Cắt giảm sản lượng, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu, song song với việc đẩy mạnh xuất khẩu được xem là những biện pháp sẽ giúp giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp trong ngành thép trong thời gian tới.
Đây là hướng đi được đặt ra tại hội nghị tháo gỡ khó khăn cho ngành thép do Bộ Công Thương tổ chức chiều 27/10.
Tại đây, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho hay, để đối phó với lạm phát tăng cao từ năm 2010 và các tháng đầu năm 2011, Chính phủ đã áp dụng nhiều giải pháp, trong đó có thắt chặt chính sách tiền tệ. Kéo theo điều đó, nhiều công trình đầu tư công bị cắt giảm hoặc giãn tiến độ, thị trường bất động sản đóng băng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiêu thụ thép.
Theo ước tính của VSA, lượng tiêu thụ thép các loại cả năm 2011 chỉ đạt trên 10,3 triệu tấn, giảm 7,69% so với năm 2010.
Lượng tiêu thụ giảm, tồn kho tăng cao đã khiến giá thép bán ra ở mức khá thấp. Gần đây, ở thị trường miền Bắc giá bán thép cây, thép cuộn phổ biến là 15,6 - 15,7 triệu đồng/tấn, còn thị trường miền Nam là trên 17 triệu đồng/tấn. Trong khi giá thành sản xuất ở mức 15,5 - 16 triệu đồng/tấn. Giá bán trên đã khiến một số công ty lâm vào tình trạng thua lỗ, khó có khả năng trả các khoản nợ vay từ ngân hàng.
“Tình hình hiện nay đã khiến các đơn vị thành viên của Tổng công ty Thép Việt Nam phải giảm tới 40% sản lượng và phải điều chỉnh kế hoạch năm. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn lỗ nặng”, ông Nghiêm Xuân Đa, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam than thở.
Không những vậy, hiện nay trên thị trường đã xuất hiện sự chênh lệch giữa tỷ giá chính thức và không chính thức từ 600 - 800 đồng/USD. Theo nhận định của ông Đa, nếu thời gian tới sự chênh lệch này càng lớn, nó sẽ “quét” sạch thành quả trong 10 tháng qua của các doanh nghiệp trong ngành thép.
Chia sẻ về điều này, đại diện Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay ngành thép đang phải nhập khẩu tới trên 60% lượng phôi và khoảng 70% lượng thép phế. Do đó, nhu cầu về USD là rất lớn, nhưng ngành này lại không được xếp vào diện được ưu đãi về tín dụng ngoại tệ.
Để giải bài toán cung vượt cầu, xuất khẩu là hướng đã được nhiều doanh nghiệp thép thực hiện. 9 tháng qua, các doanh nghiệp đã xuất khẩu khoảng 1,35 triệu tấn thép các loại. Dự kiến cả năm 2011, lượng thép toàn ngành xuất khẩu sẽ đạt khoảng 1,8 triệu tấn, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2010.
Tuy nhiên, việc xuất khẩu thép tăng mạnh vào một số thị trường như Mỹ, Thái Lan, Indonesia thời gian qua đã khiến một số sản phẩm có nguy cơ bị kiện bán chống phá giá.
Trước những khó khăn này, để tự cứu mình theo ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát, các doanh nghiệp phải tiết giảm sản lượng, sử dụng năng lượng và các chi phí đầu vào hiệu quả.
Ông Dương còn cho rằng, sau một thời gian tăng trưởng quá nóng, nhanh nhất là hai năm tới thị trường bất động sản mới có thể phục hồi. Do đó, lượng tiêu thụ thép ở trong nước sẽ tiếp tục ở mức thấp.
Song ông cũng kiến nghị cơ quan chức năng cần có sự ổn định về mặt chính sách đối với hoạt động xuất nhập khẩu thép. Bên cạnh đó, cần đưa ra các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với thép nhập khẩu để hạn chế tình trạng thép kém chất lượng ồ ạt tràn vào nước ta gây tác động xấu cho thị trường trong nước.
Cơ quan quản lý nhà nước cũng đồng tình rằng, trong tình hình khó khăn hiện, xuất khẩu là hướng đi phù hợp. Điều này không chỉ giúp giải quyết khó khăn trước mắt mà còn làm giảm nhập siêu của ngành. Nhưng thị trường cũng cần đa dạng hơn để tránh nguy cơ bị kiện chống bán phá giá.
Mặc dù vậy, theo nhìn nhận của Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang thì tương lai của ngành thép trong thời gian tới cũng không phải là quá “mịt mờ”, vì hiện nay vẫn có những doanh nghiệp nước ngoài xin đầu tư sản xuất thép tại Việt Nam.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate