September 10, 2024 | 10:52 GMT+7

Khắc phục hậu quả mưa bão, đủ điều kiện mới tổ chức dạy học

Đỗ Như -

Một số địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của bão số 3 và hoàn lưu bão số 3 đã kiểm tra công tác khắc phục hậu quả tại các cơ sở giáo dục với phương châm “trường học phải thực sự bảo đảm an toàn và đủ điều kiện mới tổ chức dạy và học”…

Các thầy cô giáo Trường THPT Lý Thánh Tông quận Đồ Sơn, Hải Phòng tích cực dọn dẹp, vệ sinh la trường lớp. Ảnh: Cổng thông tin điện tử TP Hải Phòng.
Các thầy cô giáo Trường THPT Lý Thánh Tông quận Đồ Sơn, Hải Phòng tích cực dọn dẹp, vệ sinh la trường lớp. Ảnh: Cổng thông tin điện tử TP Hải Phòng.

Hải Phòng là thành phố chịu hậu quả nặng nề từ cơn bão số 3. Ngày 9/9, lãnh đạo ngành giáo dục và đào tạo thành phố Hải Phòng đã kiểm tra công tác khắc phục bão số 3 tại một số cơ sở giáo dục. Đoàn công tác kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão số 3 tại: Trường THPT Cát Hải (huyện Cát Hải); Trường THPT Lý Thánh Tông, Trường Tiểu học và THCS Vạn Hương, Trường Tiểu học Bàng La (quận Đồ Sơn); Trường Tiểu học và THCS Tân Thành (quận Dương Kinh).

Qua kiểm tra thực tế cho thấy, sau Bão số 3, cơ sở vật chất của các nhà trường bị thiệt hại như tốc mái khu vực nhà để xe, phòng bảo vệ, phòng y tế, khu hiệu bộ; tường bao phía trước và phía sau trường bị đổ sập; mưa gió lớn táp vào các phòng chức năng khiến cửa sổ, cửa ra vào ảnh hưởng, gây hậu quả một số bộ máy vi tính và sách thư viện bị hỏng hóc...

Giám đốc Sở đề nghị các đơn vị giáo dục khẩn trương huy động lực lượng tại chỗ, đồng thời tăng cường công tác phối hợp các lực lượng như công an, thanh niên, tình nguyện viên và nhân dân địa phương để đẩy nhanh việc dọn dẹp vệ sinh, cảnh quan trường lớp, khắc phục hậu quả sau bão.

Cùng với đó, các trường chủ động kiểm tra, rà soát và lập biên bản thống kê chi tiết những hạng mục cơ sở vật chất bị hư hỏng để có cơ sở đề xuất các cấp có thẩm quyền sửa chữa…Đồng thời, lưu ý các trường học tuân thủ nguyên tắc bảo đảm an toàn trường học trước khi đón học sinh trở lại; trước mắt ưu tiên sửa chữa các hạng mục phòng học, nhà ăn, phun khử khuẩn các phòng học...

Bên cạnh đó, cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh tuyệt đối không chủ quan với diễn biến thời tiết sau khi bão tan; duy trì lực lượng ứng trực tại trường, sẵn sàng ứng phó với các tình huống bất ngờ có thể xảy ra. Giám đốc Sở cũng nhấn mạnh, các trường học căn cứ vào từng địa phương, từng khu vực, căn cứ vào tình hình thực tiễn để tổ chức dạy và học.

Tại tỉnh Lào Cai, để ứng phó phòng chống bão số 3 và hoàn lưu của bão, nhất là những nơi có nguy cơ sạt lở cao, trong buổi làm việc với Đoàn công tác Chính phủ chiều 9/9, ông Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai cho biết, tỉnh Lào Cai đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên địa bàn tỉnh, đồng thời tập trung bảo đảm tính mạng, tài sản của người dân; toàn bộ các trường học được cảnh báo và cho học sinh, sinh viên nghỉ học.

Tại tỉnh Thái Nguyên, mực nước sông Cầu tiếp tục dâng cao, nhiều khu vực bị ngập, giao thông đi lại khó khăn, nhiều trường học bị gió bão làm tốc mái, đổ cây, gây ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học… Để đảm bảo an toàn cho học sinh, các huyện Định Hóa, Phú Bình, Phú Lương, Đồng Hỷ của tỉnh Thái Nguyên đã quyết định tiếp tục cho học sinh nghỉ học ngày 10/9; thành phố Thái Nguyên cho học sinh nghỉ học hai ngày 10 và 11/9.

Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 5212/BGDĐT-GDTrH gửi các Sở giáo dục đào tạo và các đơn vị tổ chức biên soạn, phát hành sách giáo khoa về việc cung ứng sách giáo khoa cho các địa phương bị ảnh hưởng của cơn bão số 3.

Công văn nêu rõ thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3 (bão YAGI) và mưa lũ sau bão; để chủ động khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 và chuẩn bị các điều kiện đón học sinh trở lại trường học tập, Bộ Giáo dục Đào tạo đề nghị các sở giáo dục đào tạo chủ động rà soát, thống kê tình hình thiệt hại về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, sách giáo khoa và đồ dùng học tập của nhà trường và học sinh do bão, lũ gây ra để có phương án khắc phục và báo cáo cấp có thẩm quyền.

Kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ học sinh, gia đình chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh bị thiệt hại do mưa, bão sớm ổn định học tập; thực hiện các giải pháp để việc dạy học ở các nhà trường an toàn, hiệu quả.

Phối hợp với các đơn vị cung ứng sách giáo khoa tại địa phương kịp thời cung cấp bổ sung sách giáo khoa cho học sinh, bảo đảm cung cấp đủ sách giáo khoa, giúp học sinh nhanh chóng ổn định học tập.

 

Đối với các đơn vị tổ chức biên soạn, phát hành sách giáo khoa, Bộ Giáo dục Đào tạo yêu cầu chủ động phối hợp với các địa phương rà soát, nắm bắt kịp thời tình hình sách giáo khoa bị hư hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3 để khẩn trương in ấn bổ sung và cung ứng kịp thời cho giáo viên, học sinh tổ chức dạy học, ưu tiên cho học sinh các lớp đầu cấp và cuối cấp; không để xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung sách giáo khoa.

Trong khả năng của đơn vị, phối hợp với các sở giáo dục đào tạo chủ động hỗ trợ sách giáo khoa, vở viết, đồ dùng học tập cho học sinh các gia đình chính sách, học sinh bị thiệt hại nặng nề do mưa, bão để sớm ổn định học tập.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate