Thông tin tại Đối thoại chuyên đề "Nhận diện xu hướng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong bối cảnh mới" diễn ra chiều ngày 15/11, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho hay 3 quý năm 2021 có khoảng 10.000 sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng được chào bán, tỷ lệ hấp thụ 30-40%. Đây là tỷ lệ cao dù dịch bệnh ngặt nghèo trong quý 2 và nửa quý 3, giãn cách rất chặt chẽ.
Thứ nhất, nhờ mô hình phát triển dự án của chủ đầu tư thay đổi, không còn dự án nhỏ lẻ ăn theo hạ tầng chung của thành phố như Đà Nẵng mà phát triển thành dự án đa mục tiêu, kết hợp nghỉ dưỡng, du lịch sức khoẻ nhưng một số dự án kết hợp thêm vui chơi, văn hoá, mua sắm... Những dự án quy mô lớn hơn, tiêu chuẩn đẳng cấp quốc tế cũng đã thu hút nhà đầu tư quan tâm hơn.
Thêm nữa, mô hình phát triển bất động sản du lịch trên đất ở, như các dự án Hạ Long, cái đó rất quan trọng và đã thu hút được sự quan tâm của người dân. Người ta có thể mua, sở hữu lâu dài cũng có thể kinh doanh du lịch, như homestay ở Hà Nội vẫn có, hay các dự án nghỉ dưỡng ở các nơi cũng là nhà ở nhưng chuyển đổi thành du lịch.
Theo ông Hà, để có các khu du lịch hiện đại và đầy đủ tiện nghi đa mục tiêu như một số doanh nghiệp Việt Nam phát triển thời gian qua thì yếu tố đầu tiên là quy hoạch. Ta phải có tầm nhìn quy hoạch của địa phương, quốc gia. Dọc bờ biển dài 3.200km thì phát triển ở đâu để phát huy lợi thế của địa phương nhưng cũng để cạnh tranh quá là không tốt.
Thứ hai là tầm nhìn của chủ đầu tư. Tầm nhìn của chủ đầu tư đưa ra tính khác biệt của từng dự án để thu hút nhà đầu tư, khách du lịch trong và ngoài nước chứ không phải chỗ nào cũng là casino, kinh tế đêm.
Thứ ba là năng lực cũng như khả năng triển khai dự án của chủ đầu tư. Phải có đủ năng lực, kinh nghiệm để triển khai nhanh gọn dự án. Dự án quy mô hàng trăm nghìn ha thì năng lực của chủ đầu tư phải lớn. Vốn liếng thì không ngại, vốn trong dân rất nhiều làm sao huy động được mới quan trọng. Tuy nhiên, huy động tiền của dân cũng phải triển khai được chứ không phải huy động của dân rồi ỳ ra đấy thì cũng không xong.
Thứ tư là cơ chế, pháp lý của dự án. Chúng ta có thời gian phát triển nhanh nhưng các cơ chế chính sách quản lý thúc đẩy phát triển chưa theo kịp. Quản lý một phần thôi và quản lý để thúc đẩy phát triển nó lên chứ không phải để bóp nghẹt.
"Một dự án nghỉ dưỡng 360 ha, các khu khác hàng nghìn ha nhưng theo quy định, dự án nghỉ dưỡng là đất dịch vụ 50 năm, triển khai từ quy hoạch đến giao đất đầu tư đã mất cả chục năm rồi, tương đương với mất 20% thời gian, đến khi bán có dự án có khi chỉ còn 30 năm, thì có thu hút được chủ đầu tư không, người dân không? Cái đó là cốt lõi mà giai đoạn tới khi sửa đổi Luật Đất đai 2013 phải đặt ra để thúc đẩy thu hút nhiều hơn nữa nguồn vốn đầu tư phát triển du lịch".
Ông Nguyễn Mạnh Hà.
Đối với thu hút nguồn vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, theo Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, ngoài nguồn vốn trong nước cũng nên khai thác cả vốn nước ngoài đặc biệt nhà đầu tư nhỏ lẻ nước ngoài. Có thể cho nhà đầu tư nhỏ lẻ nước ngoài mua, sở hữu bất động sản du lịch có điều kiện.
Hiện nay, pháp luật Việt Nam cho nhà đầu tư nhỏ lẻ nước ngoài sở hữu nhà ở rồi nhưng vẫn có thể tính đến cho họ sở hữu bất động sản du lịch nghỉ dưỡng nữa như condotel hay biệt thự biển.
Thu hút được nhà đầu tư nước ngoài không chỉ vì tiền mà họ đến họ còn có tiêu chuẩn cao hơn, yêu cầu chủ đầu tư đáp ứng tiêu chuẩn cao họ mới mua thì mình sẽ nâng cao được chất lượng dự án, thương hiệu của mình. Chỉ cần vài chục phần trăm khách sạn du lịch thuộc sở hữu nhà đầu tư nước ngoài thì uy tín của dự án sẽ lên, tăng thu hút nguồn đầu tư của nhà đầu tư, khách du lịch nước ngoài. Do đó, chúng ta cần nghiên cứu để thu hút hơn nguồn vốn đầu tư", ông Hà kiến nghị.
Vấn đề cuối cùng, theo ông Hà, phải làm sao thống nhất từ trên xuống dưới, từ Chính phủ với địa phương hay giữa địa phương với nhau. Hiện nay, Chính phủ đã xác lập quan điểm không có "Zero Covid" nữa nhưng di chuyển giữa các địa phương có thẻ xanh vẫn phải cách ly thì chết. Phải thống nhất để sớm mở cửa thị trường này chứ doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm bất động sản du lịch rất oải rồi.