SSI Research vừa có báo cáo cập nhật dòng vốn ETF trong đó nhấn mạnh, dòng vốn này chỉ duy trì được nhịp độ tích cực trong tuần đầu của tháng 11, sau đó lực bán gia tăng ở một số nhóm quỹ khiến các quỹ ETF bị rút ròng nhẹ 95 tỷ đồng trong cả tháng 11.
Tính từ đầu năm, tổng giá trị vào ròng của các quỹ ETF đạt 416 tỷ đồng. Đa số quỹ ETF lớn ghi nhận dòng vốn vào ròng trong tháng, trong đó có thể kể đến quỹ DCVFM VN30 (+351 tỷ đồng) và DCVFM VNDiamond (+99 tỷ) đảo chiều sau khi bị rút vốn trong liên tục nhiều tháng trước.
Bên cạnh đó, nhiều quỹ duy trì quán tính dòng tiền tích cực từ tháng 10 như quỹ Fubon (+300 tỷ), iShares Frontier (+192 tỷ), Xtrackers FTSE Vietnam (+60 tỷ), MAFM VNDiamond (+44 tỷ), DCVFM VNMidcap (+15 tỷ), tuy nhiên giá trị dòng vốn còn khiêm tốn.
Ở chiều ngược lại, quỹ SSIAM VNFIN Lead bị rút vốn mạnh (-828 tỷ đồng), bên cạnh quỹ VanEck (-130 tỷ đồng) và KIM Growth VN30 (-59 tỷ đồng), khiến tổng dòng vốn chậm lại đáng kể.
Về hiệu suất đầu tư, mặc dù Fubon là ETF huy động được nguồn vốn lớn nhất, tổng tài sản của quỹ hiện rơi vài khoảng 794,8 triệu USD tương đương 19.300 tỷ đồng nhưng hiệu suất từ đầu năm đến nay 3,4%. Trong khi đó SSIAM VNFIN LEAD tổng giá trị quỹ 114,2 triệu USD đang có hiệu suất cao nhất 21%. Tiếp theo là VanEck Vectors Vietnam quy mô 543 triệu USD hiệu suất 10,6%; FTSE Vietnam quy mô 339 triệu USD hiệu suất 10,4%.
SSI Research duy trì quan điểm tích cực đối với dòng vốn ETF trong trung hạn. Yếu tố mùa vụ thường tích cực vào Quý 4 và có thể hỗ trợ dòng tiền ETF, một số điểm đáng lưu ý đối với dòng vốn ETF: Quỹ Fubon đã tiến gần tới hạn mức chứng chỉ quỹ cho phép; Sức hấp dẫn của cổ phiếu Việt Nam với các nhà đầu tư Thái Lan có thể bị ảnh hưởng về đạo luật mới về thuế, và sự cạnh tranh từ các quốc gia khác như Indonesia, Phillipines. Danh mục các Quỹ ETF không quá đa dạng các chủ đề đầu tư.
Dòng vốn từ các quỹ chủ động đầu tư vào Việt Nam tiếp tục thu hẹp cường độ rút ròng, khi chỉ rút 50 tỷ đồng trong tháng 11. Tính chung 11 tháng đầu năm, dòng tiền từ các quỹ chủ động vào ròng khoảng 3,1 nghìn tỷ đồng – tập trung trong Quý 1/2023.
Trong bối cảnh dòng tiền chủ động tiếp tục thu hẹp tốc độ rút ròng trong tháng 11 thì một số quỹ từ Châu Á đã có ghi nhận vào ròng nhẹ. Ngược lại, khối ngoại bán ròng khá mạnh trên sàn trong tháng 11, lên tới 3,5 nghìn tỷ đồng và bán ròng gần 13 nghìn tỷ đồng kể từ đầu năm tới nay.
Khối ngoại bán ròng từ đầu năm đến nay tập trung ở một số mã cổ phiếu nhất định. Các nhóm Ngân hàng, Thực phẩm đồ uống và Bán lẻ chiếm tỷ trọng chi phối trên giá trị bán ròng hơn 12,5 nghìn tỷ đồng của thị trường. Động thái bán ròng tập trung cục bộ ở 3 mã EIB (-5 nghìn tỷ đồng), VPB (-3 nghìn tỷ đồng) và MWG (-3,2 nghìn tỷ đồng).
Trong khi đó dòng vốn vào các Quỹ chủ động gần như chỉ rút ròng nhẹ trong 4 tháng qua, và giúp cho tổng tài sản của các Quỹ chủ động vẫn ghi nhận mức tăng 12% so với cuối năm 2022.
Về trung hạn, dòng tiền đầu tư vào thị trường Việt Nam có thể được hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch sang thị trường đang phát triển trong bối cảnh xu hướng cắt giảm lãi suất rõ ràng và mạnh mẽ.
Tính trên toàn cầu, quỹ cổ phiếu toàn cầu ghi nhận tích cực khi vào ròng hơn 40 tỷ USD trong tháng 11. Tuy nhiên, lượng giải ngân không đồng đều và chủ yếu tập trung vào thị trường Mỹ. Sự giảm nhiệt của lợi suất TPCP Mỹ và kỳ vọng vào việc đảo chiều chính sách tiền tệ ở Mỹ đã giúp cho dòng tiền nhanh chóng quay trở lại thị trường cổ phiếu.
Nhìn chung, thị trường vẫn ở trạng thái thận trọng khi mức độ giải ngân vào cổ phiếu chỉ tập trung ở một số cổ phiếu công nghệ ở Mỹ và các cổ phiếu phòng thủ. Tính chung 11 tháng, dòng tiền vào các quỹ cổ phiếu vào ròng 117,7 tỷ USD.