Chứng khoán KBSV vừa có báo cáo đánh giá triển vọng thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm 2023 trong đó nhấn mạnh sẽ có 5 yếu tố chính định hình xu hướng Việt Nam.
Thứ nhất, xu hướng giảm của mặt bằng lãi suất. KBSV dự báo lãi suất huy động sẽ tiếp tục xu hướng giảm từ nay đến cuối năm, với mức lãi suất huy động bình quân 12 tháng của các ngân hàng thương mại về quanh mức 6,7% giảm 1,3% so với đầu năm, và giảm 0,25% so với thời điểm hiện tại.
Lãi suất cho vay, dù có độ trễ do chi phí huy động vốn của ngân hàng cần thời gian để hạ, rủi ro nợ xấu khi nền kinh tế suy yếu, nhu cầu tín dụng thấp, tuy nhiên cũng sẽ có xu hướng giảm là chủ đạo với mức giảm so với đầu năm 2023 ở mức 1% - 1,3%.
Thứ hai, tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết. KBSV hạ dự báo tăng trưởng EPS toàn thị trường từ 5% ở báo cáo chiến lược gần nhất xuống còn 0,5% so với cùng kỳ 2022, sau khi số liệu Qúy 1 công bố cho thấy sự suy yếu mạnh hơn ước tính trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Thêm vào đó, bối cảnh vĩ mô trong nước sẽ chỉ thực sự khởi sắc từ quý 4, trong khi quý 2 và quý 3 sẽ tiếp tục ảm đạm và đối diện với nhiều rủi ro khiến hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp tiếp tục kém khả quan.
Thứ ba, chính sách tiền tệ của FED. Trong bối cảnh áp lực lạm phát trong nước đã hạ nhiệt, việc Fed giữ nguyên quan điểm diều hâu ở thười điểm hiện đang là yếu tố rủi ro chính cản trở xu hướng giảm của mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế, qua đó tiềm ẩn các rủi ro đối với thị trường chứng khoán. Mặc dù vậy, ít có khả năng DXY sẽ tăng mạnh trở lại như đã được chứng kiến ở giai đoạn cuối 2022 do yếu tố này đã được phản ánh, trong khi các yếu tố rủi ro khác khiến DXY tăng giá cuối năm ngoái đã hạ nhiệt.
Thứ tư, rủi ro từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Nhìn chung, các vấn đề của thị trường TPDN đã không còn được coi là sự kiện “Thiên Nga Đen” trong năm nay do nhà đầu tư đã có sự chuẩn bị từ trước, các tác động về mặt tâm lý được giảm thiểu tối đa và sẽ không gây ra các cú shock như trong năm 2022.
Trên thực tế, một số sự kiện chậm trả lãi và gốc đã diễn ra từ cuối 2022 đến nay với quy mô không nhỏ nhưng tác động lên thị trường chung là không đáng kể. Dù vậy, các tác động về mặt dòng tiền, sự ổn định vĩ mô vẫn rất đáng chú ý nếu xảy ra sự đổ vỡ lớn và có ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống ngân hàng, tương tự như sự kiện Vạn Thịnh Phát - SCB.
Thứ năm, rủi ro suy thoái tại Mỹ Một trong số các rủi ro lớn nhất mà thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ phải tiếp tục đối mặt trong giai đoạn nửa cuối năm đó là việc mặt bằng lãi suất tại Mỹ duy trì ở mức cao đang làm gia tăng rủi ro suy thoái tại Mỹ nói riêng và thế giới nói chung.
Thống kê quá khứ cho thấy tại đầu mỗi giai đoạn suy thoái (lạm phát và lãi suất tăng mạnh, đường cong lợi suất đảo ngược, tỷ lệ thất nghiệp bắt đầu tăng mạnh), thị trường chứng khoán Mỹ thường tiếp tục trải qua một nhịp giảm điểm mạnh và chỉ bắt đầu tạo đáy sau khi lãi suất liên bang tạo đỉnh từ 5-12 tháng.
Theo đó, kinh tế của Việt Nam cũng như thị trường chứng khoán sẽ ít nhiều chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dòng vốn đầu tư sụt giảm, xuất khẩu suy yếu và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết kém khả quan.
Dựa vào phân tích và đánh giá 4 yếu tố định hình xu hướng thị trường chứng khoán Việt Nam ở trên, KBSV giữ nguyên dự báo chỉ số VN-Index thời điểm cuối năm 2023 lên 1.240 điểm như trong báo cáo chiến lược năm 2023.
Trong đó, giảm mạnh dự phóng tăng trưởng lợi nhuận bình quân các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HSX từ 5% xuống 0,5% (phản ánh sự suy giảm rõ nét hơn trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trước số liệu Q1 gây thất vọng, kết hợp với nền tảng vĩ mô yếu), tuy nhiên đồng thời tăng mạnh dự phóng vùng P/E hợp lí của chỉ số VN-Index từ 14.3 lần lên 15.5 lần (phản ánh kỳ vọng vào tác động mạnh hơn của yếu tố giảm lãi suất lên TTCK).
Một số yếu tố tiềm ẩn rủi ro tác động lên dự phóng bao gồm: áp lực tỷ giá quay trở lại khiến lãi suất tăng trở lại, suy thoái kinh tế toàn cầu, xuất hiện sự đổ vỡ lớn trên thị trường TPDN (tương tự Vạn Thịnh Phát – SCB).