Kể từ khi giảm sâu hồi tháng 3, thị trường chứng khoán toàn cầu đã tăng 11% và các chiến lược gia tại ngân hàng đầu tư JPMorgan nhận định xu hướng phục hồi này sẽ tiếp tục diễn ra tới hết năm nay.
Nhóm chiến lược gia JPMorgan dẫn đầu bởi ông Mislav Matejka tỏ ra lạc quan kể cả khi có nhiều dự báo rằng chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) nhiều khả năng sẽ giảm và giới nhà phân tích đã hạ dự báo về lợi nhuận trên một cổ phiếu (EPS) của các doanh nghiệp.
Nhóm chiến lược gia này cho rằng, trên thực tế tin tức tốt lại có tác động tiêu cực, bởi vì điều này sẽ dẫn tới sự xoay chiều chính sách.
“Định giá cổ phiếu trên thế giới đang rất hấp dẫn, nhất là ở các thị trường ngoài Mỹ. Tại các thị trường này, giá cổ phiếu đang giao dịch ở mức 12,6 lần so với lợi nhuận dự báo, thấp hơn 20% so với bình quân lịch sử”, các chiến lược gia của JPMorgan phân tích. “Tại Nhật Bản, khu vực đồng tiền chung Euro (Eurozone) và Vương quốc Anh, tỷ lệ cổ tức trừ đi lợi suất trái phiếu vẫn ở mức cao hơn bình quân”.
Nhóm này dự báo lợi suất trái phiếu có thể tiếp tục chững lại trong thời gian tới do kỳ vọng tiêu cực về dữ liệu kinh tế.
Các chiến lược gia của JPMorgan cũng chỉ ra 8 lý do khác để thị trường chứng khoán toàn cầu tiếp tục phục hồi trong năm nay.
1. Bối cảnh kỹ thuật cho cổ phiếu có vẻ thuận lợi
2. Tâm lý nhà đầu tư dự báo xu hướng giảm giá quá mức
3. Fed có khả năng đang đi đến mức đỉnh trong chiến lược thắt chặt chính sách tiền tệ
4. Đồng USD có thể đạt đỉnh
5. Bảng cân đối kết toán lành mạnh của các ngân hàng sẽ tiếp tục cho phép họ hỗ trợ chu kỳ kinh doanh hiện tại
6. Lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ chỉ giảm nhẹ
7. Người tiêu dùng được hỗ trợ bởi tiền tiết kiệm dư thừa và thị trường lao động mạnh
8. Thị trường Trung Quốc sẽ hành xử ngược lại với các thị trường phát triển trong nửa cuối năm.
Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ đã giảm 13%, trong khi đó cổ phiếu Quỹ Vanguard Total Stock Market ETF - ETF chứng khoán nước ngoài lớn nhất tại Mỹ - giảm 16% giá trị.