April 22, 2025 | 11:38 GMT+7

Huế tiên phong phát triển du lịch di sản xanh

Tường Bách -

Ngay từ đầu tháng 4/2025, lượng khách đặt tour đến Huế đã tăng mạnh. Bên cạnh tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, du khách còn được trải nghiệm nhiều hoạt động thuộc chuỗi sự kiện Năm Du lịch Quốc gia…

Toàn cảnh Kinh thành Huế nhìn từ trên cao. Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế
Toàn cảnh Kinh thành Huế nhìn từ trên cao. Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế

Theo Sở Du lịch TP. Huế, để chuẩn bị cho dịp lễ 30/4, du lịch Huế tận dụng đà phát triển từ việc tổ chức thành công các sự kiện nổi bật là lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia - Huế 2025, các hoạt động văn hóa - thể thao lớn như giải chạy Marathon thu hút 12.000 vận động viên tham gia, Hội diễn nghệ thuật quần chúng Công an Nhân dân…

Những hoạt động này không chỉ mang đến sức sống mới cho Huế, mà còn kết hợp hài hòa giữa sự kiện thể thao, văn hóa và hoạt động trải nghiệm du lịch, góp phần làm cho các điểm đến nổi tiếng như Đại Nội và các di tích Huế sẽ trở nên đông đúc; các nhà hàng, quán ăn, điểm check-in, điểm dịch vụ ven biển, suối thác... cũng thu hút nhiều du khách hơn.

ĐÓN MÙA DU LỊCH CAO ĐIỂM

Với lần thứ hai đăng cai Năm Du lịch quốc gia, Huế sẽ có hơn 160 sự kiện trải dài suốt năm, tập trung vào 4 mùa lễ hội đặc sắc, gồm “Xuân Cố đô”, “Kinh thành tỏa sáng”, “Huế vào thu” và “Mùa đông xứ Huế”. Thành phố kỳ vọng thu hút khoảng 4,8 - 5 triệu lượt khách đến với vùng đất cố đô trong cả năm nay.

Lần thứ hai đăng cai Năm Du lịch quốc gia, Huế sẽ có 160 sự kiện trải dài suốt năm.
Lần thứ hai đăng cai Năm Du lịch quốc gia, Huế sẽ có 160 sự kiện trải dài suốt năm.

Bà Trần Thị Hoài Trâm, Giám đốc Sở Du lịch thành phố Huế, cho biết ngành du lịch địa phương đã chủ động phối hợp các cơ quan chức năng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát giá cả dịch vụ, cũng như tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí... trong dịp dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Nhiều đơn vị lữ hành trên địa bàn đã chủ động xây dựng sản phẩm du lịch mới để phục vụ khách vào dịp lễ 30/4 nói riêng và dịp cao điểm du lịch hè nói chung như các tour trải nghiệm, khám phá di sản, tour trải nghiệm ở phá Tam Giang, trải nghiệm trekking trong rừng vườn quốc gia Bạch Mã...

Bà Châu Thị Hoàng Mai, Giám đốc điều hành Khách sạn Alba và Alba Spa, cho biết các cơ sở lưu trú trên địa bàn hiện rất chủ động nâng cao chất lượng dịch vụ: “Chúng tôi đã tạo ra nhiều gói dịch vụ kết hợp giữa phòng nghỉ cộng với spa và phục hồi sức khỏe, phòng nghỉ cộng với ăn uống hoặc là phòng nghỉ với các chương trình tham quan ngắn ở Huế. Qua đó giúp cho du khách có thể dễ dàng và thuận tiện khi đặt dịch vụ”.

Ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Huế, cho biết: “Hiệp hội không kích cầu du lịch bằng giá mà kích cầu bằng chất lượng và giá trị gia tăng cho các nhóm để thu hút khách đến. Ví dụ, có thể có những tour du lịch miễn một phần nào đó về xe cộ, hoặc có thể miễn phí một vài tour tuyến ngắn để du khách trải nghiệm. Các khách sạn tăng thêm những dịch vụ tiện ích để cho khách kéo dài thời gian lưu trú...”.

Huế tiên phong phát triển du lịch di sản xanh - Ảnh 1

Công tác quản lý, giám sát dịch vụ du lịch cũng được ngành chức năng chú trọng. Sở Du lịch thành phố Huế thành lập nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra tại các điểm du lịch trọng điểm nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm tình trạng “chèo kéo”, “đeo bám”, “nâng giá trái phép”. Đồng thời, yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ phải “niêm yết giá công khai”.

Đặc biệt, Sở Du lịch thành phố Huế vừa công bố số điện thoại đường dây nóng phục vụ du khách đến Huế trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Theo đó, nếu du khách gặp những vấn đề về giá cả dịch vụ, môi trường du lịch, xin hãy gọi số điện thoại 0234.3828288 để các đơn vị chức năng kịp thời xử lý. 

TẠO SỨC SỐNG MỚI CHO DU LỊCH HUẾ

Tại hội thảo khoa học với chủ đề “Hướng phát triển du lịch TP. Huế” mới đây, đã có 18 tham luận tập trung phân tích, đề xuất giải pháp về du lịch Huế trong chiến lược phát triển bền vững.

TS. Phan Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố Huế, cho rằng văn hóa Huế thể hiện chiều sâu đặc trưng của vùng đất, những giá trị này hiện đã trở thành tiềm năng to lớn để xây dựng Huế trở thành một trung tâm du lịch quan trọng của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Thành phố Huế cũng sở hữu tiềm năng to lớn để phát triển thành một đô thị di sản đẳng cấp nhờ vào lợi thế nổi bật về văn hóa, lịch sử và cảnh quan thiên nhiên. So với các đô thị trực thuộc Trung ương khác, trình độ phát triển đô thị của Huế hiện chưa cao và thành phố cũng không phải là một trung tâm công nghiệp lớn. Tuy nhiên, chính nền tảng tài nguyên văn hóa - du lịch phong phú, đa dạng và độc đáo đã tạo cho Huế một hướng đi riêng biệt trong tiến trình phát triển đô thị bền vững.

Điện Thái Hòa sau khi trùng tu.
Điện Thái Hòa sau khi trùng tu.

TS. Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch miền Trung, cho rằng việc viết nên những câu chuyện độc đáo về ẩm thực trong lịch sử, từ dân gian đến cung đình, cũng sẽ góp phần giúp Huế hiện thực hóa chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa trên nền tảng kinh tế di sản, bảo đảm một nguồn nuôi dưỡng văn hóa Huế bền vững.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Thừa Thiên Huế, nhận định du lịch và văn hóa là hai thế mạnh đặc thù của Huế. Nếu được khai thác hiệu quả, đây sẽ tạo ra động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững cho Huế. Tuy nhiên, theo ông Hoa, thực tế đang cho thấy điểm yếu cố hữu của Huế lại chính là du lịch. So với nhiều địa phương khác, dù không có thế mạnh văn hóa bằng Huế nhưng lại có tốc độ phát triển du lịch vượt trội.

“Phần lớn khách đến Huế hiện nay chủ yếu để tham quan di sản như lăng tẩm, cung điện. Gần đây, Huế bắt đầu được quảng bá là Kinh đô áo dài, Kinh đô ẩm thực, bước đầu tạo ra chuyển động, nhưng vẫn chưa đủ để tạo bứt phá. Chúng ta cần phá thế du lịch đơn điệu, vừa nâng cao chất lượng du lịch văn hóa, vừa phát triển các hình thức như du lịch biển, du lịch giải trí, du lịch tâm linh... để tạo nên sự đa dạng và hấp dẫn”, ông Hoa cho biết.

Huế tiên phong phát triển du lịch di sản xanh - Ảnh 2

Hướng đến phát triển du lịch bền vững, tại sự kiện “Huế - Tiên phong phát triển du lịch di sản xanh & thành phố xe đạp” vừa qua, Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam đã trao chứng nhận LOTUS cho điện Thái Hòa. Đây là lần đầu tiên một di sản văn hóa thế giới tại Việt Nam đạt tiêu chuẩn xanh, mở ra hướng đi mới trong công tác trùng tu - bảo tồn di sản bền vững.

Cũng trong khuôn khổ sự kiện này, 20 xe đạp điện GCOO thế hệ mới đã được trao tặng đợt 2 cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Các phương tiện này sẽ được đưa vào khai thác phát huy giá trị ngay trong tuyến du lịch mới tại Đại Nội, phục vụ du khách với trải nghiệm tham quan yên tĩnh, thân thiện và linh hoạt hơn.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate