March 13, 2023 | 12:21 GMT+7

Khách hàng Gen Z thích một chiếc đồng hồ như thế nào?

Băng Sơn -

Thanh thiếu niên "phát triển sớm" sẽ trở thành những người mua hàng xa xỉ nhiều nhất vào năm 2030 khi nhân khẩu học của những người mua sắm trong lĩnh vực này ngày càng trẻ và giàu có hơn…

Ảnh: Watchonista
Ảnh: Watchonista

Theo bà Federica Levato, đối tác tại Bain & Company và là người đứng đầu bộ phận Thời trang và Hàng xa xỉ EMEA của công ty, cho từ giờ đến năm 2030, các thương hiệu xa xỉ sẽ cần tận dụng vị trí tiên phong về văn hóa và ưu điểm để vượt qua những thách thức phía trước và định hình thế giới. Ví dụ trước đây họ lấy người tiêu dùng làm trọng điểm, thì giờ đây họ phải giải quyết các ưu tiên mới: ESG, chuỗi sáng tạo, công nghệ và dữ liệu. Những lĩnh vực này rất giàu cơ hội cho các thương hiệu xa xỉ, vì vậy việc hợp tác lẫn nhau cho sự phát triển trong tương lai là rất quan trọng.

NHỮNG CHIẾN LƯỢC HỢP TÁC “ĂN TIỀN”

Sau 1 năm ra mắt, Swatch x Omega Speedmaster MoonSwatch lại tiếp tục là cái tên hot của làng đồng hồ. Chưa từng có một sự kiện ra mắt đồng hồ đeo tay truyền thống nào lại tạo ra sức hút khủng khiếp như vậy từ ngoài đời đến trên mạng internet. Màn hợp tác này cũng giống như những dự án bắt tay của TAG Heuer x Porsche, Timex x Adsum hay Hodinkee x Bamford x Snoopy..., là những gì mà các hãng đồng hồ danh tiếng muốn làm để tìm tiếng nói chung với thế hệ khách hàng trẻ, năng động.

Năm trước, Swatch và Omega đã tạo ra sản phẩm có thể là tốt nhất hoặc thành công nhất trong lịch sử của cả hai thương hiệu và tiếp theo đó chính là phiên bản đồng hồ MoonSwatch Omega X Swatch Moonshine Gold. Việc cửa hàng chỉ giới hạn cho mỗi người một sản phẩm nên thị trường bán lại chắc chắn sẽ bùng nổ.

Theo Watchonista, nhu cầu sử dụng đồng hồ cũng như quan tâm đến Omega X Swatch tăng đến mức đáng kinh ngạc. Điều này đến từ việc Gen Z là đối tượng khách hàng mục tiêu và thói quen tiêu dùng, sở thích, khả năng chi trả của nhóm người tiêu dùng này khác hoàn toàn so với thế hệ Y và Millennials.

Bài học lớn cho các doanh nghiệp đồng hồ là chuẩn bị kỹ lưỡng cho thế hệ khách hàng tiếp theo. Nhiều thương hiệu đã thất thu khi không kịp đề ra chiến lược tiếp cận và chinh phục người dùng tiếp theo thế hệ Millennials. Gen Z là một thế hệ ghét trở thành mục tiêu của các chương trình quảng bá, chiến lược tiếp thị thương mại, theo Watchonista. Họ muốn tự tìm hiểu thông tin, khám về sở thích, nhu cầu mua sắm của bản thân. Nếu thế hệ Millennials quan tâm nhiều đến thông điệp, câu chuyện mà nhãn hiệu muốn truyền tải thông qua sản phẩm, thì Gen Z lại đề cao, chú ý đến tính năng, mẫu mã, màu sắc món đồ thời trang.

Sau 1 năm ra mắt, Swatch x Omega Speedmaster MoonSwatch lại tiếp tục là cái tên hot của làng đồng hồ.
Sau 1 năm ra mắt, Swatch x Omega Speedmaster MoonSwatch lại tiếp tục là cái tên hot của làng đồng hồ.

Để chinh phục những khách hàng này, các nhãn hiệu đồng hồ từ lâu đời đến mới nổi phải xây dựng chiến lược hợp tác riêng mới giúp họ cùng thu về lợi nhuận lớn từ người dùng Gen Z như màn hợp tác vô cùng thành công TAG Heuer x Porsche. TAG Heuer vốn là doanh nghiệp đồng hồ ra đời từ năm 1860 với kỹ thuật chế tác được nhiều thế hệ người dùng, trong đó có cha mẹ của Gen Z, công nhận. Vì vậy, đây là một trong những nhãn hiệu xuất hiện đầu tiên trong tâm trí khách hàng trẻ khi tìm kiếm phụ kiện phù hợp.

Tuy nhiên với giá bán phải chăng hơn nhiều cũng như có nhiều phiên bản như một bộ sưu tập thời trang trẻ trung cá tính, Swatch x Omega Speedmaster MoonSwatch mới thực sự chạm tới khẩu vị Gen Z. Chỉ một vài năm trước, không ai trong giới mộ điệu có thể tưởng tượng rằng sẽ được chứng kiến một màn collab giữa Omega và Swatch để cho ra mắt một bộ sưu tập capsule.

Được gọi là “những đứa trẻ kỹ thuật số”, khách hàng Gen Z quan tâm nhiều đến công nghệ. Các thiết bị công nghệ trở thành sản phẩm được chú ý, tạo ra cơn sốt với giới trẻ. Hơn nữa, người dùng ở độ tuổi 20 cũng ưa chuộng sự độc đáo, đề cao tính sáng tạo của các món đồ thời trang, bao gồm đồng hồ. Lần ra mắt này hãng đồng hồ danh tiếng áp dụng đúng công thức của thời trang tạo ra phiên bản mới. Chỉ có kim giây mạ vàng nên giá của chiếc này cũng chỉ tăng cỡ 25 USD. Tuy nhiên MoonSwatch Mission to Moonshine Gold chỉ bán ở một số cửa hàng của Swatch tại 4 thành phố London, Milan, Tokyo và Zurich, và cũng chỉ bán trong một ngày duy nhất.

SỨC HÚT CỦA CHIẾC ĐỒNG HỒ CHỈ BÁN TRONG 1 NGÀY

Swatch là một thương hiệu dễ tiếp cận đối với Gen Z. Giá thành của đồng hồ Swatch phù hợp với khả năng tài chính của những người mới gia nhập thị trường lao động. Hơn nữa, phụ kiện đến từ nhãn hiệu này phù hợp với nhiều giới tính, hoàn cảnh sử dụng, mục đích tiêu dùng.

Ngày 7/3 vừa qua, một phiên bản đồng hồ Omega mới được xem là “Sứ mệnh lên Mặt trăng” với kim giây mạ vàng Moonshine tiếp tục lên kệ. Moonshine Gold là hợp kim vàng độc quyền của Omega lần đầu xuất hiện vào năm 2019 trên mẫu Speedy Apollo 11 50th Anniversary. Moonshine Gold là vàng 18k có màu nhạt hơn một chút so với vàng vàng thông thường và có khả năng chống phai màu tốt hơn theo thời gian.

Công thức tạo ra vàng Moonshine bao gồm khoảng 75% vàng, 14,5% bạc, 9% đồng và 1% palladium. Vàng vàng 18k thông thường sẽ có 75% vàng, phần còn lại chủ yếu là đồng. Vì vậy, Moonshine có màu sắc đặc biệt, nhạt hơn vàng vàng 18k, được giải thích là do lượng bạc cao hơn, ít đồng hơn và bổ sung thêm palladium.

Khách hàng Gen Z thích một chiếc đồng hồ như thế nào? - Ảnh 1
Khách hàng Gen Z thích một chiếc đồng hồ như thế nào? - Ảnh 2
 

Về mặt kỹ thuật, MoonSwatch này không phải là một chiếc đồng hồ mới, mà là một đoạn giới thiệu thú vị về bản Mission to the Moon đã ra mắt trước đây đúng một năm, tiếp tục mô phỏng lại một cách trung thực hình thức Speedmaster cổ điển, với các vấu xoắn và vỏ không đối xứng bằng gốm sinh học. Và đây là toàn bộ quan điểm của MoonSwatch: nó thú vị và dễ tiếp cận đến người dùng trẻ.

Ngay lập tức, giới sưu tầm đồng hồ điên cuồng xếp hàng để được sở hữu sản phẩm kết hợp giữa Swatch và Omega. Theo Bloomberg ghi nhận, từ London, Milan, Tokyo và Zurich cảnh tượng hàng người xếp hàng rồng rắn gợi nhắc đến cơn sốt mua iPhone khi chiếc điện thoại thông minh lần đầu tiên ra mắt năm 2007. Chỉ bán một ngày duy nhất ở 4 thành phố, giá trị của những chiếc đồng hồ này trên thị trường tự do sẽ tăng phi mã, hệt như những ngày đầu MoonSwatch ra mắt giờ này năm ngoái.

Thực tế là, giá đồng hồ trên thị trường thứ cấp tăng nhanh chóng trong thời kỳ đại dịch khi người tiêu dùng thế hệ Z, những người rủng rỉnh tiền mặt và mắc kẹt ở nhà, đã phát hiện ra một sở thích mới tốn kém là sưu tập đồng hồ Thụy Sỹ. Ước tính, thị trường đồng hồ cũ toàn cầu trị giá gần 20 tỷ Franc Thụy Sĩ (hơn 506 nghìn tỷ đồng) và có thể đạt 35 tỷ Franc Thụy Sĩ (hơn 885 nghìn tỷ đồng) vào năm 2023, theo nghiên cứu được công bố vào tháng 10/2022 bởi hãng kiểm toán và tư vấn khổng lồ Deloitte.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate