September 30, 2022 | 14:18 GMT+7

Khắc phục xong sự cố vỡ đê ở Nghệ An, vẫn còn nguy cơ lũ quét do mưa lớn

Chu Khôi -

Đến sáng 30/9, sự cố vỡ đê tại xã Hững Đạo, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An đã được khắc phục xong. Về thiệt hại do mưa lũ sau bão đã có 3 người chết và 3 người bị mất tích; 8.139 nhà bị ngập; 1.138ha lúa, 5.838ha hoa màu, 104,5ha cây công nghiệp và lâu năm, 5.142ha thủy sản bị ngập, 34.423 con gia cầm bị chết, cuốn trôi….

Đê vỡ ở Nghệ An đã được hàn gắn.
Đê vỡ ở Nghệ An đã được hàn gắn.

Theo thông tin từ Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống thiên tai,  mưa lớn mấy ngày qua đã khiến nước lũ lên nhanh tại nhiều nơi ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Vào khoảng 20h30 đêm 29/9 đã xảy ra vỡ đê kênh thấp, đoạn qua xóm 7, xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Đoạn đê vỡ dài khoảng 7m, đây là tuyến đê xung yếu, bảo vệ cho gần 1.700 hộ dân (khoảng 6.000 nhân khẩu). Sau khi phát hiện sự cố, huyện Hưng Nguyên đã huy động các lực lượng và nhân dân tập trung cứu đê.

Báo cáo về sự cố vỡ đê ở Nghệ An
Báo cáo về sự cố vỡ đê ở Nghệ An

Đến sáng 30/9, sau hơn 12 giờ đồng hồ, lực lượng quân và dân tỉnh Nghệ An, huyện Hưng Nguyên đã khắc phục cơ bản sự cố, đảm bảo an toàn cho người dân. Cũng trong đêm 29, rạng sáng 30/9 tại huyện Yên Thành đã có 1 hồ đập bị vỡ.

Theo thông tin từ cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An hiện nay các hồ đập trên địa bàn đã đầy nước, ở mức báo động. Điều đáng nói là rất nhiều hồ, đập trong số này đã xuống cấp, nguy cơ vỡ là rất lớn. Mưa lũ cũng khiến hàng nghìn hộ dân bị ngập nước.

Đêm qua và sáng nay, tại rốn lũ Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu các lực lượng chức năng tiếp tục sơ tán người dân đến nơi an toàn.

 

"Về nông nghiệp: 1.138ha lúa, 5.838ha hoa màu, 104,5ha cây công nghiệp và lâu năm, 5.142ha thủy sản bị ngập; 287ha rừng trồng. Về chăn nuôi: 209 con gia súc, 34.423 con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Về giáo dục: 28 điểm trường bị ảnh hưởng".

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống thiên tai,

Về tình hình thiệt hại do mưa lũ tại Nghệ An, Hà Tĩnh đến sáng 30/9/2022, Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống thiên tai cho biết đã có 3 người chết và 3 người bị mất tích tại Nghệ An (do mưa lũ sau bão); không có người chết trong bão. Về nhà: 09 nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 8.139 nhà bị ngập. Số hộ phải di dời: 88 hộ.

Về thủy lợi, đê, kè: 1.890m kênh; 49 đập loại nhỏ bị hư hỏng sạt lở; 71 cống bị hư hỏng; sạt lở 1.030m bờ sông. Sạt lở bờ kênh tiêu đoạn từ Nam Đàn – Bến Thủy qua xóm 7, Làng Rào xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) khoảng 5m. Sau khi phát hiện sự cố, lãnh đạo tỉnh ủy, UBND tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo, huy động các lực lượng và nhân dân tập trung xử lý sự cố. Đến 06h30/9 địa phương đã hoàn thành công tác khắc phục.

Về giao thông: 31 vị trí bị ngập, 41 vị trí bị sạt lở ta luy.

Dự báo từ ngày 30/9-01/10 ở khu vực trung du, đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to và dông. Cụ thể, ngày và đêm 30/9, lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 150mm. Ngày và đêm 01/10, lượng mưa phổ biến 30-60mm, có nơi 80mm. Cảnh báo mưa dông ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng kéo dài đến ngày 2-03/10. Mưa dông ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng còn kéo dài trong nhiều ngày tới.

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.

 

"Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, đặc biệt tại các huyện: Kỳ Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Thanh Chương, Quỳnh Lưu, Đô Lương (Nghệ An); Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang (Hà Tĩnh). Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 2".

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống thiên tai.

Những công việc tiếp theo, Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương thống kê, tổng hợp, báo cáo tình hình thiệt hại; huy động lực lượng kịp thời, khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão; dọn dẹp vệ sinh môi trường, đường phố, khôi phục hệ thống điện, thông tin, nước sạch sinh hoạt để nhanh chóng khôi phục hoạt động bảo đảm đời sống, sinh hoạt cho người dân.

Hỗ trợ người dân, nhất là những hộ khó khăn sửa chữa lại nhà cửa bị sập đổ, tốc mái, hư hại; khắc phục nhanh các công trình công cộng (trường học, trạm y tế...) để bảo đảm điều kiện cho học sinh trở lại trường, nơi khám chữa bệnh cho người dân.

Khôi phục sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do bão, lũ để bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, ổn định đời sống người dân thời gian tới.

Tiếp tục theo dõi chặt chẽ mưa lũ, tổ chức lực lượng kiểm tra, rà soát các khu dân cư khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét để chủ động di dời, sơ tán dân cư, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.

Thực hiện nghiêm túc công điện số 30/CĐ-QG ngày 29/9/2022 của Văn phòng thường trực BCĐ và công văn số 975/PCTT-QLĐĐ ngày 29/9/2022 của Tổng cục Phòng, chống thiên tai. Bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate