Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. HCM vừa có báo cáo về thực trạng lao động và dự báo nhu cầu nhân lực 4 ngành công nghiệp trọng điểm tại TP. HCM giai đoạn 2022 – 2026.
NHÂN LỰC 4 NGÀNH CHIẾM HƠN 23% TỔNG NHU CẦU NHÂN LỰC HẰNG NĂM
Theo đó, trong giai đoạn 2022 – 2026, TP. HCM tập trung phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao, các ngành sử dụng nhiều lao động trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, công nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ và thiết bị hiện đại nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và bảo vệ môi trường.
Thành phố tiếp tục phát triển 4 ngành công nghiệp trọng điểm bao gồm: Cơ khí; điện tử - công nghệ thông tin; chế biến tinh lương thực thực phẩm; hóa dược – cao su. Nhu cầu nhân lực tại TP. HCM dự báo mỗi năm có khoảng 271.510 – 322.897 chỗ làm việc. Đến năm 2026, nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 89,64%, trong đó trình độ trung cấp tỷ lệ cao nhất với 25,55%; sơ cấp nghề 21,37%; cao đẳng 20,19%; đại học trở lên 22,53%.
Nhu cầu nhân lực 4 ngành công nghiệp trọng điểm chiếm 23,22% tổng nhu cầu nhân lực hằng năm giai đoạn 2022 – 2026.
Trong đó, với ngành cơ khí, thành phố tập trung phát triển các chuyên ngành cơ khí công nghệ cao và có giá trị gia tăng lớn, giảm thiểu sản phẩm cơ khí gia công đơn thuần. Ưu tiên phát triển các nhóm ngành: cơ khí khuôn mẫu; máy móc thiết bị điện; máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp – lâm nghiệp – thủy sản và công nghiệp chế biến. Các nhóm ngành cơ khí được khuyến khích phát triển gồm: sản xuất dụng cụ gia đình; sản xuất máy công cụ; sản xuất máy động lực; sản xuất dụng cụ y tế, quang học, đồng hồ.
Nhu cầu nhân lực bình quân hằng năm của ngành cơ khí khoảng 15.236 – 17.393 người, chiếm khoảng 5,43% tổng nhu cầu nhân lực; tỷ lệ qua đào tạo khoảng 75,35%.
Với ngành điện tử - công nghệ thông tin, thành phố phát triển theo hướng chú trọng công nghiệp phần mềm, kỹ thuật số trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng cao. Tập trung các phân ngành, lĩnh vực thuộc danh mục công nghệ cao ưu tiên đầu tư và sản phẩm công nghệ cao, dịch vụ công nghệ cao ưu tiên phát triển như sản xuất các sản phẩm, linh kiện, thiết bị tin học, viễn thông, nghe nhìn, sản xuất phần mềm và nội dung số.
Nhu cầu nhân lực ngành điện tử - công nghệ thông tin ngày càng tăng, đặc biệt về chuyên ngành và chất lượng nhân lực chuyên môn cao. Dự kiến nhu cầu nhân lực hằng năm bình quân cần khoảng 22.594 – 28.843 người, chiếm 9,06% tổng nhu cầu nhân lực, tỷ lệ qua đào tạo là 95,21%.
Ngành hóa dược – cao su, tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực áp dụng công nghệ cao, sản xuất sạch nhằm bảo vệ môi trường và giá trị gia tăng để dần trở thành chủ lực như hóa dược và dược phẩm; hóa mỹ phẩm, hương liệu và cao su, nhựa cao cấp.
Các nhóm ngành hóa dược – cao su được ưu tiên phát triển gồm: Sản phẩm cao su; sản phảm plastic; sản xuất chất tẩy rửa; sản xuất dược phẩm; tập trung nghiên cứu các loại dược liệu từ thiên nhiên…Nhu cầu nhân lực bình quân hằng năm cần khoảng 12.535 – 14.066 người, tỷ lệ qua đào tạo là 92,5%.
Với ngành chế biến tinh lương thực thực phẩm, tập trung phát triển những sản phẩm tinh chế, có giá trị gia tăng lớn bằng công nghệ hiện đại. Các nhóm ngành được ưu tiên phát triển gồm: Sản xuất sữa; sản xuất dầu thực vật; chế biến thủy sản; chế biết thịt. Các nhóm ngành được khuyến khích phát triển gồm: Xay xát; sản xuất rượu, bia, nước giải khát. Nhu cầu nhân lực bình quân hằng năm khoảng 12.567 – 13.258 người, tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 77,19%.
CÓ CHÍNH SÁCH TRỌNG DỤNG NHÂN TÀI
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực 4 ngành công nghiệp trọng điểm, Trung tâm cho rằng, về phía cơ quan quản lý nhà nước, cần có chính sách trọng dụng nhân tài, chính sách về môi trường, điều kiện, phương tiện làm việc; chính sách về thu nhập, việc làm, bảo hiểm. Đổi mới cách xây dựng nền giáo dục, đào tạo đến đâu sử dụng đến đó.
Về phía doanh nghiệp, cần quan tâm nhiều yếu tố để thu hút nguồn nhân lực như môi trường làm việc, văn hóa doanh nghiệp, sự bình đẳng giữa những người lao động…Xây dựng và thực hiện tốt chính sách về tiền lương, tương xứng với sự đóng góp của người lao động, trở thành công cụ, động lực thúc đẩy tăng năng suất lao động, hiệu suất công việc và phù hợp với tiền lương trên thị trường với các vị trí tương đồng.
Cùng với đó, doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư phát triển công nghệ mới, dần thay thế cho công nghệ cũ đã lỗi thời, chủ động trong tuyển dụng, đào tạo và nâng cao chất lượng đội ngũ của chính doanh nghiệp. Xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh đồng bộ với kế hoạch phát triển nguồn nhân lực; chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Đối với các cơ sở đào tạo, cần thường xuyên cập nhật, đổi mới chương trình đào tạo. Việc đào tạo cũng cần tiếp cận theo hướng đa ngành, thay vì chuyên ngành để người học thích ứng với sự phát triển, hội nhập quốc tế và tiến trình cách mạng 4.0.
Tuy nhiên, ở phía người lao động cũng cần chủ động trau dồi kiến thức có hiệu quả, chất lượng và nhận thức rõ chỉ có tay nghề cao, kỷ luật lao động tốt thì mới có việc làm ổn định, thu nhập cao, đời sống được nâng lên. Ngoài kiến thức chuyên môn, người lao động cần học hỏi về kỹ năng số hóa và công nghệ, trang bị những kỹ năng cần thiết như quản lý con người, khả năng thích ứng nhanh…