Năm 2021, Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 11.000 tỷ đồng vốn đầu tư công. Trong đó, vốn kéo dài từ năm 2020 là hơn 1.800 tỷ đồng; vốn kế hoạch năm 2021 là hơn 9.800 tỷ đồng (vốn trong nước là 6.557 tỷ đồng và vốn nước ngoài là 3.289 tỷ đồng).
Theo thông tin tại cuộc họp về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây, tính đến ngày 23/8, Bộ này đã giải ngân được 4.730 tỷ đồng, đạt 43% so với kế hoạch cả năm 2021.
NHIỀU DỰ ÁN XIN LÙI THỜI HẠN HOÀN THÀNH
Ông Nguyễn Hải Thanh, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết đầu tư công của ngành nông nghiệp thời gian qua đã gián tiếp tạo động lực hạ tầng rất quan trọng cho xã hội cũng như ngành nông nghiệp, mặc dù không trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng cho ngành, nhưng đầu tư công
Đặc biệt là các công trình thủy lợi, hồ chứa, công trình ngăn mặn, điều tiết nước, trữ nước, chống sạt lở bờ sông bờ biển, công trình neo đậu tránh trú bão, đê điều... phục vụ có hiệu quả cho công tác phòng chống thiên tai, tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản mới...
Theo ông Thanh, năm 2021 có 49 dự án đang thực hiện trong lĩnh vực thuỷ lợi, đê kè, với tổng vốn 5.639 tỷ đồng. Trong đó hợp phần xây dựng 4.593 tỷ đồng, hợp phần đền bù giải phóng mặt bằng 1.045 tỷ đồng. Đây là nhóm dự án có tỷ lệ giải ngân cao nhất với 3 dự án đã hoàn thành, 41 dự án đã hoàn thành cơ bản.
5 dự án sẽ phải lùi thời hạn hoàn thành sau năm 2021 do vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng. Thủ tướng đã đồng ý cho phép lùi 4 dự án, gồm: dự án hồ chứa nước Bản Mồng (Nghệ An), dự án kênh Ngàn Trươi giai đoạn 2, dự án hồ chứa nước Sông Chò và dự án hồ chứa nước Krông Pách Thượng.
Đối với khối dự án nông, lâm, thuỷ sản, viện, trường, có tổng vốn 910 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đến ngày 23/8 mới đạt 22,3-23,9% (tuỳ từng đơn vị) kế hoạch cả năm. Do tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp nên 12/14 công trình trong khu dân cư buộc phải ngừng thi công.
Với các dự án có nguồn vốn ODA, một số đơn vị của Bộ đang gặp khó khăn trong giải ngân dự án, điển hình như dự án Quản lý nước Bến Tre (JICA3); dự án SAHEP (do Học viện Nông nghiệp Việt Nam làm chủ đầu tư) và một số dự án do Ban quản lý Trung ương các dự án Lâm nghiệp quản lý không thể hoàn thành giải ngân trong năm nay.
"Chúng ta sẽ gần như không thể giải ngân được 920 tỷ đồng nguồn vốn ODA trong tổng số 3.285 tỷ đồng trong năm nay”, ông Thanh nhận định.
Về tỷ lệ giải ngân đầu tư công của ngành thủy sản, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản thông tin, đến thời điểm này mới đạt 22,5% kế hoạch cả năm.
Nguyên nhân thực hiện và giải ngân chậm chủ yếu là do 3 dự án tồn đọng từ năm 2020, gồm: Mở rộng, nâng cấp cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng); cảng cá Gành Hào (Bạc Liêu) và cảng cá Tắc Cậu (Kiên Giang) chậm tiến độ.
Trong đó, dự án mở rộng, nâng cấp cảng cá Thọ Quang gặp vướng mắc về thủ tục đấu thầu. Đến khi đấu thầu xong và bắt đầu thi công thì đúng thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, 5 thành viên trong tổ thi công dương tính với virus SARS-CoV-2, buộc phải cách ly.
Dự án mở rộng, nâng cấp cảng cá Gành Hào vướng khó khăn do sự cố sạt lở và giải phóng mặt bằng, đến nay đã giải quyết xong thì dịch Covid-19 lại bùng phát tại Bạc Liêu, gây khó khăn trong việc vận chuyển vật liệu xây dựng từ Hậu Giang lên.
GIÁM SÁT CHẶT CÁC CÔNG TRÌNH CHẬM TIẾN ĐỘ
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, đối với những công trình hạng vừa, hạng trung rất khó kiểm soát. Hiện nay, bình quân mỗi công trình xấp xỉ 7 nhà thầu thì quá nhiều, vì chỉ một nhà thầu năng lực kém là tiến độ bị chậm lại.
Do đó, Thứ trưởng Hiệp yêu cầu Cục Quản lý Xây dựng công trình và Vụ Kế hoạch phải rà soát toàn diện tình hình giải ngân vốn của các dự án để cân đối thừa - thiếu. Chuyển nguồn vốn từ dự án giải ngân chậm sang các dự án có dư địa giải ngân lớn. Đồng thời, cần lắp đặt camera để giám sát các công trình chậm tiến độ, hình ảnh ghi tại hiện trường sẽ được truyền về Bộ để theo dõi.
"Với các dự án ODA bị chậm, khi chúng ta trả vốn lại cho Chính phủ thì người dân sẽ phải trả lãi cho khoản vay từ nước ngoài đó. Về mặt điều hành vĩ mô, đây là vấn đề rất lớn, không phải tôi làm không được thì tôi trả lại tiền".
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Liên quan đến các dự án chậm tiến độ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhận xét, trong quá trình xây dựng các dự án, chúng ta khảo sát không kỹ và đưa ra các số liệu theo kiểu... áng chừng. Dẫn đến, khi triển khai thi công công trình, chúng ta đụng phải những trở ngại lớn như chuyển đổi mục đích sử dụng rừng nguyên sinh; giải phóng mặt bằng... Từ đó, phải tốn rất nhiều thời gian, công sức để tháo gỡ, dẫn đến chậm tiến độ.
“Bây giờ là thời đại công nghệ rồi, chúng ta cần phải thay đổi. Chỉ cần chiếc flycam bay một vòng, chủ đầu tư cùng với địa phương ngồi xem là thấy hết chỗ nào là nhà cửa, chỗ nào là rừng, chỗ nào là đường sá, chỗ nào là đất quân sự, bao nhiêu hộ/người dân bị ảnh hưởng... Như vậy, chúng ta sẽ có những hình dung ban đầu tương đối sát thực để chuẩn bị xây dựng dự án, tiên liệu những rủi ro sẽ gặp phải trong tương lai”, Bộ Trưởng Hoan nhấn mạnh.
Do đó, đối với những dự án giải ngân chậm tiến độ, Bộ trưởng đề nghị phải có tài liệu chứng minh về những nguyên nhân dẫn đến việc đó, gồm cả nguyên nhân chủ quan và khách quan chứ không thể nói chung chung được. Cần phải phân biệt rõ những đơn vị giải ngân tốt với đơn vị giải ngân không tốt, từ đó tạo động lực cho các đơn vị làm tốt phát huy năng lực và các đơn vị làm chưa tốt sẽ chỉnh đốn lại tổ chức, hoạt động để làm tốt hơn.
Bộ trưởng Hoan yêu cầu đến ngày 30/8, tất cả các đơn vị được phân bổ vốn đầu tư công phải gửi văn bản báo cáo giải trình về tình hình giải ngân vốn về Vụ Kế hoạch. Trong báo cáo phải nêu rõ tiến độ giải ngân vốn đến ngày 30/9 là bao nhiêu và đến 30/1/2022 (hạn chót hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công năm 2021) là bao nhiêu %.