Mới đây nhất, Kering cho biết động lực thúc đẩy sự tăng trưởng của năm nay đến từ Saint Laurent – thương hiệu ít tiếp xúc với thị trường Trung Quốc hơn so với các thương hiệu khác thuộc Kering. Nhãn hàng do giám đốc sáng tạo Anthony Vaccarello và giám đốc điều hành Francesca Bellettini điều hành đã chứng kiến doanh thu toàn cầu tăng 34% lên 1,5 tỷ đô la so với cùng kỳ năm ngoái.
CEO Jean-Marc Duplaix ghi nhận “lực cản rõ ràng” mà hãng đã trải qua ở Trung Quốc đại lục trong quý 2. Hiệu suất kinh doanh của Trung Quốc đã kéo toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương đi xuống, trong khi người tiêu dùng Mỹ và thị trường châu Âu mới là nơi chứng kiến sự phục hồi trong 2 quý đầu tiên của năm tài chính 2022. Tuy vậy, Kering vẫn dồn rất nhiều tiềm lực vào thị trường châu Á và tỏ ra lạc quan.
Mới đây nhất, Reliance Brands Limited (RBL) thông báo họ đã ký một thỏa thuận chiến lược với thương hiệu cao cấp Balenciaga trực thuộc Kering để đưa thương hiệu vào thị trường Ấn Độ. Với thỏa thuận nhượng quyền dài hạn này, RBL sẽ là đối tác Ấn Độ duy nhất của Balenciaga. Balenciaga sẽ là thương hiệu liên kết thứ hai của RBL với Kering cũng như Bottega Veneta.
Darshan Mehta của RBL cho biết: “Sự tiên phong và sáng tạo khéo léo của họ, việc sử dụng logo táo bạo, và một lượng khách hàng tuyệt đối trung thành đã tạo ra một chỗ đứng vững chắc trên toàn thế giới. Đây là thời điểm thích hợp nhất để giới thiệu thương hiệu với Ấn Độ khi khách hàng xa xỉ Ấn Độ có sự am hiểu và sử dụng thời trang như một hình thức sáng tạo, thể hiện cá tính của họ".
RBL là một công ty con của Reliance Retail Ventures Ltd và bắt đầu hoạt động vào năm 2007 với nhiệm vụ “giới thiệu và xây dựng các thương hiệu toàn cầu trong các phân khúc từ cao cấp đến xa xỉ trên phương điện thời trang và phong cách sống”. Trong 5 năm qua, RBL cũng đầu tư xây dựng và vận hành các thương hiệu thiết kế nội địa Ấn Độ.
Ngay sau đó vài ngày, thương hiệu cao cấp Kering Eyewear cũng đã ra mắt cửa hàng đầu tiên tại Hàn Quốc, nằm trên tầng 8 của cửa hàng Lotte Duty Free ở Busan. Đây là sự hợp tác giữa Kering Group và Lotte, thương hiệu tuyên bố cửa hàng mới là cửa hàng lớn nhất ở châu Á cho đến nay. Lotte Internet Duty Free cung cấp dịch vụ lắp kính ảo cho kính mắt Kering bằng công nghệ thực tế tăng cường (AR). Lotte Internet Duty Free có kế hoạch triển khai công cụ thực tế ảo (VR) cho phép khách hàng xem cửa hàng ở 360 độ mà không cần đến cửa hàng.
Có thể thấy, tập đoàn Kering muốn mở rộng sự hiện diện của mình ở châu Á và làm sâu sắc hơn cam kết về tính bền vững. Tập đoàn cũng tiết lộ kế hoạch tăng cường sự hiện diện của thương hiệu Gucci tại Trung Quốc, nơi họ đặt mục tiêu trở thành người dẫn đầu thị trường vào năm 2025.
Kering đã thuê cựu giám đốc điều hành của Tiffany Laurent Cathala để điều hành các hoạt động tại Trung Quốc cho Gucci, thương hiệu mang lại một nửa doanh thu cho tập đoàn. Các nhà phân tích cho biết ông Cathala dự kiến sẽ hỗ trợ các nhóm hoạt động tại Trung Quốc, giúp họ nắm bắt các hoạt động tiếp thị và quảng cáo, một động thái bất thường trong ngành thời trang, khi mà các chiến lược quảng cáo thường do các giám đốc điều hành tại châu Âu như Paris hoặc Milan chỉ đạo.
Theo Leaf Greener, một nhà tư vấn thương hiệu cao cấp tại Thượng Hải, việc trao quyền cho các đơn vị hoạt động tại Trung Quốc được xem là yếu tố quan trọng trong bối cảnh việc hiểu rõ văn hóa và nhu cầu của khách hàng địa phương ngày càng trở nên quan trọng. Các nhà phân tích cho rằng các biện pháp kích thích của chính phủ, để khôi phục nền kinh tế sau khi dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa liên quan đến dịch Covid-19, có thể không đủ để thúc đẩy sự phục hồi chi tiêu của người tiêu dùng.
Tin tưởng rằng doanh số bán hàng xa xỉ tại Trung Quốc sẽ giảm 15% trong nửa đầu năm, nhưng sau đó sẽ tăng khoảng 11% vào nửa cuối năm 2022, Gucci đã có kế hoạch tạo ra một bộ sưu tập trang sức cao cấp mới; phát hành chiến dịch Love Parade quy tụ nhiều ngôi sao đi kèm với sự kiện “Guccywood Club” ở Thành Đô; khởi động dự án văn hóa "Blooming Shanghai"…
Trong buổi giới thiệu với các nhà đầu tư vừa qua, tập đoàn tiếp tục một lần nữa nhấn mạnh kế hoạch tăng doanh thu hàng năm của Gucci lên 15 tỷ euro bằng cách tăng giá, sản xuất các bộ sưu tập cao cấp hơn và đẩy nhanh hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc - vốn là một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng doanh thu cho các thương hiệu xa xỉ phẩm.