"Trước tháng 12/2019, tất cả các bệnh viện trên địa bàn đô thị cả nước phải hoàn thành việc phối hợp với ngân hàng để thu viện phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt...", đó là nhiệm vụ được Chính phủ đặt ra cho ngành y tế.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đã đặt ra 4 giải pháp kỹ thuật thanh toán điện tử không dùng tiền mặt tại các bệnh viện gồm: quy định chuẩn thông tin thanh toán điện tử trong y tế; xây dựng chuẩn kết nối giữa ngân hàng và hệ thống thông tin bệnh viện; xây dựng chuẩn kết nối thanh toán giữa thẻ Napas với hệ thống quản lý bệnh viện (HIS); xây dựng và ban hành chuẩn thanh toán QR y tế.
Đến nay, 100% cơ sở khám chữa bệnh đã có ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện và kết nối liên thông với bảo hiểm xã hội, đây là nền tảng quan trọng cho việc triển khai thanh toán không tiền mặt tại các cơ sở khám chữa bệnh. Cả nước đã có khoảng 30% bệnh viện triển khai thanh toán điện tử không tiền mặt.
Vướng mắc chính nằm ở phí sử dụng thẻ
Ths.Ds Lê Lâm - Phó Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt trong các cơ sở y tế là chủ trương rất đúng đắn, tạo thuận lợi cho người bệnh trong thanh quyết toán không dùng đến tiền mặt.
Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt có áp dụng được ở Việt Nam không? Tôi khẳng định đây là hoàn toàn triển khai đồng bộ được nhưng cần có phương án hỗ trợ. Cụ thể: phí chi trả cho việc thanh toán trên thẻ, dao động hiện nay từ 1,5-2,8% trên tổng số tiền thanh toán. Ví dụ, thanh toán 1 ngày 1 tỷ đồng thì bệnh viện sẽ phải chi phí 15-28 triệu đồng.
Chi phí hiện nay cho việc thanh toán điện tử là một vấn đề cần phải có phương hướng giải quyết sớm để triển khai đồng bộ, vì trong giá dịch vụ y tế không có mục chi cho việc sử dụng thẻ.
Hiện tại, chúng tôi đang áp dụng việc thanh toán điện tử đối với bệnh nhân khám dịch vụ, trong thời gian tới, chúng tôi cũng hướng tới việc sẽ áp dụng với bệnh nhân bảo hiểm y tế theo lộ trình. Vì vậy, theo tôi, khó khăn nhất hiện nay là chi phí cho việc dùng thẻ, còn các khó khăn khác về kỹ thuật hoàn toàn có thể khắc phục được.
Để triển khai được hiệu quả việc không sử dụng tiền mặt trong thanh toán các dịch vụ y tế thì việc tuyên truyền, vận động người dân sử dụng thẻ thay cho tiền mặt là không thể thiếu.
Cần sự phối hợp đồng bộ giữa các bên
Bà Dương Thanh Mai - Trưởng phòng Tài chính kế toán - Bệnh viện Nội tiết Trung ương
Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã chủ động triển khai thanh toán không dùng tiền mặt cho đối tượng các bệnh nhân, tuy nhiên đặc thù bệnh nhân của bệnh viện đa số là người lớn tuổi, người tiếp xúc ít với công nghệ thanh toán.
Hiện nay, bệnh viện đã triển khai dịch vụ thanh toán tích hợp giữa thẻ thanh toán viện phí với mã bệnh nhân tại bệnh viện. Trong trường hợp bệnh nhân sử dụng mã này trong thanh toán tại bệnh viện, sẽ tiết kiệm được thời gian chờ tại các khâu thanh toán, bệnh nhân đi khám nhanh hơn. Ngoài ra, bệnh viện cũng sẽ tiết kiệm được chi phí kiểm đếm, lưu chuyển tiền mặt.
Tuy nhiên, để triển khai đồng bộ việc triển khai thanh toán điện tử không tiền mặt, cần có sự vào cuộc của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Thứ nhất, công tác tuyên truyền cần triển khai sâu rộng để người dân hiểu được ý nghĩa của việc thanh toán qua thẻ. Thứ hai, bệnh nhân chủ động phối hợp với bệnh viện trong việc hạn chế dùng tiền mặt.
Bên cạnh đó, các ngành nên phối hợp đồng bộ sử dụng một mã quản lý bệnh nhân xuyên suốt trong tất cả các bệnh viện để khi mà bệnh nhân đến một bệnh viện, bệnh nhân có thể sử dụng một mã thẻ đó mà không phải sử dụng nhiều thẻ dẫn đến bất cập trong sử dụng thẻ đối với từng bệnh viện.
Người bệnh, bệnh viện và xã hội đều hưởng lợi
Ths. Lê Văn Quân - Phó Giám đốc Bệnh viện K
Bệnh viện K là bệnh viện hạng 1 chuyên khoa về ung thư. Mỗi ngày bệnh viện khám bình quân 2.000 lượt bệnh nhân. Số bệnh nhân nội trú khoảng trên 10.000 người. Vì vậy mà việc tiếp đón, thu viện phí của người bệnh rất lớn.
Hiện nay, chúng tôi đã cải cách hành chính nhằm tạo thuận lợi cho người bệnh để giảm tải, giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh; tuy nhiên, với số lượng bệnh nhân lớn như vậy, người bệnh vẫn phải chờ đợi. Trong giải pháp tiếp theo cũng như thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng tại Quyết định 241 ngày 23/2/2018 cũng như Nghị quyết số 01 ngày 1/1/2019 về tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không sử dụng tiền mặt, bệnh viện rất nỗ lực để nghiên cứu, triển khai.
Tuy nhiên, do bệnh viện có 3 cơ sở khác nhau nên để triển khai tốt phải tích hợp với phần mềm quản lý của bệnh viện. Hiện nay chúng tôi cũng đang từng bước thí điểm không sử dụng tiền mặt, phương thức chi trả qua quẹt thẻ, qua QR... tại cơ sở 9A-9B Phan Chu Trinh. Qua đó, nếu thành công tốt, chúng tôi sẽ mở rộng sang cơ sở 2 và cơ sở 3.
Để triển khai thanh toán điện tử không tiền mặt, tôi thấy một vấn đề là phần mềm của bệnh viện phải rất toàn diện, phù hợp để đáp ứng điều này. Khi triển khai thanh toán điện tử không tiền mặt, chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả bệnh viện, người bệnh và xã hội.
Đối với bệnh viện, sẽ tiết kiệm được nhân lực, thời gian, chi phí. Người bệnh rút ngắn được thời gian xếp hàng, ở các vị trí khác nhau cũng có thể thanh toán viện phí, thậm chí có thể trả tiền từ nhà. Và đặc biệt, đối với xã hội, sẽ hạn chế nhiều tiêu cực...
Tăng kết nối thanh toán giữa ngân hàng và bệnh viện
Ông Đào Minh Tuấn - Phó giám đốc Vietcombank
Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam là một trong những ngân hàng tiên phong cung cấp những giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt trên tất cả các lĩnh vực dịch vụ công nhằm hướng đến một xã hội hiện đại.
Riêng đối với lĩnh vực y tế, từ thực tế làm việc với các bệnh viện thời gian qua chúng tôi đã xây dựng các phương thức thanh toán phi tiền mặt đa dạng nhằm đáp ứng và phù hợp với các đối tượng bệnh nhân khác nhau và cũng để áp dụng từng bước theo mức độ sẵn sàng hệ thống của các bệnh viện...
Thực tế cho thấy, hiện nay trong số các bệnh viện đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt thì hầu hết mới chỉ triển khai thử nghiệm tại một số khoa nhất định nên chỉ phục vụ được một số lượng nhỏ khách hàng đến khám chữa bệnh. Đa số người dân Việt Nam vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt để thanh toán, do đó cần có thời gian từng bước thay đổi nhận thức, thói quen này của người dân.
Để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong quá trình thực hiện đồng thời đẩy nhanh triển khai các giải pháp nhằm hướng đến toàn bộ chi phí khám chữa bệnh được thanh toán không tiền mặt, chúng tôi kiến nghị Bộ Y tế chỉ đạo mạnh mẽ hơn nữa trong việc yêu cầu các bệnh viện tích cực hợp tác với các ngân hàng để triển khai thanh toán viện phí qua ngân hàng.
Có kế hoạch chuẩn hóa các dữ liệu bệnh nhân, có kết nối chia sẻ thông tin giữa các bệnh viện để có thể theo dõi được lịch sử khám bệnh của người dân. Từng bước áp dụng bệnh án điện tử liên kết với thẻ bảo hiểm y tế để hướng đến việc định danh bệnh nhân thống nhất giữa các bệnh viện. Có kế hoạch đầu tư hoặc nâng cấp các phầm mềm quản lý thông tin bệnh viện.
Đặc biệt là ban hành quy định chuẩn thông tin thanh toán y tế, chuẩn kết nối ngân hàng thanh toán với hệ thống quản lý thông tin bệnh viện. Có cơ chế khuyến khích các bệnh viện triển khai thành công và áp dụng các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt.
Đối với các bệnh viện, chúng tôi kiến nghị cần hợp tác với ngân hàng, các trung gian thanh toán xây dựng kế hoạch triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp với đối tượng bệnh nhân của bệnh viện và phù hợp với hạ tầng kỹ thuật của bệnh viện theo từng giai đoạn.
Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế, bác sỹ, nhân viên thu ngân để khuyến khích tất cả các cán bộ, nhân viên của bệnh viện hiểu và tư vấn cho bệnh nhân, khách hàng sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.