February 20, 2023 | 13:20 GMT+7

Kết quả kinh doanh quý 4/2022 kém đang làm giảm hấp dẫn định giá của thị trường trong ngắn hạn

Thu Minh -

Trong ngắn hạn, có những dấu hiệu đáng khích lệ rằng thị trường đã xoay chiều sau khi giảm xuống mức đáy hai năm vào giữa tháng 11, nhưng đà phục hồi này bị thách thức bởi một số trở ngại, bao gồm kết quả lợi nhuận thấp của các công ty niêm yết trong quý IV/2022 làm tăng mức định giá thị trường...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong báo cáo triển vọng thị trường năm 2023 vừa cập nhật, Chứng khoán ACBS đưa ra 3 kịch bản cho thị trường từ nay tới cuối năm.

Cụ thể, ở kịch bản cơ sở, giả định rằng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng và lợi nhuận doanh nghiệp tăng trong khoảng 10-12%. Tâm lý thị trường sẽ cải thiện hơn so với năm 2022 với bội số thị trường duy trì cao hơn so với mức đáy trong thời gian gần đây, thị trường tín dụng sẽ bình thường hóa.

Khó khăn vĩ mô toàn cầu phần lớn sẽ lắng xuống vào cuối năm 2023 và các ngân hàng trung ương sẽ hoàn thành chu kỳ thắt chặt tiền tệ, điều này sẽ giúp giảm áp lực lên VND và cho phép NHNN xem xét chính sách tiền tệ nới lỏng hơn. Theo những giả định này, chỉ số sẽ giao dịch ở bội số trong phạm vi 12-13 lần. Chỉ số VN-Index có thể sẽ giao dịch quanh mức 1.200 điểm vào cuối năm 2023, tương ứng với P/E kỳ vọng 2023 khoảng 11,2 lần.

Ở kịch bản lạc quan dựa vào hoạt động đầu tư công mạnh mẽ trong năm 2023, thị trường bất động sản trong nước phục hồi nhanh hơn dự kiến và dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào mạnh mẽ cũng như các vấn đề tín dụng mà thị trường gặp phải sẽ được giải quyết. Nền kinh tế toàn cầu sẽ kiểm soát được lạm phát trong nửa đầu năm 2023 và tâm lý nhà đầu tư sẽ cải thiện nhờ việc nới lỏng chính sách tiền tệ toàn cầu.

Theo các giả định này, chúng ta có thể thấy thu nhập của các doanh nghiệp tăng 15-20%, trong khi định giá trên thị trường có thể cao hơn hiện tại đưa chỉ số VN-Index tăng lên khoảng 1.500 điểm vào cuối năm 2023.

Trong kịch bản bi quan, những lo ngại về lạm phát có thể tiếp tục ở mức cao, các ngân hàng trung ương tiếp tục chính sách tiền tệ diều hâu và kéo tăng trưởng toàn cầu đi xuống, trong khi cuộc chiến kéo dài ở Ukraine, sự khó lường trong việc mở cửa trở lại của Trung Quốc và làn sóng COVID-19 tiềm tàng có thể ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng.

Trong nước, GDP sẽ tiếp tục tăng trưởng, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng có thể bị cản trở do niềm tin của người tiêu dùng thấp hơn ảnh hưởng đến tiêu dùng trong nước, lo ngại suy thoái tại các thị trường xuất khẩu chính ảnh hưởng đến lĩnh vực sản xuất và thị trường tín dụng bị đình trệ ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của lĩnh vực bất động sản.

Trong kịch bản này, thu nhập chỉ đạt mức tăng trưởng rất khiêm tốn trong khi các kênh đầu tư khác được nhà đầu tư ưa chuộng hơn khiến chỉ số gần như đi ngang khi kết thúc năm 2023.

Kết quả kinh doanh quý 4/2022 kém đang làm giảm hấp dẫn định giá của thị trường trong ngắn hạn - Ảnh 1

Cũng theo ACBS, trong ngắn hạn, có những dấu hiệu đáng khích lệ rằng thị trường đã xoay chiều sau khi giảm xuống mức đáy hai năm vào giữa tháng 11, nhưng đà phục hồi này bị thách thức bởi một số trở ngại, bao gồm kết quả lợi nhuận thấp của các công ty niêm yết trong quý IV/2022 làm tăng mức định giá thị trường so với trước đó.

Gần đây, Bộ Tài Chính đã trình dự thảo Nghị định mới sửa đổi Nghị định 65 và Nghị định 153 về chào bán và mua bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và đang trong quá trình phê duyệt, điều này sẽ hỗ trợ thị trường.

Mặc dù triển vọng kinh tế có một số dấu hiệu xấu đi khi sản xuất công nghiệp và xuất khẩu suy yếu, nhưng có một số tín hiệu tích cực thể hiện qua chỉ số PMI của Việt Nam và các quốc gia khác trên toàn cầu và các điều kiện chung của nền kinh tế cho đến nay vẫn ổn định và được kỳ vọng sẽ sôi động hơn nếu tốc độ giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh.

Định giá thị trường vẫn khá thấp so với mức trung bình trong lịch sử (P/E tính đến ngày 31/01/2023 là 14,3 lần, thấp hơn 22% so với mức trung bình 3 năm) và có thể mang đến cho các nhà đầu tư dài hạn cơ hội tích lũy các vị thế ở mức định giá hấp dẫn.

Kết quả kinh doanh quý 4/2022 kém đang làm giảm hấp dẫn định giá của thị trường trong ngắn hạn - Ảnh 2

Về triển vọng dài hạn, thị trường niêm yết của Việt Nam có vị thế tốt để tiếp tục phát triển song song với nền kinh tế nói chung. Triển vọng tăng trưởng lợi nhuận cao đến từ nền tảng kinh tế vĩ mô với triển vọng lạc quan trong dài hạn và sức khỏe tài chính của các công ty niêm yết; làn sóng các hành động chống tham nhũng được thực hiện trên thị trường gần đây, mặc dù có đem lại một số khó khăn trong ngắn hạn, sẽ có lợi cho sự phát triển bền vững lâu dài của thị trường.

Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và tăng trưởng thu nhập khả dụng sẽ hỗ trợ tiêu dùng trong nước tiếp tục tăng trưởng, xu hướng chuyển dịch sản xuất trong dài hạn sang Việt Nam và sự hội nhập ngày càng sâu rộng của đất nước với nền kinh tế toàn cầu với 15 hiệp định thương mại song phương và đa phương tạo tiền đề cho Việt Nam sẽ tiếp tục thịnh vượng trong nhiều năm tới.

Việt Nam cam kết phát triển thị trường vốn và việc MSCI nâng hạng Việt Nam thành thị trường mới nổi chỉ là vấn đề thời gian, điều này sẽ mở ra cánh cửa cho một lượng lớn vốn nước ngoài đổ vào thị trường.

 Các vấn đề vĩ mô toàn cầu đã tàn phá thị trường trong phần lớn thời gian của năm 2022 đang có xu hướng lắng xuống. Tỷ lệ lạm phát cao đang bắt đầu có dấu hiệu ổn định, giá các mặt hàng chính đang giảm từ mức cao vào đầu năm 2022 và kỳ vọng rằng các ngân hàng trung ương sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất trong năm 2023. Đồng USD suy yếu đã tạo lợi thế cho VND và giảm bớt áp lực tăng lãi suất của NHNN trong thời gian tới.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate