April 14, 2018 | 09:07 GMT+7

Hút vốn ngoại vào tăng trưởng xanh

Anh Nhi

Việt Nam cần khoảng 30 tỷ USD để thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2030

Luỹ kế đến tháng 3/2018, tổng vốn FDI vào Việt Nam là khoảng 319 tỷ USD trong đó tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ chế biến chế tạo với 185,9 tỷ USD, chiếm khoảng 58% tổng vốn FDI.
Luỹ kế đến tháng 3/2018, tổng vốn FDI vào Việt Nam là khoảng 319 tỷ USD trong đó tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ chế biến chế tạo với 185,9 tỷ USD, chiếm khoảng 58% tổng vốn FDI.

Huy động nguồn vốn từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp tư nhân cho phát triển nhanh và bền vững chính là chìa khoá để Việt Nam mở cánh cửa xanh.

Dù ấn tượng với những thành quả kinh tế mà Việt Nam đạt được trong thời gian gần đây, song theo bà Doris Leuthard, Ủy viên Hội đồng LB Thụy Sỹ, Việt Nam đã phải đánh đổi để có được tốc độ tăng trưởng này khi phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong việc quản lý kinh tế và môi trường. 

"Vì vậy, tăng trưởng xanh cần là một chủ đề được đặc biệt ưu tiên đối với Việt Nam", bà Doris nhấn mạnh.

Ưu tiên đặc biệt tăng trưởng xanh

Trên thực tế, tăng trưởng xanh cũng là nhu cầu của Việt Nam khi những sự cố môi trường do các doanh nghiệp gây ra cũng như thực trạng ô nhiễm ở nhiều tỉnh, thành phố liên tục được nhắc tới.

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam cần khoảng 30 tỷ USD để thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2030, nhưng Chính phủ mới chỉ đáp ứng được 1/3 con số này. 

Vì vậy, nhu cầu hút vốn từ khu vực tư nhân vào tăng trưởng xanh, thúc đẩy phát triển là bền vững là rất lớn. 

Trên thực tế, khu vực tư nhân của Việt Nam vẫn còn hạn chế về nguồn lực tài chính, công nghệ... nên việc thúc đẩy thu hút khu vực có vốn FDI vào những lĩnh vực này càng trở nên cấp thiết. 

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, luỹ kế đến tháng 3/2018, tổng vốn FDI vào Việt Nam là khoảng 319 tỷ USD trong đó tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ chế biến chế tạo với 185,9 tỷ USD, chiếm khoảng 58% tổng vốn FDI. 

Hoạt động kinh doanh bất động sản 53,7 tỷ USD, chiếm 16,78%. Sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hoà 21,06 tỷ USD, chiếm 6,58%... 

Tuy nhiên, những dự án của khu vực FDI vào Việt Nam vẫn chưa được như kỳ vọng khi công nghệ vẫn còn lạc hậu, thâm dụng nhiều lao động. Đặc biệt là có những dự án gây tổn hại nghiêm trọng tới môi trường.

Vì thế, với xu hướng phát triển bền vững cùng với bài học từ sự cố môi trường diễn ra trong thời gian gần đây, thu hút đầu tư nói chung và FDI nói riêng phải phục vụ tái cấu trúc kinh tế theo mô hình tăng trưởng mới, hướng tới nền kinh tế xanh, tăng trưởng bền vững trong tương lai.

Tìm điểm cân bằng với nhà đầu tư

Để thu hút vốn vào tăng trưởng xanh, trước hết phải bắt đầu từ việc lựa chọn dự án, không nên thu hút thêm FDI vào một số ngành công nghiệp "cổ điển" như gang thép, xi măng... 

Thay vào đó, cần đẩy mạnh thu hút FDI vào những ngành sử dụng công nghệ cao, nghiên cứu và chế tạo vật liệu mới như composite, nano. Các dự án phải áp dụng được công nghệ thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng gió, mặt trời...

Tiếp đến là nâng cao chất lượng thẩm định dự án xin đầu tư, tránh tình trạng dự án hiệu quả thấp, tạo ít việc làm, lại gây ô nhiễm môi trường... bị địa phương này từ chối nhưng vẫn được nơi khác mời gọi. 

Điều quan trọng hơn cả là xây dựng tư duy không đánh đổi môi trường để tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. 

Để hút vốn đầu tư theo định hướng đó, Việt Nam cần có chính sách phù hợp để hướng dòng vốn FDI vào những lĩnh vực mà chúng ta có nhu cầu. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa mặn mà khi đầu tư vào lĩnh vực xanh tại Việt Nam. 

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong số 110 dự án FDI sản xuất điện, khí đốt, Việt Nam đã thu hút được 16 dự án FDI trong lĩnh vực năng lượng xanh với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 778 triệu USD, chiếm 14,5% về số dự án và 6% tổng số vốn đăng ký trong ngành điện và khí đốt.

Sự thiếu vắng của nhà đầu tư nước ngoài ở những dự án tăng trưởng xanh, nhất là những dự án năng lượng tái tạo cho dù Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, như ưu đãi về tín dụng đầu tư, thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho các dự án năng lượng tái tạo... là do vẫn còn những bất cập trong chính sách. 

Theo chia sẻ của một nhà đầu tư nước ngoài, mặc dù Việt Nam có chính sách khuyến khích đầu tư thông qua ưu đãi giá mua bán điện theo biến động của tỷ giá đồng/USD cho các dự án nối lưới nhưng để được hưởng mức ưu đãi trên, các dự án phải hoành thành việc xây dựng và nối lưới trước tháng 6/2019. 

"Như vậy, sau thời điểm trên, liệu các dự án sẽ không còn được hưởng hỗ trợ và phải chờ đợi chính sách mới của Chính phủ", nhà đầu tư chia sẻ.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian tới, cần tiếp tục ban hành hệ thống văn bản pháp quy tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư thông qua cơ chế 1 cửa đảm bảo các thủ tục liên ngành tương đối đồng bộ, thuận lợi cũng như là tiêu chuẩn dự án tăng trưởng xanh để có cơ sở cho việc vấp vốn cho dự án đầu tư.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate