Theo số liệu được Ngân hàng Nhà nước công bố, tính đến cuối tháng 8, dự nợ tín dụng đối với toàn bộ nền kinh tế đạt 11,7 triệu tỷ đồng, tăng trưởng ấn tượng 9,91% so với đầu năm.
Do nhiều ngân hàng đã sử dụng hết room tính dụng ngay trong 5 tháng đầu năm mà tín dụng tháng 7 và tháng 8 tăng trưởng rất thấp, lần lượt ở mức 0,07% và 0,5%. Đến đầu tháng 9, Ngân hàng Nhà nước mới có quyết định nới room tín dụng cho ngành ngân hàng.
Trong đó, đối với nhóm Ngân hàng Thương mại Cổ phần có vốn nhà nước thì Agribank và VCB lần lượt được nới 3,5% và 2,7% trong khi CTG và BID chỉ được thêm khoảng 0,7% do 2 ngân hàng này đã có mức room đầu năm cao hơn hẳn so với các năm trước.
Một số ngân hàng TMCP tư nhân có mức room mới tương đối cao như HDB (+3,4%), MBB (+3,2%), SHB (+3,2%), TCB, ACB, VIB cùng được 2,7%, TPB (+1,2%) và VPB (+0,7%)…
Theo ước tính của KBSV, trong trường hợp các ngân hàng sử dụng hết mức room mới thì tín dụng toàn ngành sẽ tăng khoảng 13,2% so với đầu năm. Do đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn có thể một đợt nới room nữa từ 0,5-1,2% để đạt mục tiêu cả năm 14%. Nhưng không quá kỳ vọng vào đợt nâng này do Ngân hàng Nhà nước vẫn rất kiên định với mục tiêu kiểm soát lạm phát và tỷ giá.
KBSV thay đổi quan điểm từ Tích cực sang Trung lập với ngành Ngân hàng trong 4Q2022 với bốn luận điểm chính.
Thứ nhất, đợt nới room của ngân hàng nhà nước vào đầu tháng 9 nên các ngân hàng có dư địa tăng trưởng tốt hơn trong quý 4, chưa kể đến khả năng ngân hàng nhà nước sẽ nới room đợt 2 vào tháng 11.
Thứ hai, áp lực tăng lãi suất sẽ quay trở lại vào cuối năm khi các ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn cho vay và Ngân hàng Nhà nước đã chính thức nâng trần lãi suất điều hành thêm 1% từ ngày 22/9. Dự báo lãi suất huy động cho các kỳ hạn ngắn sẽ nhạy cảm hơn và có thể tăng từ 0,5-1% ngay trong quý 4, các kỳ hạn dài sẽ ghi nhận mức tăng cao hơn là từ 1-1,5%.
Từ đó, dự báo lãi tiền gửi bình quân toàn ngành tăng mạnh 1,14 điểm % so với đầu năm, đạt 4,56%. Trong khi, mức độ tăng của lợi suất cho vay sẽ chậm lại vào các tháng cuối năm nhằm đẩy mạnh giải ngân room tín dụng mới, ngoài ra việc các ngân hàng chuyển dịch danh mục cho vay sang các ngành nghề ít rủi ro hơn cũng sẽ làm giảm lợi suất đầu ra bình quân. Biên lãi thuần (NIM) toàn ngành từ đó được dự báo sẽ đi ngang hoặc giảm trong năm nay.
Thứ ba, về chất lượng tài sản, đánh giá tỷ lệ nợ xấu sẽ giảm dần vào quý 4 do động lực tăng trưởng lợi nhuận tốt hơn từ room tín dụng mới khiến các ngân hàng mạnh tay trong việc trích lập dự phòng và đẩy mạnh xử lý nợ (thường vào quý 4) và cũng là để tạo dư địa tăng trưởng cho những năm tiếp theo với kỳ vọng kinh tế vĩ mô ổn định hơn.
Thứ tư, lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm liên tục tăng khoảng 1 điểm % trong quý 3 và đạt đỉnh 4,31% trong tháng 9, từ đó các ngân hàng sẽ phải đánh giá giảm giá trị danh mục chứng khoán đang nắm giữ. Nguồn thu từ mua bán chứng khoán sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tác động này.
Giá cổ phiếu ngành ngân hàng đã có sự hồi phục tốt trong tháng 7 và 8 với mức tăng từ 15-20% tùy từng ngân hàng để phản ánh kỳ vọng trong nửa cuối năm cùng mức room tín dụng mới.
Tuy nhiên, từ giữa tháng 8 đến đầu tháng 9 tốc độ tăng đã chậm lại và có dấu hiệu điều chỉnh dưới tác động của tình hình kinh tế vĩ mô kém khả quan, tốc độ giải ngân tín dụng bị ảnh hưởng bởi chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và những áp lực từ việc tăng lãi suất quay trở lại.
Định giá PB ngành Ngân hàng đang ở mức 1,66 lần, giao dịch ngay trên đường -1Std. Trong khí đó khả năng sinh lời toàn ngành 6 tháng đầu năm đạt 19% - trên mức trung bình 5 năm 17%. Nhóm Ngân hàng đang ở vùng giá hấp dẫn và phù hợp cho mục tiêu đầu tư dài hạn.