July 08, 2024 | 15:43 GMT+7

Khả năng lũng đoạn thị trường vàng từ những "chành sỉ" đến đâu?

Phan Linh -

Theo các chuyên gia, trên thị trường vàng đang tồn tại “nhà cái” có thể ấn định mức giá lên, xuống với cả vàng miếng và nhẫn. Nhóm này được gọi là "tạo lập thị trường" nhưng cũng chính là nhóm đầu cơ và có khả năng lũng đoạn thị trường…

Những “cơn bão giá vàng” đã qua có bàn tay của một số nhóm đầu cơ, thao túng thị trường?
Những “cơn bão giá vàng” đã qua có bàn tay của một số nhóm đầu cơ, thao túng thị trường?

Tại toạ đàm “Ngăn ngừa nguy cơ vàng hoá nền kinh tế” do Tạp chí kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức, các chuyên gia nhấn mạnh đặc điểm của thị trường vàng Việt Nam là không có những sàn vàng tập trung, minh bạch mà người dân chủ yếu giao dịch tại các tiệm vàng.

Theo đó, mức giá mua và bán do các tiệm vàng ấn định. Người dân mua, bán vàng chỉ là người chấp nhận giá chứ không phải là người quyết định giá. Tuy nhiên, hàng chục ngàn tiệm vàng khác nhau trên cả nước nhưng lại có những mức giá tương đối ngang nhau, có chênh lệch không đáng kể. Sở dĩ như vậy là do giá trên thị trường đã được các “chành vàng sỉ” hay còn gọi là “nhà cái” ấn định cho các tiệm vàng. Đây là những “nhà tạo lập thị trường” nhưng cũng chính là nhóm đầu cơ và có khả năng lũng đoạn thị trường.

Các chuyên gia nhấn mạnh những “nhà cái” này đã tồn tại lâu đời, chi phối toàn bộ thị trường vàng (bao gồm vàng nhẫn) trước khi Nghị định 24/24/2012/NĐ-CP ra đời ngày 3/4/2012.

 
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên cao cấp, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên cao cấp, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

“Về bản chất thị trường vàng Việt Nam, đặc biệt là thị trường khu vực miền Nam, các tiệm vàng nhỏ lẻ sẽ mua từ các "chành vàng" sỉ. Những "chành vàng" sỉ này sẽ là người đưa ra mức giá cho các tiệm vàng nhỏ lẻ giao dịch.  Thuật ngữ trong dân kinh doanh vàng gọi là "giá bóng". "Giá bóng" tức là mức giá mà các chành sỉ này bán hoặc mua từ các tiệm vàng nhỏ lẻ". 

 

Theo ông Nguyễn Hữu Huân, những "chành sỉ" lớn có khả năng kiểm soát được giá thị trường. Họ có thể ấn định được mức giá lên hay xuống của thị trường bởi vì họ nắm phần lớn thị trường. Trong kinh tế gọi những người đó là market maker, những nhà tạo lập thị trường hoặc tiêu cực hơn là những nhà đầu cơ, lũng đoạn thị trường.

Không phải bây giờ các "chành sỉ" mới kiểm soát giá vàng mà từ trước cả Nghị định 24 ra đời. Cần lưu ý, họ kiểm soát tất cả mọi loại hình vàng, từ miếng đến nhẫn và không loại trừ vàng nguyên liệu. 

TS. Phạm Xuân Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam nhận định những “nhà cái” này nắm giữ một lượng lớn vàng được nhập lậu qua biên giới nên có khả năng lũng đoạn cả thị trường vàng, khiến tỷ giá trên thị trường tự do tăng nóng như thời gian vừa qua.

Ông Hoè đánh giá vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã thành công bước đầu trong việc bình ổn thị trường vàng, giảm chênh lệch đáng kể giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới nhờ phương án bán vàng trực tiếp tới người dân qua 5 đơn vị kinh tế do Nhà nước chi phối vốn.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng cảnh báo một số dấu hiệu cho thấy các “nhà cái” đang tìm mọi cách phá hoại việc bình ổn thị trường, chính là hiện tượng thuê người xếp hàng mua vàng; thuê người đăng ký mua vàng trực tuyến từ 5 đơn vị tham gia bình ổn thị trường nói trên. 

“Đã xuất hiện tình trạng xếp hàng mua vàng thuê hay tình trạng các cửa hàng vàng lớn không có vàng để bán. Nghĩa là vẫn đang xuất hiện tình trạng cố tình găm hàng chờ Ngân hàng Nhà nước ngừng bán vàng bình ổn sẽ lại tiếp tục tạo sóng thị trường, giá vàng trong nước lại tăng lên. Chúng ta cần phải nghĩ đến tình huống đó và có những giải pháp toàn diện, nếu không làm triệt để từ A đến Z mà chỉ từ A đến D sẽ rất dễ bị hồi mã thương”, ông Phạm Xuân Hoè nói. 

 
Ông Phạm Xuân Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam; Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước).
Ông Phạm Xuân Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam; Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước).

“Một điều rất đáng lo ngại là khi thị trường vàng trong nước bùng lên, Nhà nước chưa kịp can thiệp đã xuất hiện tình trạng nhập lậu vàng về Việt Nam bán lại cho các tiệm vàng.

Đây chính là những đối tượng nắm giữ lượng vàng rất lớn, điều tiết giá, giật dây thị trường. Như vậy cần có những biện pháp đồng bộ để giải quyết tình trạng này”.

 

Ông Nguyễn Văn Phụng, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, đồng tình rằng những “cơn bão giá vàng” đã qua có bàn tay của một số nhóm đầu cơ muốn nương theo sóng vàng thế giới để đẩy giá trong nước nhằm trục lợi.

Theo ông Phụng, những doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tiểu thương hiện nay rất cần vốn để kinh doanh nên không dại gì bỏ tiền ra ôm vàng vào. Chỉ có người dân có thói quen tích trữ vàng rồi mua vàng làm của hồi môn trong những dịp cưới xin nhưng nhu cầu đó không quá lớn.

“Có những nhóm đối tượng khác mua vàng ở đây. Đó là những nhóm lợi ích. Thực sự hiện nay  nhu cầu mua vàng của người dân có đủ lớn thật hay không để phải hy sinh dự trữ ngoại tệ quốc gia giải quyết nhu cầu đó?”, ông Phụng nêu vấn đề và khuyến nghị các cơ quan quản lý xác định thái độ ứng xử phù hợp với thị trường vàng.

Các chuyên gia cùng khuyến nghị để quản lý thị trường vàng hiệu quả, Chính phủ cần có đề án tổng thể, phân rõ vai trò, trách nhiệm của từng bộ ngành; đưa ra cơ chế phối hợp hiệu quả để tiến tới định danh vàng, ngăn chặn hiệu quả buôn lậu vàng. Đồng thời, đưa những “nhà cái” nói trên “lộ sáng" thì thị trường vàng mới có thể ổn định, bền vững.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate