July 29, 2021 | 17:04 GMT+7

Kết nối tiêu thụ nhãn và nông sản cho Đồng Tháp, Sóc Trăng

Chu Khôi -

Năm 2021, tổng sản lượng nhãn cả nước ước đạt 637 nghìn tấn, tăng khoảng 8% so năm 2020. Trong đó, khu vực phía Nam có sản lượng 337 nghìn tấn, dự kiến sản lượng thu hoạch 6 tháng cuối năm khoảng 177 nghìn tấn...

Hội nghị trực tuyến tiêu thụ nhãn cho Sóc Trăng và Đồng Tháp
Hội nghị trực tuyến tiêu thụ nhãn cho Sóc Trăng và Đồng Tháp

Sáng 29/7/2021, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng tổ chức “Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ nhãn và sản phẩm OCOP tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng tại Hà Nội năm 2021”.

Hội nghị nhằm hỗ trợ  địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất quảng bá sản phẩm, kết nối giao thương với các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm trên cả nước, tránh bị đứt gẫy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị nông sản do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19,

TÌM ĐẦU MỐI TIÊU THỤ

Ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp cho biết, năm 2021, tổng sản lượng nhãn cả nước ước đạt 637 nghìn tấn, tăng khoảng 8% so năm 2020. Trong đó, khu vực phía Nam có sản lượng 337 nghìn tấn, dự kiến sản lượng thu hoạch 6 tháng cuối năm khoảng 177 nghìn tấn.

Ngoài ra, trên địa bàn hai tỉnh Đồng Tháp, và Sóc Trăng còn có nhiểu loại nông, thủy sản khác như  khoai lang, xoài, chanh, ổi, cam, quýt, mít, thanh long, mận, ớt, hành tím... và các loại thủy sản như cá tra, tôm.

 
"Việc kết nối đẩy mạnh tiêu thụ, lựa chọn kịch bản, phương án tiêu thụ, bảo quản, chế biến nông sản của các địa phương có ý nghĩa rất quan trọng trong tình hình hiện nay, không để bị đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến sản xuất của bà con nông dân nhất là các loại hoa quả vào vụ thu hoạch chính vụ".
Ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, cho biết thời gian gần đây trái nhãn Đồng Tháp đã từng bước xây dựng nhãn hiệu hàng hóa.

Đến nay, toàn tỉnh có hơn 5.340 ha trồng nhãn, sản lượng mỗi năm ước tính hơn 53.000 tấn. Tính riêng tại huyện Châu Thành – địa phương trồng nhãn nhiều nhất tỉnh, đã có hơn 3.660 ha. Dự kiến từ nay đến cuối năm, toàn tỉnh có 1.230 ha nhãn sẽ thu hoạch, cần phải tiêu thụ. 

Khoai lang cũng là sản phẩm ở Đồng Tháp đang “bí” đầu ta. Toàn tỉnh Đồng Tháp có hơn 3.450 ha trồng khoai lang, sản lượng khoảng 87.400 tấn. Riêng tại huyện Châu Thành, tổng diện tích gieo trồng khoai lang hơn 3.300 ha, chiếm khoảng 98% diện tích khoai lang toàn tỉnh. Dự kiến từ nay đến cuối năm, Đồng Tháp có hơn 1.400 ha khoai sẽ thu hoạch, sản lượng hơn 35.100 tấn.

Ngoài ra, trong thời gian từ nay đến cuối năm, tỉnh Đồng Tháp thu hoạch nhiều loại trái cây khác: xoài diện tích hơn 3.770 ha, sản lượng ước đạt gần 30.650 tấn; chanh có 1.760 ha, sản lượng 21.500 tấn; ổi hơn 600ha, sản lượng 13.780 tấn; cam hơn 1.600 ha, sản lượng 6.400 tấn, quýt hơn 1.520 ha, sản lượng 5.100 tấn; mít hơn 1.970 ha, sản lượng gần 3.780 tấn… Đồng Tháp mong muốn tìm các đầu mối tiêu thụ các sản phẩm trái cây này.

Ông Trần Trọng Khiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, cho biết diện tích trồng nhãn toàn tỉnh 3.130 ha, đang cho trái 2.536 ha. Cơ cấu giống gồm: nhãn da bò 54,5%, nhãn xuồng 22,9%, nhãn Idor 13%, thanh nhãn 8,3% và các giống nhãn khác 1,3%.

Thời gian thu hoạch từ tháng 7/2021 đến tháng 12/2021 với sản lượng khoảng 24.400 tấn; thời điểm thu hoạch tập trung đối với nhãn xuồng là tháng 7 - 8; thanh nhãn tháng 8-9; nhãn Idor tháng 10 - 11; nhãn da bò rải rác từ tháng 7 - 12. Giá bán nhãn xuồng từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, nhãn da bò 10.000 đồng/kg tùy thuộc theo giống và địa phương.

ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC XÚC TIẾN 

Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã tại các tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng đã đăng đàn tìm kiếm các đầu mối tiêu thụ nông sản. Bà Bùi Thị Thanh Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Phụng ở TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp cho hay, hiện Công ty có 11 sản phẩm, trong đó có 8 sản phẩm OCOP đã được xếp hạng 4 sao và 3 sao.

Các sản phẩm của Công ty Ngọc Phụng đang từng bước xâm nhập hệ thống siêu thị toàn quốc. Tuy Covid-19 khiến sản phẩm đi vào siêu thị gặp nhiều khó khăn, song bà Thủy vẫn đặt niềm tin vào các hệ thống siêu thị bởi đây là kênh uy tín với khách hàng. Sau dịch Covid-19, bà Thủy dự tính làm thêm 3 sản phẩm OCOP.

Ngoài Công ty Ngọc Phụng, bà Thủy còn đang là lãnh đạo Hợp tác xã đặc sản Đồng Tháp, hỗ trợ cho 100 sản phẩm, 200 doanh nghiệp nông thôn tiêu biểu.

 
"Hà Nội đã có kịch bản chi tiết cho từng sản phẩm, từng cung đường để vận chuyển tiêu thụ, Đồng Tháp, Sóc Trăng có thể nghiên cứu mô hình này".
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản

Từ trước dịch Covid-19, hai doanh nghiệp do bà Thủy lãnh đạo đã liên kết với 4 sàn thương mại điện tử, trở thành kênh phân phối quan trọng trong bối cảnh hiện tại. “Sau dịch, chúng tôi muốn liên kết với các đối tác, thị trường tỉnh bạn để tiêu thụ sản phẩm của Ngọc Phụng và hợp tác xã đặc sản Đồng Tháp”, bà Thủy đề nghị.

Ông Lê Văn Hùng, Giám đốc HTX nông sản an toàn An Hòa ở huyện Châu Thành, Đồng Tháp thông tin vừa qua, HTX trong vùng dịch nên khó khăn khâu tiêu thụ. Nhưng nhờ Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Đồng Tháp và huyện hỗ trợ nên đã giải quyết một phần cho nông dân. Tuy nhiên, giá cả chưa cao. Hiện nhãn bán với giá tốt là 17.000-18.000 đồng/kg, còn giá bình thường là 10.000-11.000 đồng/kg.

Ông Hùng cho biết thêm, hiện vẫn gặp khó về đi lại tới TP. HCM và các điểm thu mua. Thêm vào đó, Hợp tác xã đang phải thuê nhiều nhân công, từ thu hái, đóng gói bao bì, cho đến vận chuyển lên xe. Vì vậy, người nông dân hầu như bán chỉ hòa vốn, không có lãi. "Chúng tôi mong muốn được hỗ trợ tìm đầu ra cho HTX, làm sao giá tốt, và đặc biệt là phải làm việc chính xác, có cam kết thu mua", ông Hùng đề xuất.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản khẳng định, hệ thống vận chuyển là mắt xích quan trọng trong giá thành, lợi nhuận và thời gian bảo quản của nông sản, do đó cần phát huy hết sức mạnh của hệ thống này.

Theo đó, các địa phương cần thống kê sản lượng nông sản theo từng huyện để xây dựng kịch bản tiêu thụ chi tiết. Sau đó, có chỉ đạo để các đơn vị hỗ trợ cho quá trình tiêu thụ như Bắc Giang đã làm với vụ vải vừa qua.

“Đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư đã tạo ra những thách thức chưa từng có với nhiều địa phương trên cả nước. Trước diễn biến khó lường về lưu thông, tiêu thụ, cần đổi mới công tác xúc tiến tiêu thụ, áp dụng trên quy mô lớn cả về chiều rộng lẫn chiều sâu; vừa thực hiện mô hình xúc tiến tiêu thụ truyền thống qua siêu thị, chợ đầu mối, chợ dân sinh, các  chuỗi cửa hàng tiêu thụ nông sản…, vừa thông qua các nền tảng thương mại điện tử online, hạ tầng internet thông qua các trang mạng xã hội facebook, zalo, fanpage... “, ông Toản nhấn mạnh.

 
Tại hội nghị, đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác giữa các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nông sản tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng với chuỗi cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội về việc bao tiêu sản phẩm.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate