TP.HCM là nơi có thị trường bán lẻ nhộn nhịp, siêu thị được xem là kênh tốt nhất để sản phẩm tiếp cận người tiêu dùng. Đầu tháng 11 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức lễ khai mạc "Tuần lễ sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng các vùng, miền và công nghệ sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản năm 2024".
Tuần lễ thu hút hơn 320 doanh nghiệp, hợp tác xã của TP.HCM và các tỉnh, thành cả nước tham gia với khoảng 960 sản phẩm, bao gồm các sản phẩm OCOP; sản phẩm đặc trưng vùng, miền; sản phẩm về công nghệ sản xuất, bảo quản và chế biến nông sản.
Đến cuối tháng 11 vừa qua, tỉnh Bạc Liêu cũng đã tổ chức Hội nghị kết nối cung - cầu sản phẩm OCOP giữa tỉnh và các tỉnh, thành phố năm 2024, trong đó trọng tâm là kết nối với các hệ thống phân phối, sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp đầu mối, hệ thống siêu thị trong khu vực ĐBSCL, TP. HCM và cả nước.
Tương tự, chỉ tính riêng kênh phân phối hiện đại, thống kê từ Sở NN-PTNT Cà Mau, hiện có 56 sản phẩm của 22 chủ thể được đưa vào các hệ thống phân phối trong và ngoài tỉnh như: siêu thị Co.opmart, Co.op Food, cửa hàng thực phẩm an toàn, siêu thị Finelife supermarket, siêu thị Top Go, siêu thị Tứ Sơn - An Giang… Ngoài ra, các chủ thể OCOP còn thực hiện liên kết với các đại lý ở TPHCM và khu vực ĐBSCL, Đồng Nai, Bình Dương, TP Đà Nẵng, TP Hà Nội, Quảng Ninh... để mở rộng thị phần sản phẩm.
Ở chiều ngược lại, xét trên kênh phân phối, ghi nhận hiện nhiều hệ thống siêu thị tại TP.HCM như Satra, Big C, MM Mega Market… đã dành một kệ riêng cho sản phẩm OCOP để quảng bá, giới thiệu đặc sản địa phương tới người tiêu dùng. Chẳng hạn tại siêu thị Satra Sài Gòn, quận 10, khách chỉ cần vừa bước vào khu mua sắm là bắt gặp một quầy riêng bày bán sản phẩm OCOP.
Để tạo điểm nhấn, siêu thị có một bảng riêng, chỉ rõ đây là những sản phẩm OCOP của các địa phương. Các mặt hàng OCOP khá đa dạng từ miến dong, miến sắn dây, nước mắm, hạt điều… của nhiều tỉnh thành trên cả nước. Sản phẩm OCOP TP.HCM có mật ong rừng sữa ong chúa, mật ong nghệ Xuân Nguyên (huyện Bình Chánh), dưa món, cà pháo và các sản phẩm lên men của thương hiệu Ngọc Liên (huyện Hóc Môn)…
Tại chương trình công bố sản phẩm OCOP TP.HCM mới đây, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn TNHH MTV (Satra) cũng đã tiếp tục ký kết hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP cho 6 chủ thể có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao của TP.HCM. Hiện số lượng nhà cung cấp cho Saigon Co.op là HTX, doanh nghiệp sản xuất ngành nông nghiệp tại TP.HCM đang ngày càng tăng. Nhà bán lẻ này mới đây cũng đã đến Cần Giờ, có kế hoạch xây dựng chuỗi liên kết với nông dân, HTX đưa xoài cát và đặc sản Cần Giờ vào hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra.
Ông Nguyễn Trần Ngọc, Giám đốc Kinh doanh Saigon Co.op, đánh giá sản phẩm OCOP và những sản phẩm nông nghiệp chủ lực đặc thù của TP.HCM có nét riêng khá đặc trưng. Xoài cát Cần Giờ chất lượng ngon, độ ngọt đặc trưng riêng. Rau thì rất đa dạng, trồng theo công nghệ, đạt chuẩn đưa vào hệ thống Saigon Co.op.
“Sau khi khảo sát, chúng tôi ký kết bao tiêu, ứng một khoản tiền tạo điều kiện cho HTX tập trung cho sản xuất. Chúng tôi cũng đã phối Sở Công Thương, Sở NNPTNT, Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM để định hướng, tập huấn cho bà con, tư vấn thêm hồ sơ pháp lý, kỹ thuật để đạt tiêu chuẩn an toàn, xanh đưa vào kênh phân phối thuận lợi hơn”, ông Ngọc nói.
Bà Hoàng Thị Mai, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NNPTNT TP.HCM), cho biết hiện ngành nông nghiệp triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP TP.HCM. Chẳng hạn, với Chương trình OCOP, TP.HCM đã có những hoạt động như lễ công bố công nhận sản phẩm OCOP, hội chợ triển lãm sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm OCOP, hội chợ xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP, chợ phiên nông sản cuối tuần, ký kết với các hệ thống siêu thị…
Tương tự tại Hà Nội, ngày 29/11 vừa qua, tọa đàm với chủ đề “Gia tăng kênh tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo” đã diễn ra. Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), nhấn mạnh hiện các chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của vùng sâu vùng xa đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều sản phẩm đặc sản vùng miền đã tiếp cận được thị trường hiện đại, góp phần hình thành thị trường ổn định.
Tuy nhiên, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn thừa nhận, tỷ lệ các sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo xuất hiện trên kệ hàng của các siêu thị và hệ thống bán lẻ hiện nay còn thấp. Một trong những rào cản chính đối với tiêu thụ sản phẩm từ các khu vực này là vấn đề chất lượng và tiêu chuẩn sản phẩm. Nhiều nông sản chưa đáp ứng được yêu cầu khắt khe về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc hay tiêu chuẩn quốc tế, nên khó cạnh tranh trên các kênh phân phối hiện đại.
Chi phí logistics cao và hạn chế về hạ tầng giao thông cũng là một vấn đề nan giải. “Do khoảng cách địa lý lớn và hạ tầng chưa đồng bộ, việc vận chuyển các sản phẩm tươi sống dễ hỏng như nông sản gặp rất nhiều khó khăn”, ông Phạm Quyết Tiến, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh sàn thương mại điện tử nông sản Bưu điện Việt Nam (nongsan.buudien.vn), chia sẻ. Ông cho rằng, lộ trình logistics không đảm bảo về thời gian và nhiệt độ trong quá trình vận chuyển là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hư hỏng hàng hóa khi đến tay khách hàng.
Để giải quyết những thách thức trên, Bộ Công thương và các đơn vị liên quan đã đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ. Trước hết, cần nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn sản phẩm thông qua hỗ trợ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cho người dân và các hợp tác xã. Các sản phẩm cần đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc để đủ điều kiện tham gia vào các kênh phân phối hiện đại và thị trường quốc tế.
Về logistics, đại diện Bưu điện Việt Nam cho biết, VNPost đang tối ưu hóa hệ thống vận chuyển nội tại với hơn 13.000 bưu cục trải dài trên cả nước, bao gồm cả vùng sâu, vùng xa và hải đảo. “Chúng tôi đang xử lý tối ưu kho vận và quy chuẩn đóng gói riêng cho từng loại hàng hóa để đảm bảo chất lượng sản phẩm khi đến tay khách hàng,” ông Phạm Quyết Tiến khẳng định.
Bộ Công thương cũng đề xuất đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, coi đây là giải pháp trọng tâm để mở rộng thị trường. Các chương trình đào tạo kỹ năng kinh doanh, tiếp thị và ứng dụng số sẽ được tổ chức, giúp người dân khai thác hiệu quả các nền tảng trực tuyến.