Theo quan điểm của chúng tôi, khả năng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ phải tăng giá điện bán lẻ để bù đắp một phần chi phí đầu vào tăng, mặc dù EVN chưa có quyết định chính thức cho năm 2021.
Nhận định trên được Công ty Chứng khoán SSI đưa ra trong báo cáo cập nhật ngành điện vừa công bố.
Theo SSI, giá bán trung bình (ASP) của nguồn điện truyền thống (thủy điện, khí đốt và nhiệt điện than) là 1.169 đồng/kwh. Nếu so sánh giá bán điện sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo (FIT) với giá bán trung bình, chuyên gia của SSI đưa ra hai kịch bản (không bao gồm thuế ưu đãi).
Kịch bản thứ nhất, nếu sử dụng giá FIT hiện tại, khoản chi phí tăng thêm để sử dụng nguồn năng lượng tái tạo ước tính khoảng 12,7 nghìn tỷ đồng (tổng cộng 17,7 nghìn tỷ đồng bao gồm điện gió).
Kịch bản thứ hai, nếu sử dụng giá FIT như dự thảo quy định (7 cents/kwh), khoản chi phí tăng thêm sẽ thấp hơn, ở mức 7,8 nghìn tỷ đồng (tổng cộng 10,7 nghìn tỷ đồng bao gồm điện gió).
Từ hai kịch bản trên, SSI cho rằng, sản lượng phát điện từ nhiệt điện có khả năng bị giảm huy động do một phần sản lượng mới tăng thêm từ nhóm năng lượng tái tạo và nguồn sản lượng dồi dào từ nhóm thủy điện.
Bên cạnh đó, với mức tăng trưởng tiêu thụ điện trên toàn quốc là 7%, SSI cho rằng các công ty năng lượng tái tạo sẽ khó có thể hoạt động hết công suất thiết kế. Ngoài ra, từ cuối năm 2021 và đến năm 2022, hệ thống điện sẽ có thêm công suất từ các dự án điện gió (tuy nhiên nếu năm 2022, tình hình thuỷ văn kém khả quan hơn năm 2021 thì có thể không xảy ra tình trạng giảm huy động ở các nguồn năng lượng tái tạo).
SSI cũng lưu ý do giá FIT đối với năng lượng tái tạo ở mức cao, cùng với giá khí tăng, EVN sẽ có xu hướng kiểm soát chi phí đầu vào. Do đó, các công ty đang đàm phán lại hợp đồng PPA với EVN có thể gặp khó khăn.
"Khả năng EVN sẽ phải tăng giá điện bán lẻ để bù đắp một phần chi phí đầu vào tăng, mặc dù EVN chưa có quyết định chính thức cho năm 2021", báo cáo cập nhật ngành điện Công ty Chứng khoán SSI dự báo, nhận định.
TRIỂN VỌNG CỔ PHIẾU NGÀNH ĐIỆN
Từ thực tế trên, SSI đưa ra triển vọng của cổ phiếu ngành điện với 4 cổ phiếu tiêu biểu gồm: Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE), Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (PPC), Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) và Công ty Cổ phần Xây lắp điện 1 (PC1).
Trong đó, đối với REE, năm 2021 tăng trưởng lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ ước tính ở mức +8,3% so với cùng kỳ, hấp dẫn hơn so với mức tăng trưởng âm của các nhà máy điện khác. Tăng trưởng năm 2021 là nhờ mảng thủy điện, cùng với mảng cơ điện phục hồi. REE đang giao dịch ở mức PE 2021 là 9,6 lần, rẻ hơn nhiều so với các nhà máy điện khác như PPC là 18 lần, NT2 là 16 lần và POW là 15 lần.
Với PPC được đánh giá kém khả quan hơn do triển vọng sản lượng phát điện ảm đạm. Điều này là do sản lượng dồi dào từ điện mặt trời và thủy điện, cùng với sản lượng hợp đồng giảm không thể bù đắp chi phí đầu vào tăng trong năm 2021.
Năm 2021, cổ tức tiền mặt của PPC theo kế hoạch là 10%, tương ứng lợi suất cổ tức 2021 là 3,5% - thấp hơn nhiều so với năm 2020 là 8%. Cổ tức tiền mặt giảm diễn biến theo triển vọng lợi nhuận năm 2021 cũng như công ty đang tiết kiệm tiền cho dự án môi trường sắp tới.
Đối với NT2, công ty này đang lên kế hoạch chia cổ tức 2021 là 12%, tương ứng tỷ suất 5% - thấp hơn nhiều so với năm 2020 là 8%. Mặc dù triển vọng lợi nhuận kém tích cực cùng với giá khí tăng, yếu tố bất ngờ sẽ đến từ cổ tức tăng thêm liên quan đến thu nhập chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện trong 2015-2019. Do đó, NT2 dự kiến trả hết nợ ngoại tệ trong nửa đầu năm 2021 – giúp cải thiện dòng tiền trong dài hạn và giảm rủi ro tỷ giá.
Cuối cùng là PC1, mặc dù lợi nhuận sau thuế năm 2021 ước tính giảm nhẹ (-5% so với cùng kỳ) do thiếu vắng các dự án bất động sản, theo SSI, tăng trưởng năm 2022 (+34% so với cùng kỳ) sẽ đến từ ba dự án điện gió, dự án bất động sản Vĩnh Hưng và Bắc Từ Liêm.