January 10, 2023 | 12:36 GMT+7

Kết quả các chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài

Nhật Dương -

Năm 2022 các quốc gia tiếp nhận lao động vẫn còn áp dụng một số biện pháp phòng dịch với lao động nhập cảnh nên việc tiếp nhận lao động cũng còn thận trọng...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thông tin về kết quả các chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, năm 2022 các quốc gia tiếp nhận lao động vẫn còn áp dụng một số biện pháp phòng dịch với lao động nhập cảnh nên việc tiếp nhận lao động cũng còn thận trọng. Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch, có số lượng lớn lao động cần được đào tạo, giáo dục định hướng và hoàn thiện thủ tục để xuất cảnh.

Hiện nay, đơn vị này được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giao thực hiện 5 chương trình, gồm: Chương trình đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc (chương trình EPS); Chương trình đưa thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản (chương trình IM Japan); Chương trình đưa điều dưỡng viên đi học tập và làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức (chương trình điều dưỡng viên Đức); Chương trình đưa hộ lý đi làm việc tại Nhật Bản (chương trình hộ lý Nhật Bản); Chương trình tuyển mộ trực tiếp lao động đi làm việc tại Đài Loan (Chương trình Đài Loan).

Kết quả năm 2022, đơn vị này đã đưa được 9.815 lao động đi làm việc tại các thị trường, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây (chương trình EPS 8.909 người, chương trình IM Japan 784 người, chương trình hộ lý Nhật Bản 14 người, chương trình điều dưỡng viên Đức 108 người).

Cụ thể, với Chương trình EPS, đã hoàn thiện thủ tục và tổ chức xuất cảnh cho 8.059 gười lao động, đồng thời tiếp tục thực hiện tốt công tác chuẩn bị nguồn cho năm tiếp theo.

Với Chương trình IM Japan, Trung tâm phối hợp với Tổ chức IM Japan hoàn thiện thủ tục cần thiết và tổ chức đưa 784 thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản (327 thực tập sinh mới và 457 thực tập sinh tái nhập cảnh) đưa tổng số thực tập sinh xuất cảnh sang Nhật Bản từ khi thực hiện chương trình lên 8.211 người.

Đồng thời, đã tổ chức 5 đợt tiếp nhận 334 hồ sơ đăng ký tham dự thi tuyển theo thông báo tuyển chọn ứng viên của chương trình IM Japan, tổ chức thi tuyển cho 307 ứng viên.

Về công tác quản lý thực tập sinh, đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương, gia đình thực tập sinh để xác minh thông tin của 21 thực tập sinh có vấn đề phát sinh tại Nhật Bản (4 người bỏ trốn, 16 người về nước trước hạn, 1 người vi phạm pháp luật, 1 người bị bắt do vi phạm pháp luật).

Người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản về nước được hỗ trợ kết nối việc làm. Ảnh - N.Dương.
Người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản về nước được hỗ trợ kết nối việc làm. Ảnh - N.Dương.

Đối với Chương trình điều dưỡng viên Đức, trong năm 2022, tổ chức đào tạo tiếng Đức và xuất cảnh cho 108 học viên (trong đó có 62 học viên khóa 6 nhóm chăm sóc người bệnh xuất cảnh vào tháng 3/2022 và 46 học viên khóa 7 nhóm chăm sóc người già xuất cảnh vào tháng 9/2022). Do việc dừng thỏa thuận với Công ty Vivantes nên từ năm 2022 không tiến hành tuyển ứng viên theo chương trình này.

Sau 7 năm thực hiện chương trình (từ năm 2015 đến nay), đã có 7 khóa tiếng Đức được tổ chức và 916 người được đi học tập và làm việc tại Đức (trong đó có 672 người làm việc tại các viện dưỡng lão và 244 người làm việc trong các bệnh viện). Đến nay, có 568 người đã hoàn thành khóa đào tạo nghề và thi đạt chứng chỉ nghề quốc gia, được ký hợp đồng làm việc dài hạn tại Đức.

Với Chương trình hộ lý Nhật Bản, đã tuyển chọn và tổ chức thành công khóa đào tạo đầu tiên và tổ chức đưa 14 học viên đi thực tập tại Nhật Bản vào ngày 12/5/2022 (trong số đó có 9 học viên đạt trình độ tiếng Nhật N4 và 5 học viên đạt trình độ tiếng Nhật N3). Ngày 6/9/2022, đã đưa vào đào tạo tiếng Nhật khóa 2 cho 13 học viên đã trúng tuyển. Hiện nay, đang tiến hành hoàn thiện các thủ tục để xin kế hoạch thực tập, tư cách lưu trú và xin visa cho học viên. Dự kiến sẽ hoàn thiện các thủ tục và cho học viên xuất cảnh vào tháng 5/2023.

Đối với Chương trình tuyển mộ trực tiếp lao động đi làm việc tại Đài Loan, trong năm 2022, Trung tâm đã gửi thư tới các Công ty tiếp nhận đề nghị đẩy mạnh hợp tác tiếp nhận và phái cử lao động theo hình thức tuyển mộ trực tiếp, trên cơ sở đó, đã tiếp nhận được 5 đơn hàng của 2 Công ty Tất Thành, Cự Minh.

Đồng thời, phối hợp với Trung tâm tuyển mộ trực tiếp Đài Loan (DHSC) triển khai hai đơn hàng Công ty HHCP Tất Thành và Công ty HHCP Cự Minh với số lượng 235 hồ sơ đăng ký; tổ chức đào tạo giáo dục định hướng, tiếng Trung và hoàn tất thủ tục cho 27 người lao động đạt yêu cầu chờ xuất cảnh.

Với Chương trình Hand in Hand for International Talents, sau khi ký thỏa thuận, đã xây dựng phương án tuyển chọn, đào tạo, thống nhất với đối tác về lộ trình, phương án triển khai đảm bảo về cơ sở pháp lý.

Theo ông Đặng Huy Hồng, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), việc đàm phán, ký kết các thỏa thuận về việc phái cử và tiếp nhận lao động và thực tập sinh là cơ sở để đưa lao động, thực tập sinh đi làm việc và thực tập kỹ thuật tại các nước trong các năm tiếp theo, tạo cơ hội việc làm tốt thu nhập cao cho nhiều người lao động.

Tuy nhiên, việc đáp ứng đủ ứng viên cho một số chương trình vẫn gặp nhiều thách thức. Mặc dù các chương trình đều có nhiều ưu việt, nhưng do điều kiện, tiêu chuẩn cao, tỷ lệ trúng tuyển thấp, mức lương chưa hấp dẫn, ứng viên phải tham gia các khóa đào tạo khá dài...nên số lượng ứng viên tham gia còn hạn chế.

Một số đợt tuyển chọn (chương trình IM Japan và Đài Loan) không đủ số lượng theo yêu cầu, gây khó khăn đối tác tiếp nhận và cho việc cân đối thu chi để tổ chức lớp các khóa đào tạo.

Tại Nhật Bản, tỷ giá đồng Yên xuống thấp, dẫn đến thu nhập thực tế của người lao động thấp, giảm tính hấp dẫn của chương trình, khó tuyển chọn ứng viên, thậm chí một bộ phận học viên (110 người) đã hoàn thành khóa đào tạo đã xin dừng chương trình).

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate