September 16, 2022 | 20:43 GMT+7

iPhone 14 xách tay về Việt Nam có giá cao từ 10-20 triệu so với chính hãng

Hồng Vinh -

Thời gian đầu, iPhone 14 hàng xách tay giá dự kiến sẽ bị thổi lên 10-20 triệu đồng so với giá chính thức và thời gian Apple cho đặt cọc trước ở Việt Nam vào khoảng cuối tháng 9...

Trên tay bản iPhone 14 Pro Max được người dùng Việt quan tâm nhiều nhất.
Trên tay bản iPhone 14 Pro Max được người dùng Việt quan tâm nhiều nhất.

Ghi nhận tại hệ thống FPT Shop và F.Studio by FPT, có hơn 37.000 lượt đăng ký mua iPhone 14 mới. Trong đó, iPhone 14 Pro và Pro Max chiếm tỷ lệ cao nhất gần 70%, đặc biệt là phiên bản 14 Pro Max. Năm nay sản phẩm iPhone 14 sẽ được mở bán sớm hơn so với các dòng trước đó do Việt Nam được nhận định là thị trường quan trọng của Apple vì mức tăng trưởng ấn tượng và dài hạn. 

Hệ thống Thế Giới Di Động cũng ghi nhận số người đăng ký mua iPhone 14 mới gần 41 nghìn và xác lập kỷ lục chưa từng có trước đây.

Tại hệ thống cửa hàng CellPhoneS, lượng đăng ký thông tin hiện nay đã vượt mốc 20 nghìn người với tỉ lệ các phiên bản như sau iPhone 14 Pro Max (80%), 14 Pro (15%), 14 Plus (2%) và 14 thường (3%). Về tỉ lệ màu, iPhone 14/Plus có màu đen và starlight trắng được quan tâm nhiều nhất chiếm 60%; iPhone Pro/Pro Max màu tím, vàng chiếm chủ đạo 80% và màu tím chiếm hơn 50% số lượng khách hàng quan tâm. Theo dự đoán của CellphoneS, thời gian đầu người dùng sẽ quan tâm rất nhiều đến màu tím và những đợt mở bán sau có thể màu vàng sẽ chiếm ưu thế như mọi năm.

Đại diện CellPhoneS còn nhận định, Apple hạn chế cho xếp hàng tại một số nước vì lo ngại tập trung đông người và tình hình dịch bệnh, hạn chế tình trạng mua gom hàng hoá bán lại kiếm lời… Thời gian đầu, iPhone 14 hàng xách tay giá dự kiến sẽ bị thổi lên 10-20 triệu đồng so với giá chính thức và thời gian Apple cho đặt cọc trước ở Việt Nam vào khoảng cuối tháng 9.

Hệ thống Di động Việt thống kê gần 15 nghìn khách hàng đặt iPhone 14. Theo chia sẻ của CEO Di Động Việt Nguyễn Ngọc Đạt đang có mặt tại Singapore thì iPhone 14 tại Apple Store Singapore có giá 1.799 đô la SGD, cao hơn so với giá mua trong nước dự kiến là 30,9 triệu đồng (do chênh lệch về tỷ giá) và kèm nhiều khuyến mãi được trừ tiền trực tiếp. Được biết, thời gian giao hàng iPhone 14 mua tại Singapore sẽ từ 25/10-1/11. Di Động Việt sẽ triển khai nhận cọc khách hàng từ 25/10.

CƠ HỘI KINH DOANH IPHONE 14 XÁCH TAY GẶP KHÓ KHĂN

Ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện truyền thông của CellPhoneS cho biết, sau 2 năm dịch bệnh, các đường bay quốc tế đang dần khôi phục khiến nhiều người tin rằng iPhone xách tay sẽ có sự hội sinh nhưng năm nay với nhiều thay đổi về chính sách bán hàng, sản phẩm thì hàng xách tay ngày càng khó có cơ hội kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Theo ông Huy, do iPhone 14 bán tại Mỹ có khác biệt hơn những nơi khác với việc không có khay SIM vật lý và người tiêu dùng sẽ bắt buộc phải dùng eSIM. Tuy việc dùng eSIM ở Việt Nam không còn xa lạ nhưng việc đổi máy mà phải đến nhà mạng để cấp lại eSIM. Chắc chắn, người dùng sẽ cảm thấy không thuận tiện, thiếu sự chủ động. Vậy nên, dù có giá rẻ nhưng iPhone xách tay Mỹ khó có thể được ưa chuộng.

Cùng với việc Apple set giá cho iPhone 14 ở các thị trường lân cận Việt Nam như Singapore, Hongkong, Thái Lan luôn ở mức cao so với hàng chính hãng VN/A. Do đó, thị trường hàng xách tay sẽ không còn sôi động như những năm về trước. Thay vào đó, người tiêu dùng trong nước sẽ chờ thêm chút thời gian để được mua sản phẩm chính hãng, thuận tiện về bảo hành cũng như thói quen sử dụng. Ngoài ra, năm nay, Apple đã có kế hoạch mở bán hàng chính hãng sớm hơn dự kiến tại Việt Nam, khoảng tuần đầu tiên tháng 10, không chênh lệch nhiều với xách tay.

Mặt khác, Apple liên tục có chính sách thắt chặt việc bảo hành iPhone xách tay tại Việt Nam như yêu cầu hoá đơn, nguồn gốc... sẽ khiến cho việc sử dụng xách tay ngày càng bất tiện. Cuối cùng, giá iPhone chính hãng cũng đã tiệm cận và có thời điểm còn rẻ hơn xách tay nhờ hàng loạt chính xách ưu đãi từ các đại lý.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate