August 31, 2024 | 12:51 GMT+7

Kết nối thị trường carbon ASEAN, xây dựng hệ sinh thái carbon thống nhất và mạnh mẽ

Nguyệt Hà -

ASEAN đang quyết tâm hiện thực hóa tầm nhìn về một khu vực "ASEAN xanh" bền vững, nơi các quốc gia thành viên hợp tác chặt chẽ để xây dựng một khu vực phát triển bền vững với môi trường và kinh tế tuần hoàn là trọng tâm. Thị trường carbon, đặc biệt là kết nối giữa các quốc gia trong ASEAN, đóng vai trò then chốt trong việc đạt được mục tiêu này...

Tại Diễn đàn Triển vọng của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc 2030" ngày 30/08/3024 tại thủ đô Viêng Chăn, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, đại diện cho Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã tham dự và đề xuất một số giải pháp để tăng cường, thúc đẩy sự kết nối thị trường carbon ASEAN.

THỐNG NHẤT VỀ TIÊU CHUẨN

Trong bài trình bày tại diễn đàn, TS. Nguyễn Đình Thọ phân tích tầm quan trọng của việc kết nối thị trường carbon ASEAN. "Với sự gia tăng của biến đổi khí hậu, vai trò của thị trường carbon sẽ trở nên thiết yếu hơn đối với ASEAN trong những thập kỷ tới. Các sáng kiến kết nối khu vực và tiểu khu vực không chỉ giúp thúc đẩy việc trao đổi tín chỉ carbon mà còn tối ưu hóa hiệu quả năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính và hỗ trợ các hành động vì khí hậu ở cấp quốc gia và khu vực. Điều này không chỉ giúp ASEAN đạt được các mục tiêu giảm phát thải mà còn đóng góp vào việc xây dựng một hệ sinh thái carbon thống nhất và mạnh mẽ.

TS. Nguyễn Đình Thọ khẳng định sự kết nối thị trường carbon ASEAN không chỉ đơn thuần là trao đổi tín chỉ carbon giữa các quốc gia mà còn là việc xây dựng một hệ sinh thái carbon chung, thống nhất. Để thực hiện điều này, ASEAN cần phải thống nhất các tiêu chuẩn về kiểm kê, đo lường, xác nhận phát thải, báo cáo bền vững, và phân loại xanh.

Diễn đàn đã bàn thảo về thúc đẩy kết nối thị trường carbon ASEAN
Diễn đàn đã bàn thảo về thúc đẩy kết nối thị trường carbon ASEAN

Những tiêu chuẩn này phải được áp dụng rộng rãi trên nhiều lĩnh vực như xây dựng, đô thị thông minh, xử lý chất thải, sử dụng đất và lâm nghiệp, giao thông, năng lượng, và kỹ thuật số. Việc thống nhất này không chỉ giúp giảm bớt sự không nhất quán và chồng chéo trong các quy định hiện hành mà còn tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự phát triển của thị trường carbon trong khu vực.

Nhận định thị trường carbon ASEAN, thông qua các sáng kiến kết nối, không chỉ là công cụ để trao đổi tín chỉ carbon mà còn là cơ sở để thúc đẩy các sáng kiến kinh tế tuần hoàn, giúp tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và giảm thiểu chất thải, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường đã nhấn mạnh đến những đóng góp quan trọng khi thị trường carbon ASEAN được kết nối.

Đóng góp đầu tiên là góp phần vào việc xây dựng các đô thị thông minh và bền vững, trong đó việc sử dụng năng lượng, xử lý chất thải và quản lý tài nguyên thiên nhiên được thực hiện một cách hiệu quả và có trách nhiệm.

Đặc biệt, việc kết nối thị trường carbon ASEAN sẽ có tác động thúc đẩy sự kết nối về nhiều lĩnh vực hạ tầng khác bao gồm: giao thông, năng lượng, kỹ thuật số của khu vực ASAEN. Và ngược lại, sự kết nối những hạ tầng này sẽ kết nối và thúc đẩy sự kết nối của thị trường Carbon ASEAN nhằm thực hiện mục tiêu cam kết giảm phát thải.

Trong đó, việc kết nối thị trường carbon trong ASEAN còn cần phải xem xét kỹ lưỡng những phát triển và cam kết toàn cầu như các thỏa thuận quốc tế về giảm phát thải từ ngành hàng không và hàng hải. Đây là những lĩnh vực phát thải quan trọng nhưng thường bị bỏ qua trong các chiến lược carbon quốc gia và khu vực. Kết nối giao thông hiệu quả giữa các quốc gia ASEAN sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính.

Diễn đàn Triển vọng của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Diễn đàn Triển vọng của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Đóng góp thứ hai là kết nối năng lượng đóng vai trò nền tảng trong chiến lược của ASEAN nhằm tích hợp năng lượng tái tạo vào thị trường carbon. Lưới điện ASEAN (APG) và Đường ống dẫn khí xuyên ASEAN (TAGP) là những sáng kiến quan trọng giúp tăng cường kết nối năng lượng, cho phép chia sẻ các nguồn năng lượng tái tạo giữa các quốc gia thành viên. Điều này góp phần vào việc giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và giảm tổng lượng khí thải carbon trong khu vực.

Sự kết nối năng lượng giữa các quốc gia ASEAN cũng giúp giảm chi phí phát triển và triển khai các dự án năng lượng tái tạo, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát, báo cáo và xác minh (MRV) lượng phát thải khí nhà kính.

Việc tích hợp các hệ thống năng lượng của ASEAN vào một mạng lưới liên kết chặt chẽ sẽ hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế carbon thấp và tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của khu vực.

Đóng góp thứ ba là việc kết nối kỹ thuật số đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả và khả năng mở rộng của thị trường carbon tại ASEAN. Các nền tảng và công nghệ kỹ thuật số như blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) đang trở thành các công cụ thiết yếu để thúc đẩy quá trình giao dịch tín chỉ carbon an toàn, chính xác và minh bạch.

Có thể thấy, kết nối kỹ thuật số không chỉ thúc đẩy sự phát triển của thị trường carbon ASEAN mà còn đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong các giao dịch, đồng thời hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế carbon thấp bền vững. Sự kết hợp giữa các công nghệ kỹ thuật số và các sáng kiến kết nối khác trong khu vực sẽ góp phần xây dựng một ASEAN xanh và bền vững.

6 GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG KẾT NỐI THỊ TRƯỜNG CARBON ASEAN

Trong bối cảnh ASEAN đang đối mặt với thách thức lớn về biến đổi khí hậu và việc phát triển một thị trường carbon mạnh mẽ, kết nối là điều cần thiết để đối phó. Sự kết nối này không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn đóng vai trò quan trọng trong xây dựng một khu vực phát triển bền vững và thịnh vượng. Từ đó, TS. Nguyễn Đình Thọ đã đề xuất 6 giải pháp để tăng cường kết nối thị trường carbon ASEAN gồm:

Thứ nhất là tăng cường niềm tin và thanh khoản thị trường, thiếu niềm tin và thanh khoản đang là thách thức lớn đối với thị trường carbon ASEAN. Để khắc phục điều này, các quốc gia thành viên cần hợp tác xây dựng các tiêu chuẩn chung và phương pháp đánh giá đáng tin cậy. Điều này sẽ giúp tạo ra một hệ thống kiểm soát chất lượng và chứng nhận chung, đảm bảo rằng các tín chỉ carbon được giao dịch là hợp pháp và có giá trị thực tế, từ đó tăng cường niềm tin của nhà đầu tư.

Tham dự Diễn đàn, TS. Nguyễn Đình Thọ đã đề xuất 6 giải pháp để kết nối thị trường carbon ASEAN.
Tham dự Diễn đàn, TS. Nguyễn Đình Thọ đã đề xuất 6 giải pháp để kết nối thị trường carbon ASEAN.

Thứ hai là phát triển các thỏa thuận bù trừ, các thỏa thuận bù trừ giữa các thị trường carbon tự nguyện và tuân thủ là cần thiết để tăng cường kết nối thị trường. Điều này sẽ tạo điều kiện cho việc giao dịch tín chỉ carbon giữa các thị trường khác nhau, giúp giảm phát thải khí nhà kính trong khu vực. Chính phủ các quốc gia ASEAN cần khuyến khích và hỗ trợ phát triển các thỏa thuận này để nâng cao khả năng tương thích giữa các hệ thống thị trường.

Thứ ba là cần làm rõ quy định và vai trò của chính phủ, hiện nay sự không rõ ràng trong quy định và vai trò của chính phủ đang gây khó khăn cho sự phát triển của thị trường carbon. Các chính phủ ASEAN cần cam kết rõ ràng hơn trong việc ủng hộ thị trường carbon, đặc biệt là về các quy định liên quan đến giao dịch xuyên biên giới và Điều 6 của Hiệp định Paris. Điều này sẽ tạo ra một môi trường pháp lý ổn định, giảm thiểu rủi ro và đảm bảo rằng các giao dịch carbon được thực hiện một cách minh bạch.

Thứ tư là kết nối thị trường carbon với nhà đầu tư quốc tế. Sự thiếu kết nối giữa thị trường carbon ASEAN và nhà đầu tư quốc tế là một rào cản lớn đối với việc mở rộng thị trường. Để giải quyết, các cơ quan khu vực và tổ chức phi chính phủ cần tham gia tích cực vào các chương trình xây dựng năng lực và thúc đẩy kết nối giữa các bên liên quan. Họ cũng cần đại diện cho ASEAN trong các cơ quan thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu, để đảm bảo rằng các tiêu chuẩn phù hợp với nhu cầu khu vực.

Thứ năm là giảm chi phí phát triển và đăng ký. Chi phí cao trong phát triển và đăng ký tín chỉ carbon đang cản trở các quốc gia ASEAN, đặc biệt là các nước đang phát triển. Các sáng kiến kỹ thuật số như blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI), và Internet vạn vật (IoT) có thể giúp giảm chi phí này. Việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số cũng giúp tăng cường minh bạch, hiệu quả và khả năng mở rộng của thị trường.

Thứ sáu là cam kết của các tổ chức quốc tế và khu vực. Các tổ chức quốc tế như: ICVCM và IETA cần hợp tác với các tổ chức phi chính phủ khu vực để hỗ trợ các quốc gia ASEAN phát triển thị trường carbon chất lượng cao. Việc tạo ra các cơ chế tài chính hỗ trợ các sáng kiến khử carbon tại các quốc gia đang phát triển cũng rất quan trọng để thúc đẩy tính kết nối của thị trường carbon ASEAN.

“Thông qua các giải pháp này, ASEAN có thể xây dựng một thị trường carbon liên kết chặt chẽ, minh bạch và hiệu quả, đóng góp vào nỗ lực chung của khu vực trong việc giảm phát thải khí nhà kính và phát triển bền vững. Kết nối thị trường carbon không chỉ là một công cụ để đối phó với biến đổi khí hậu mà còn là yếu tố then chốt trong xây dựng một ASEAN xanh, nơi kinh tế, môi trường, và xã hội cùng phát triển hài hòa”, TS. Nguyễn Đình Thọ khẳng định.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate