Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo mới nhất về đề xuất sửa đổi 5 luật thuế. Đáng lưu ý, trong Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính sửa đổi: "Bổ sung thu thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng nước ngọt có đường vào đối tượng chịu thuế trừ các sản phẩm sữa".
Theo tính toán, việc áp dụng mức thuế suất 10% từ năm 2019 với mặt hàng nước ngọt có đường trừ sữa sẽ tăng thu cho ngân sách Nhà nước khoảng 5.005 tỷ đồng.
Cho ý kiến về đề xuất của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung đề xuất bổ sung mặt hàng nước ngọt bao gồm loại có ga, không ga, tăng lực, thể thao, trà, cà phê vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt mục đích nhằm để hướng dẫn, định hướng tiêu dùng vì loại đồ uống có đường gây tăng cân, béo phì và nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Tuy nhiên, để có căn cứ thuyết phục đề nghị cần nghiên cứu và đưa ra đánh giá cụ thể về tác động tới sức khỏe của người tiêu dùng ở nước ta với sản lượng, mức tiêu thụ nước ngọt bình quân/người hiện nay.
Đồng thời, Bộ Tài chính cần có nghiên cứu đánh giá tác động của chính sách đối với ngành công nghiệp đồ uống, thu ngân sách nhà nước và các yếu tố khác như lao động, việc làm, cung ứng nguyên liệu nhất là nguyên liệu chè, cà phê, mía đường...
Trong khi đó, Bộ Công Thương cho rằng, với quan điểm "bổ sung nước ngọt vào danh sách hàng hoá chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là do chứa đường, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người", thì không chỉ nước ngọt mà nhiều sản phẩm chứa đường cũng cần phải quản lý.
Khi liệt kê nước ngọt tại dự thảo Luật, Bộ Tài chính đã liệt kê các sản phẩm được coi là nước ngọt mà không thống nhất với lý do Bộ Tài chính đưa ra. Cụ thể, coi trà, cà phê (loại không đường) là nước ngọt và loại trừ nước trái cây, nước rau quả chưa đường, sữa ra khỏi nước ngọt.
Do vây, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính giải trình rõ hơn sự cần thiết đưa nước ngọt vào hàng hoá tính thuế Tiêu thụ đặc biệt cũng như lý do cần thiết hạn chế mặc hàng này.
Cũng góp ý vào đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng: "Chưa có nghiên cứu nào đề cập đến sự lạm dụng trà, cà phê uống liền dẫn đến thừa cân, béo phí đưa đến tăng rủi ro bị các bệnh về tim mạch và tiểu đường ở Việt Nam, nhất là ở trẻ em - đối tượng vốn ít tiêu thụ sản phẩm này".
Do vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị cần xác định rõ khái niệm "đồ uống có đường" nhằm xác định rõ ở mức độ hàm lượng đường nào thì xếp vào nhóm này để áp thuế tiêu thụ đặc biệt cho phù hợp. Bộ Tài chính không nên đưa trà và cà phê uống liền vào danh mục nhóm đồ uống có đường chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Còn Bộ Y tế lại thống nhất bổ sung mặt hàng nước ngọt vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo phương án 1, thuế suất 10% áp dụng từ năm 2019. Tuy nhiên, đề nghị bổ sung quy định cụ thể loại nước ngọt nào chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, tránh tình trạng áp dụng không thống nhất, phạm vi quá rộng.