December 01, 2020 | 08:57 GMT+7

Hút vốn đầu tư trong khởi nghiệp sáng tạo: 3 vấn đề phải trả lời

Anh Nhi

Phỏng vấn bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam

Bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam
Bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam

Thiếu tầm nhìn và những khả năng cốt lõi đang khiến các start-up Việt không thành công trong các vòng gọi vốn từ bên ngoài cho dù Việt Nam được xem là điểm hút vốn đầu tư trong lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo của thế giới.

Khởi nghiệp sáng tạo vốn là lĩnh vực có tỷ lệ doanh nghiệp rời bỏ thị trường cao hơn so với các lĩnh vực khác. Tuy vậy, vẫn có những start-up sống tốt ngay cả khi dịch bệnh Covid-19 gây ra những tác động tiêu cực tới cả nền kinh tế. Bà nghĩ sao về những doanh nghiệp này?

Năm 2020 là một năm đầy thử thách với cộng đồng start-up thế giới nói chung và start-up Việt Nam nói riêng. Rất nhiều doanh nghiệp đã học được cách làm thế nào để tồn tại trong một môi trường kinh doanh khó đoán định khi dịch Covid-19 xảy ra. Những kinh nghiệm tích luỹ sẽ giúp cho các start-up phát triển nhờ những bước đi bài bản và vững chắc. 

Các start-up sống tốt hiện nay không đơn thuần chỉ dựa vào các ý tưởng hay để vượt qua Covid-19 mà các doanh nghiệp này còn phải dựa vào rất nhiều yếu tố khác liên quan tới khả năng quản trị, vận hành doanh nghiệp, sự am hiểu về hành vi của người tiêu dùng, dự báo thị trường và những thay đổi trong môi trường kinh doanh, khả năng thu hút nhân tài hay tiếp cận nhà đầu tư... Trong khi đó, các start-up của Việt Nam mới chỉ có những lợi thế ở khâu hình thành và xây dựng ý tưởng.

Cùng với việc nâng cao năng lực cho các start-up, nhiều ý kiến cho rằng, để khởi nghiệp sáng tạo phát triển cần một môi trường đầu tư phù hợp, theo kịp với thực tiễn cuộc sống. Bà nhận thấy môi trường đầu tư trong lĩnh vực này ở Việt Nam hiện nay ra sao?

Khoảng 3-5 năm trở lại đây, môi trường đầu tư trong lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã có sự thay đổi rõ rệt. Nếu so sánh Việt Nam với các nước trong khu vực và thế giới, môi trường đầu tư của Việt Nam đã thăng hạng rõ rệt về sự hấp dẫn với rất nhiều cơ chế chính sách thông thoáng. Đặc biệt là những nỗ lực của Chính phủ thời gian gần đây trong việc thực hiện những chương trình đầu tư đầy tâm huyết cho khởi nghiệp sáng tạo. Việc hình thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) là một minh chứng rõ nét. Vì vậy, cơ hội đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam là rất lớn.

Khởi nghiệp sáng tạo là lĩnh vực luôn luôn có sự vận động, thay đổi theo thực tiễn cuộc sống. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp start-up vẫn luôn mong muốn môi trường đầu tư của Việt Nam sẽ tiếp tục được cải thiện để tạo điều kiện thuận lợi cho cả nhà đầu tư và doanh nghiệp. 

Nhiều ý tưởng kinh doanh của các start-up vượt ra ngoài khung chính sách của pháp luật, thậm chí nhiều ý tưởng đang đi trước so với cơ chế quản lý ngành. Các giải pháp công nghệ rất mới không được xếp vào ngành nghề truyền thống đang được quản lý bởi chính sách hiện đại. Do đó, trong nhiều trường hợp đã dẫn tới tình trạng loay hoay từ cả phía doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý. 

Bà có những đề xuất cụ thể nào để cải thiện môi trường đầu tư trong thời gian tới?

Theo tôi, vấn đề quan trọng nhất khi nhìn nhận một ý tưởng sáng tạo mới là không nên tập trung vào việc xếp loại, xếp hạng ý tưởng này sẽ thuộc ngành nghề nào, do cơ quan nào quản lý. Chúng ta nên nhìn vào bản chất của ý tưởng. Đó là ý tưởng sẽ dùng giải pháp công nghệ nào để giải quyết vấn đề gì của cuộc sống. Nếu công nghệ phù hợp, giải pháp phù hợp với người dùng và xã hội thì cơ quan quản lý nên đối xử với họ một cách công bằng và bình đẳng như những loại hình kinh doanh khác. Chúng ta phải đưa lên bàn cân giữa mô hình kinh doanh kiểu cũ và kiểu mới, từ đó tìm cách để hài hòa giữa hai loại hình kinh doanh này. 

Đáng tiếc, hiện nay chúng ta mới chỉ tập trung vào việc xếp hạng, xếp loại ngành nghề. Trong khi, những quy định ngành nghề liên quan tới những ý tưởng này nhiều khi chưa có hoặc chưa đủ trong khung khổ hệ thống pháp luật.

Nếu môi trường đầu tư được cải thiện, theo bà, các start-up của Việt Nam sẽ dễ dàng hơn trong việc gọi vốn thời gian tới để vươn lên trở thành các kỳ lân trong lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo? 

Thế mạnh của các start-up Việt Nam là khả năng sáng tạo nhanh, dũng cảm đi vào những lĩnh vực mà các "ông lớn" công nghệ như Google, Facebook... đang làm rất tốt hiện nay như trí tuệ nhân tạo AI, live streaming... Bằng cách đi vào các thị trường ngách, các start-up Việt Nam đã tìm được con đường phát triển của riêng mình.

Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có số lượng start-up nhiều trên thế giới nếu tính theo số lượng start-up/bình quân đầu người. Tuy nhiên, số lượng start-up được định giá trên 200 triệu USD trở lên hay các unicon (kỳ lân) lại rất ít. Tại sao lại có sự đứt gãy từ giai đoạn số lượng chuyển lên chất lượng? Tại sao rất nhiều ý tưởng tốt lại không thể phát triển để tạo ra những kỳ lân trong tương lai? Những câu hỏi này cần được giải đáp thấu đáo để có những giải pháp căn cơ, phù hợp với thực tiễn phát triển của thị trường Việt Nam.

Lâu nay, gọi vốn vẫn là thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng vấn đề không phải là thiếu vốn hay thiếu sự quan tâm của nhà đầu tư dành cho các start-up Việt Nam. Việt Nam đang là điểm đến đầu tư hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của giới đầu tư quốc tế. Năm 2019, lần đầu tiên trong lịch sử, tổng giá trị đầu tư vào các start-up của Việt Nam vượt qua Singapore. 

Vậy vấn đề nằm ở đâu? Đó chính là các doanh nghiệp vẫn thiếu tầm nhìn và những khả năng cốt lõi như tôi nói ở trên. Cộng đồng start-up Việt Nam rất mạnh ở giai đoạn đầu tiên hình thành ý tưởng, xây dựng ý tưởng. Nhưng đến giai đoạn triển khai, hoàn thiện ý tưởng lại thiếu hẳn khả năng lãnh đạo, khả năng quản trị, thu hút nhân tài... Do đó, việc cần làm lúc này là bồi dưỡng, nâng cao những kỹ năng này cho các start-up, nếu không Việt Nam vẫn mãi dừng lại là quốc gia hùng mạnh về số lượng mà không có được doanh nghiệp kỳ lân như kỳ vọng. 

Cũng bởi vậy, đầu tư vào start-up hiện nay tại Việt Nam thường có chu kỳ ngắn, các quỹ đầu tư "thoát" khá sớm. Thậm chí, nhiều start-up của Việt Nam có xu hướng lập doanh nghiệp để rồi bán lại thay vì hoạt động với tầm nhìn 10-20 năm, trở thành người dẫn dắt, thay đổi bộ mặt của nền kinh tế. 

Mới đây, Grab đã chọn được 13 start-up vào chung kết Grab Ventures Ignite để nhận được những khoản tiền lên tới 1 triệu USD. Những start-up được chọn thỏa mãn những yếu tố nào mà Grab đặt ra, thưa bà?

Thứ nhất, đó là mô hình kinh doanh của những start-up này phải trả lời được 2 câu hỏi quan trọng. Đó là dùng công nghệ nào và giải quyết vấn đề gì trong cuộc sống. Chúng tôi phải đặt lên bàn cân, xem xét rất nhiều lần để xem họ thực sự có giải quyết vấn đề tốt hay không, hàm lượng công nghệ có thực sự bền vững hay không. 

Thứ hai, đó là khi nào doanh nghiệp có lợi nhuận và làm cách nào để doanh nghiệp có lợi nhuận, duy trì sự phát triển của họ vào tương lai. Một yêu cầu bắt buộc đặt ra là dù các star-up vẫn ở giai đoạn hạt giống, nhưng các bạn phải có kế hoạch, đưa ra phương án giải quyết trong dài hạn. Các start-up được chọn đã có câu trả lời về mô hình kinh doanh bền vững ngay từ ban đầu, trái ngược với rất nhiều các start-up khác hiện nay ở Việt Nam.

Thứ ba, đó là năng lực của các nhà sáng lập như năng lực quản lý, thu hút nhân tài, gọi vốn đầu tư, tầm nhìn về cơ chế, chính sách... Các nhà sáng lập phải có năng lực nhìn về phía trước từ 1-3 năm.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate