ gia đình ở các nước đã phục hồi với tốc độ mạnh mẽ hơn so với trước đại dịch.

Nguyên nhân là ASEAN đã được hưởng lợi phần lớn nhờ nhu cầu du lịch bị dồn nén đã bùng nổ sau khi mở cửa trở lại toàn diện kể từ tháng 3/2022. Tuy nhiên, câu chuyện phục hồi ở mỗi ngành một khác. Ngành vận tải của ASEAN đã chứng kiến sự phục hồi nhanh hơn so với ngành lưu trú và ăn uống. Trong đó, nổi bật nhất là Việt Nam và Indonesia, một phần nhờ du lịch nội địa phục hồi nhanh chóng bù đắp cho tình hình vẫn còn yếu của du lịch quốc tế.

Trong khi đó, Thái Lan bị tụt lại phía sau khi mà nước này phụ thuộc nhiều vào du lịch nước ngoài và du khách Trung Quốc. Ngay cả khi Trung Quốc mở cửa lại thì tiến độ phục hồi phụ thuộc vào tốc độ khôi phục lại các chuyến bay quốc tế. Với Singapore, trung tâm du lịch chính, có các chuyến bay trực tiếp với Trung Quốc vào tháng 1 mới chỉ đạt chưa tới 10% so với mức trước đại dịch.

NHIỀU TRIỂN VỌNG TRONG NĂM 2023

Từ các phân tích trên, HSBC dự báo tăng trưởng tiêu dùng có thể sẽ ở mức vừa phải trong năm 2023, nhưng vẫn thừa nhận đây vẫn là trụ cột chính hỗ trợ cho tăng trưởng tại ASEAN. Mặc dù các nhà hoạch định chính sách nhiều khả năng sẽ không đưa ra hỗ trợ hướng tới người tiêu dùng trên diện rộng, có thể sẽ cung cấp một số biện pháp hỗ trợ tài khóa để bù đắp chi phí sinh hoạt gia tăng từ ngân sách năm 2023 của các nước này. Tuy nhiên, điều tiết lạm phát, mặc dù ở các mức độ khác nhau, và cải thiện tâm lý người tiêu dùng có thể nâng thúc đẩy tiêu dùng.

Người tiêu dùng ASEAN chi tiêu nhiều nhất cho ăn uống, đi lại, sức khỏe... Nguồn: HSBC, CEIC
Người tiêu dùng ASEAN chi tiêu nhiều nhất cho ăn uống, đi lại, sức khỏe... Nguồn: HSBC, CEIC

Cũng theo HSBC, sự tăng trưởng của ngành tiêu dùng ASEAN năm 2023 phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm lạm phát, chính sách tài khóa, tâm lý người tiêu dùng, sự phục hồi của thị trường lao động và tỷ lệ tiết kiệm.

Đầu tiên và quan trọng nhất, lạm phát vẫn là một mối quan tâm chính của người tiêu dùng. Hầu hết các nền kinh tế ASEAN đã vượt qua giai đoạn đỉnh lạm phát, mặc dù Philippines và Việt Nam vẫn tiếp tục chứng kiến áp lực tăng giá ngày càng gia tăng. Mặc dù vậy, lạm phát nhiều khả năng sẽ giảm dần, nghĩa là áp lực giá tăng kéo tới ít nhất là nửa đầu năm 2023. 

Xét cho cùng, lạm phát cơ bản đã tăng lên ở hầu hết các nền kinh tế, phản ánh thị trường lao động sôi động. Ngay cả trong trường hợp của Singapore, một quốc gia sớm có động thái và cung cấp các khoản trợ cấp tài khóa hào phóng để trực tiếp “giải cứu” việc làm, thị trường lao động của nước này vẫn trong tình trạng thắt chặt với mức tăng lương có xu hướng vượt các mốc trước đây.

Về tiết kiệm, do các hộ gia đình ở ASEAN dường như đã tiêu hết số tiền tiết kiệm của họ trong năm 2022 nên sẽ hạn chế tiêu dùng trong năm 2023 để tích lũy tiết kiệm trở lại. Ngoài ra, tiêu dùng sẽ chậm lại trong năm 2023 vì hầu hết các ngân hàng trung ương có thể sẽ giữ lãi suất cao, điều này sẽ làm hạn chế người dân đi vay và do đó hạn chế tiêu dùng trong khi khuyến khích tiết kiệm.

Về nguồn cung lao động, HSBC cho rằng vấn đề này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như tiền lương, lựa chọn tùy thích và thu nhập phát sinh ngoài công việc. Tuy nhiên, một yếu tố chính là dân số, nguồn cung lao động tiềm năng tăng lên cùng với sự gia tăng của dân số trong độ tuổi lao động, dẫn đến nguồn cung lao động tuân theo một số dạng xu hướng tự nhiên. Đặt trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch, nguồn cung lao động ít nhiều đã bình thường hóa khi việc làm quay trở lại xu hướng tự nhiên này. 

“Vậy là chúng tôi cho rằng tiêu dùng ở ASEAN sẽ chậm lại vào năm 2023 nhưng mỗi nước mỗi khác; tiêu dùng tại Philippines có thể sẽ chậm lại nhiều nhất, trong khi Việt Nam, Malaysia và Singapore có thể cho thấy sự vững vàng nhất định” HSBC nhận định.

Liên quan đến thu nhập của người dân trước ảnh hưởng của lạm phát, HSBC cho rằng đó là một bức tranh đa chiều, ở đó Việt Nam và Indonesia được lợi, trong khi Malaysia và Philippines chứng kiến giá hàng hóa và dịch vụ có tốc độ tăng nhanh hơn tiền lương vào năm 2022, làm “xói mòn” sức mua và cắt giảm tiêu dùng trong tương lai gần. Tác động do lạm phát thường không thấy ngay được và các hộ gia đình có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh lại chi tiêu của họ trong suốt cả năm do chi phí sinh hoạt tăng mạnh.

Tuy nhiên, mức độ suy giảm của mỗi nước ASEAN một khác. Sức mua của tiền lương không giảm nhiều ở Malaysia, nơi thị trường lao động tiếp tục phục hồi gần mức trước đại dịch, trong khi sức mua ở Việt Nam thậm chí còn tăng lên, tiếp thêm sự vững vàng cho nền kinh tế trong năm 2023.

Tuy nhiên, Philippines đã chứng kiến sức mua của tiền lương giảm đáng kể, trong đó chi phí sinh hoạt lại tăng gần gấp đôi so với mức tăng tiền lương. Tình trạng suy giảm này có thể sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng trong năm 2023 khi các hộ gia đình tìm cách để duy trì cuộc sống trong bối cảnh ngân sách hộ gia đình eo hẹp.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate