Theo Financial Times, Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto đã áp đặt lệnh cấm iPhone từ tháng 10 năm trước, sau khi Apple không đáp ứng được yêu cầu ít nhất 40% linh kiện trong điện thoại di động và máy tính bảng của hãng phải có nguồn gốc từ Indonesia. Cùng với Apple, điện thoại Pixel của Google cũng bị cấm vì không tuân thủ tiêu chí này.
Trước tình thế này, Apple đã đề xuất xây dựng một nhà máy trị giá 1 tỷ USD để sản xuất thiết bị theo dõi AirTag với sự hợp tác của đối tác Indonesia. Tuy nhiên, các quan chức Chính phủ Indonesia mới đây phản hồi rằng nhà máy này không đáp ứng được yêu cầu nội địa hóa linh kiện iPhone như đề nghị của Chính phủ Indonesia.
“Bộ Công nghiệp không có cơ sở để cấp chứng nhận thương mại cho các sản phẩm của Apple, đặc biệt là iPhone 16”, Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia Agus Gumiwang Kartasasmita phát biểu, theo các báo cáo truyền thông địa phương. Ông cũng cho rằng đề xuất đầu tư của Apple là “chưa đủ.”
Apple hiện chưa đưa ra bình luận chính thức nào.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Đầu tư Indonesia, Rosan Roeslani cho biết Apple đã “cam kết triển khai giai đoạn đầu tiên” của nhà máy AirTag trị giá 1 tỷ USD, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào đầu năm 2026.
Ban đầu, Apple chỉ đề xuất đầu tư 10 triệu USD, sau đó nâng lên 100 triệu USD, nhưng các đề xuất này đều bị từ chối vì quá thấp so với doanh số của công ty tại Indonesia. Chính phủ đã nhiều lần kêu gọi Apple tăng cường đầu tư, nhất là khi hãng hiện có bốn trung tâm đào tạo tại Indonesia nhưng không có cơ sở sản xuất nào.
Yêu cầu nội địa hoá sản xuất iPhone của Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư thế giới, cho thấy thái độ cương quyết của họ trong tận dụng quy mô thị trường tiêu dùng rộng lớn để thu hút đầu tư nước ngoài. Theo Bộ Công nghiệp, hiện có 354 triệu thiết bị di động đang hoạt động tại Indonesia, con số vượt xa dân số 280 triệu người.
Indonesia từ lâu đã sử dụng nhiều quy tắc thương mại cứng rắn để thúc đẩy sản xuất trong nước, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và bảo vệ các ngành công nghiệp địa phương. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cho rằng các quy định này quá mang tính bảo hộ, gây khó khăn cho nhà đầu tư.
Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Indonesia cho rằng các công ty nước ngoài gặp nhiều trở ngại trong việc đáp ứng yêu cầu nội địa hóa, đặc biệt là trong ngành điện tử, nơi phần lớn linh kiện không được sản xuất trong nước.
Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng việc cấm các sản phẩm của Apple và Google có thể làm giảm sức hút đầu tư của Indonesia, trong khi các quốc gia lân cận như Việt Nam và Malaysia lại áp dụng chính sách cởi mở hơn.
Các giám đốc điều hành của Apple đang có mặt tại Jakarta để thảo luận với Chính phủ Indonesia để tiến trình hợp tác sắp tới.