Xung quanh câu chuyện về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, ông Nguyễn Chí Thanh, Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, đã có cuộc trao đổi với Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy.
Ông đánh giá thế nào về diễn biến của thị trường bất động sản từ đầu năm đến nay?
Trong thời gian qua, ảnh hưởng Covid - 19, đặc biệt là đợt bùng phát lần thứ 4 ở Việt Nam đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam nói chung, gây đình trệ, đứt gãy chuỗi hoạt động kinh doanh sản xuất của nhiều ngành, nghề. Ngành bất động sản không phải là một ngoại lệ.
Hầu hết các dự án phát triển bất động sản trên cả nước đều phải dừng xây dựng, thi công vì giãn cách và đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu và thiết bị. Những dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư không thể triển khai làm nguồn cung trên thị trường vốn dĩ đã thiếu hụt không có cơ hội để cải thiện.
Tính riêng quý 3/2021, số lượng nguồn cung trên toàn thị trường đạt ngưỡng thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây và đa phần hàng tồn từ các quý trước. Lượng cung cũng như dự án mới rất hạn chế và không có dấu hiệu cải thiện.
Hoạt động giao dịch mua – bán bất động sản trên thị trường cũng bị ảnh hưởng vì không thể tiến hành gặp gỡ, trao đổi, giao nhận…, trong khi bất động sản là loại hàng hóa đặc biệt phải qua rất nhiều khâu kiểm nghiệm, pháp lý khi phát sinh giao dịch. Tuy nhiên, bởi lực cầu vẫn duy trì mạnh và sự nỗ lực tìm kiếm các giải pháp bán hàng trong tình hình mới của các sàn giao dịch nên mặc dù thị trường chịu nhiều ảnh hưởng nhưng số lượng giao dịch có thể nói là tương đối tốt.
Khách hàng, nhà đầu tư bắt đầu đã dần quen với việc tham dự các buổi chào bán, giới thiệu sản phẩm qua hình thức online. Tuy tỷ lệ đăng ký đặt mua qua hình thức online chưa nhiều nhưng cũng tăng cao hơn so với thời điểm trước.
Tác động của dịch bệnh đến thị trường bất động sản là rất rõ rệt, nhưng theo ông, phân khúc nào đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất?
Có thể thấy, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực bất động sản, trong đó, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng bị ảnh hưởng nặng nhất. Số lượng giao dịch giảm mạnh. Song, các nhà đầu tư chuyên nghiệp, cũng như những người tham gia vào bất động sản nghỉ dưỡng đều xác định đây không phải là cuộc chơi ngắn hạn. Với mục tiêu lâu dài và với tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên của Việt Nam, thì bất động sản nghỉ dưỡng nước ta vẫn có tiềm năng lớn. Và không phải chỉ bất động sản nghỉ dưỡng mà cả bất động sản gắn kết, phục vụ nhu cầu phát triển du lịch vẫn có tương lai rất dài.
Hơn nữa, đại dịch Covid-19 cũng tạo thêm cơ hội cho mô hình căn hộ nghỉ dưỡng (condotel). Trước đây, nói tới mô hình này, người ta chỉ nghĩ là để dành cho những người đi du lịch, nghỉ dưỡng. Nhưng với xu hướng gia tăng hình thức làm việc tại nhà, dễ dàng nhận thấy làm việc ở khu chung cư, tại các thành phố lớn chật chội thì điều kiện hạ tầng, không khí không tốt như ở các khu nghỉ dưỡng, biển đảo.
Chính vì vậy, những người làm việc online, theo kiểu tư duy trí tuệ… có thể chọn những thành phố ven biển, hoặc khu đô thị có điều kiện tự nhiên tuyệt vời để vừa có thể làm việc tại nhà, vừa có thể nghỉ dưỡng tại chỗ. Như vậy, tuy khó khăn nhưng đại dịch cũng tạo ra đối tượng khách hàng nữa cho bất động sản nghỉ dưỡng.
Xu hướng vừa làm việc, vừa nghỉ dưỡng tại gia như ông nói cũng đặt ra yêu cầu là dự án phải có view đẹp và đa dạng về tiện ích. Theo ông, các dự án nghỉ dưỡng hiện nay có hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu này hay chưa?
Trong ngắn hạn, tại nhiều địa phương, mùa du lịch thường vào mùa hè. Tuy nhiên, với đời sống chất lượng phát triển, thì nhu cầu bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản du lịch là quanh năm. Chính vì vậy, các khu đô thị du lịch, đô thị nghỉ dưỡng đã phát triển không chỉ giới hạn ở những vùng có lợi thế về biển mà đã được hình thành ở cả những nơi điều kiện tự nhiên cho phép.
Nhiều địa phương và các chủ đầu tư đã tận dụng tối đa lợi thế tự nhiên về biển, về núi, về nguồn để xây dựng các khu đô thị nghỉ dưỡng có môi trường sống xanh, có điều kiện hạ tầng tốt, thu hút lượng lớn cư dân đến sinh sống. Ở đây, không còn khái niệm ngôi nhà thứ hai nữa mà người ta có thể chuyển hẳn về đó vừa sống, vừa làm việc, vừa nghỉ dưỡng trong chính ngôi nhà của mình.
Ngoài ra, từ nhu cầu thực tế của khách hàng, hiện nay, nhiều chủ đầu tư đã làm hồ biển, đồi núi nhân tạo… cho dự án của mình. Qua đó, nhằm tạo dựng những khu đô thị gần gũi với thiên nhiên và có điều kiện sống chất lượng. Những dự án này đang thu hút rất tốt người dân và các nhà đầu tư.
Nhiều địa phương có tiềm năng lớn về du lịch của nước ta cũng đang phấn đấu trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng trong khu vực. Để làm được điều này, theo ông, ngoài lợi thế về tự nhiên, cần có những yếu tố gì?
Bất cứ một nơi nào đang ở mức còn nguyên sơ muốn phát triển được, đều cần phải đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ. Công tác quy hoạch và cơ chế chính sách cho phát triển, vận hành khu vực đó phải đảm bảo tính lâu dài và gìn giữ môi trường thì nơi đó mới có giá trị thu hút đầu tư cũng như du khách. Cần phải thấy rằng, muốn phát triển, đầu tiên là phải bảo vệ môi trường, không chỉ gìn giữ, phát triển các điều kiện tự nhiên vốn có mà phải hướng tới cuộc sống xanh, môi trường xanh.
Việc tạo dựng những khu nghỉ dưỡng ở những nơi có điều kiện tự nhiên có sẵn thì chắc chắn sẽ thành công. Tuy nhiên, bài học từ các nước trên thế giới cho thấy không phải chỉ là công tác xây dựng ban đầu mà cần có cơ chế quản lý vận hành phù hợp và phải tạo được ý thức cộng đồng không những với người bản địa mà còn với du khách. Nói cách khác là phải tạo được sự cộng hưởng cùng chung tay xây dựng, gìn giữ môi trường thì nơi đó mới hấp dẫn và phát triển lâu dài được.