Như đã đưa tin, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã đề nghị truy tố 44 bị can trong vụ án “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước; Rửa tiền.
Trong đó, bị can Lê Quang Bình (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Trung Hậu 68) bị đề nghị truy tố về 3 tội danh là Đưa hối lộ; Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên và Rửa tiền.
THỦ ĐOẠN RỬA TIỀN TINH VI
Theo kết luận, từ tháng 12/2021 đến tháng 7/2023, Công ty Trung Hậu 68 khai thác và bán trái phép cho khách lẻ trái quy định với khối lượng là 3,7 triệu m3, gây thiệt hại cho ngân sách hơn 293 tỷ đồng.
Để che giấu doanh thu bán cát khai thác trái phép, ông Bình đã chỉ đạo người khác chuyển số tiền trên vào tài khoản ngân hàng của các cá nhân khác nhau. Số tiền trên được sử dụng vào trả nợ, chi phí điều hành, khai thác tại mỏ cát, chi tiêu cá nhân, còn lại hơn 47 tỷ đồng được dùng mua các bất động sản và ô tô.
Kết luận thể hiện, ông Bình đã chỉ đạo ông Hoàng Hải Thụy (Phó Tổng giám đốc Công ty Trung Hậu 68) nhận tiền thanh toán từ khách lẻ hoặc qua “cò cát” bằng tiền mặt. Việc nhận tiền không có biên nhận, không ghi chép lại, do nhiều người đưa nhiều lần, trong thời gian dài nên đến nay không xác định được ông Thụy đã nhận bao nhiêu tiền mặt.
Ông Bình cũng chỉ đạo ông Thụy mượn tài khoản ngân hàng của người khác để nhận tiền và chuyển lòng vòng, cuối cùng mới tới tay ông Bình hoặc được ông Bình chỉ đạo sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau.
Từ tháng 10/2022 đến ngày 29/7/2023, thông qua tài khoản của 3 người khác, ông Thụy nhận tiền thanh toán của khách lẻ tổng cộng hơn 170 tỷ đồng. Sau đó, ông Thụy chuyển khoản số tiền này cho các cá nhân là lãnh đạo, nhân viên Công ty Trung Hậu 68.
Khi tiền được chuyển về tài khoản của các cá nhân nêu trên, ông Bình chỉ đạo rút tiền mặt hoặc chuyển tiền đến các tài khoản khác để sử dụng vào nhiều việc khác nhau như trả nợ cá nhân, rút tiền mặt, chi phí điều hành, khai thác…
Theo cơ quan điều tra, ông Bình giao cho cháu trai và anh trai đứng tên ký hợp đồng đặt cọc mua 6 bất động sản, số tiền thanh toán hơn 37 tỷ đồng; chỉ đạo 2 cá nhân khác thanh toán mua 8 ô tô các loại, đều là xe sang như Lexus, Mercedes…
KÊ BIÊN, PHONG TỎA LOẠT BẤT ĐỘNG SẢN, XE SANG
Liên quan đến vụ án, cơ quan điều tra đã kê biên, phong tỏa, ngăn chặn giao dịch nhằm khắc phục hậu quả vụ án.
Công an kê biên 7 thửa đất của bị can Hoàng Hải Thụy (Phó Tổng giám đốc Công ty Trung Hậu 68). Những bất động sản này phần lớn ở TP Long Xuyên, chỉ có một bất động sản ở huyện Thoại Sơn (An Giang).
Bị can Phạm Quốc Văn (Giám đốc Công ty TNHH MTV Xây dựng thương mại Văn Anh) bị kiên biên 33 bất động sản. Những bất động sản này đều đứng tên vợ bị can nằm ở các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ.
Ngoài ra, cơ quan điều tra ngăn chặn giao dịch đối với một số bất động sản có liên quan mua bán với những cá nhân là nhân viên Công ty Trung Hậu 68, người nhà và bản thân bị can Lê Quang Bình nhưng chưa hoàn thành thủ tục pháp lý.
Trong số này có thửa đất ở quận 7 diện tích hơn 4.900m2, một thửa đất ở huyện Bình Chánh diện tích hơn 3.700m2.
Khi khám xét khẩn cấp tại mỏ cát của Công ty Trung Hậu 68, cơ quan điều tra đã tạm giữ 46 phương tiện thủy nội địa và sau đó có quyết định ngăn chặn giao dịch.
Đồng thời kê biên 15 ô tô của Công ty Trung Hậu 68, trong đó có một số xe do các cá nhân đứng tên chủ sở hữu hộ Lê Quang Bình như xe Mercedes Benz S450, Lexus ES 250, Lexus LX 570, G63.
Ngoài ra, Công ty Kiên Giang Sài Gòn do bị can Lê Quang Bình làm Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật cũng bị kê biên 8 xe ô tô.
Cơ quan điều tra cũng phong tỏa tài khoản của 6 bị can với tổng số tiền 4,4 tỷ đồng. Về khắc phục hậu quả vụ án, 22 bị can và một số người liên quan đã nộp tổng cộng hơn 47 tỷ đồng và 70.000 USD.