April 14, 2011 | 15:01 GMT+7

Khai thác khoáng sản làm lợi đến đâu?

Anh Quân

Khai thác khoáng sản theo kiểu “dễ làm, khó bỏ”, lãng phí trong quá trình thu hồi, nguồn lợi đôi khi rơi vào một nhóm lợi ích

Một điểm khai thác quặng trái phép tại Quỳ Hợp (Nghệ An).
Một điểm khai thác quặng trái phép tại Quỳ Hợp (Nghệ An).
Khai thác khoáng sản theo kiểu “dễ làm, khó bỏ”, lãng phí trong quá trình thu hồi, nguồn lợi đôi khi rơi vào một nhóm lợi ích thay vì cho cả cộng đồng do cơ chế kiểm tra giám sát của cơ quan nhà nước còn chưa chặt chẽ…

Một bản báo cáo về ngành công nghiệp khai khoáng của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), được đưa ra thảo luận ngày 14/4, đã cho thấy nhiều bất cập, thiếu bền vững tồn tại lâu nay trong ngành khai khoáng.

Đóng góp hạn chế vào tăng trưởng

Trên 5.000 mỏ, điểm quặng với hơn 60 loại khoáng sản khác nhau, trong đó một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn tầm cỡ thế giới như bauxit, titan, đất hiếm và đá vôi…, trữ lượng tiềm năng dầu khí vào khoảng 6 tỷ tấn, khí vào khoảng 4.000 tỷ m3, đóng góp của ngành khai khoáng chiếm 10-11% GDP mỗi năm.

Không những thế, vào năm 2009, doanh thu từ xuất khẩu khoáng sản đạt khoảng 8,5 tỷ USD, trong đó từ dầu thô đạt 6,2 tỷ USD, chiếm tỷ trọng khá lớn trong thu ngân sách nhà nước, khoảng 25%.

Nếu chỉ nhìn vào các con số trên có thể thấy vai trò khá lớn của ngành khai khoáng, đặc biệt là dầu khí. Tuy nhiên, đặt trong tổng thể đóng góp đối với tăng trưởng của đất nước, góc nhìn từ VCCI cho thấy những điểm đáng chú ý khác.

Trong khi tổng vốn đầu tư cho ngành khai thác khoáng sản chiếm vị trí cao so với nhiều ngành và lĩnh vực kinh tế khác, hiệu quả đóng góp vào tăng trưởng GDP của ngành này lại chưa hẳn cao ở mức tương xứng.

Giai đoạn từ năm 2005 đến 2008, các số liệu thống kê cho thấy, tổng vốn đầu tư cho ngành khai thác đứng vị trí thứ 5/18 ngành và lĩnh vực, nhưng hiệu quả đóng góp cho nền kinh tế chỉ đứng thứ 8.

Và dù tạo được nhiều việc làm cho xã hội, so với số lượng việc làm của các ngành kinh tế khác thì số lao động làm việc trong ngành khai khoáng cũng chưa tương xứng với vốn đầu tư và chỉ đứng thứ 11/18 so với các ngành kinh tế và lĩnh vực khác.

Đáng chú ý hơn nữa, “chỉ có dưới 50% lao động trong ngành khai khoáng có việc làm ổn định trong các doanh nghiệp, số còn lại chỉ có việc làm ngắn hạn và thu nhập bấp bênh”, báo cáo nhấn mạnh.

Trái ngược với các “ưu tiên” đầu tư mà nền kinh tế dành cho ngành khai khoáng, các sản phẩm sau khai thác, chế biến còn nghèo nàn, chất lượng thấp, có giá trị thương mại không cao, dẫn đến giá trị xuất khẩu không đủ để nhập khẩu sản phẩm khoáng sản qua chế biến để phục vụ cho nền kinh tế, báo cáo lưu ý.

Mặt khác, cơ cấu doanh nghiệp ngành khai khoáng cũng là điểm đáng bàn. Do các doanh nghiệp ngoài quốc doanh tham gia khai thác, chế biến khoáng sản quy mô nhỏ và trung bình và thường sử dụng công nghệ lạc hậu, “hệ lụy” là thu hồi khoáng sản thấp, lãng phí tài nguyên.

“Tình trạng dễ làm, khó bỏ, khai thác không theo quy hoạch, không theo thiết kế mặc dù đã có xu hướng giảm nhưng vẫn còn khá phổ biến”, báo cáo cho hay.

Đáng kể là hoạt động khai thác khoáng sản để lại nhiều hậu quả về mặt môi trường nhưng công tác quản lý và bảo vệ môi trường vẫn còn mang tính đối phó, hình thức, việc ký quỹ phục hồi môi trường theo quy định vẫn chưa được thực hiện triệt để, công tác quản lý, giám sát bảo vệ môi trường chưa được thực hiện đúng theo yêu cầu, vai trò giám sát của các tổ chức xã hội, cộng đồng địa phương còn nhiều hạn chế…, VCCI nêu hàng loạt những bất cập.

Chưa kể tình trạng đơn vị được cấp giấy phép khai thác nhưng không tham gia khai thác mà bán mỏ lại cho một đơn vị khai thác khác và thu lợi. Hiện tượng này, theo VCCI, khá phổ biến trong khai thác khoáng sản ở các địa phương như khai thác than ở Quảng Ninh và titan dọc ven biển miền Trung.

Loạn thu, thất thu và chi chưa minh bạch

Thống kê cho thấy, hiện có khoảng 9 loại phí và lệ khác nhau, 6 loại thuế và một số nghĩa vụ bắt buộc, hoặc trách nhiệm xã hội đang được áp dụng đối với các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản, tùy theo việc khai thác từng loại khoáng sản, công nghệ khai thác, chế biến...

Tuy nhiên, qua điều tra nghiên cứu thì việc thu và quản lý một số các loại thuế, phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác trên thực tế diễn ra khác khá nhiều so với quy định của pháp luật, VCCI cho hay.

Đề cập cụ thể đến trường hợp thu thuế tài nguyên, Báo cáo nêu ví dụ về mức giá để tính thuế tài nguyên than ở Quảng Ninh áp dụng cho mỗi tấn, trong khi với khoáng sản titan ở tỉnh Bình Định, việc xác định lại dựa trên mức giá hóa đơn tại thời điểm doanh nghiệp bán khoáng sản cho đối tác.

Theo VCCI, phương thức xác định giá để tính thuế tài nguyên dựa theo hóa đơn xuất của doanh nghiệp có thể dẫn tới hiện tượng doanh nghiệp khai thác khoáng sản thỏa thuận với đối tác ghi giá trên hóa đơn thấp hơn so với giá trên thị trường nhằm trốn một phần thuế tài nguyên.  

“Việc doanh nghiệp tự kê khai sản lượng hàng tháng, quý cho cơ quan thuế trong khi hầu như không có cơ chế giám sát sản lượng hoặc còn rất lỏng lẻo là một kẽ hở lớn trong ngành công nghiệp khai thác, dẫn tới hậu quả không những tài nguyên khoáng sản bị thất thoát mà nhà nước còn bị thất thu thuế tài nguyên”, VCCI bình luận.

Trong khi đó, báo cáo cho rằng việc doanh nghiệp khai báo không đúng sản lượng diễn ra rất phổ biến ở nhiều địa phương để bán chênh lệch sản lượng cho các đối tượng khác gây thất thu lớn thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường...  

Cũng theo VCCI, mỗi năm tỉnh Quảng Ninh thu về khoảng 290 tỷ đồng từ phí bảo vệ môi trường và được giữ lại toàn bộ dùng để chi phí cho các hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn. Trong khi thu từ khoản này khá lớn, ghi nhận từ chính bản thân doanh nghiệp, VCCI cho rằng phí bảo vệ môi trường hiện nay vẫn còn thấp và thiếu công bằng giữa các loại khoáng sản khác nhau.

Một ví dụ được nêu, phí bảo vệ môi trường đối với khai thác than là 6.000 đồng/tấn, trong khi khai thác đá ốp lát phải trả phí tận 50.000 đồng/tấn, dù khai thác than được đánh giá là gây tác động tiêu cực tới môi trường lớn hơn nhiều so với khai thác đá ốp lát.

Một khoản khác gọi là “mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng” cũng được các địa phương áp dụng, mặc dù Pháp lệnh về Phí và Lệ phí cũng như Luật khoáng sản hiện hành không quy định.

Cũng do không nằm trong quy định, mỗi địa phương thu một khác. Với mỏ đồng Sinh Quyền ở Lào Cai, địa phương thu 300.000 đồng/tấn quặng đồng thô, trong khi các doanh nghiệp khai thác titan ở Bình Định có mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng là từ 80-160 triệu đồng/ha…

Tổng số tiền mà doanh nghiệp khai thác titan phải nộp riêng trên địa bàn huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định trong 2 năm (2010-2011) là 25,271 tỷ đồng, tuy nhiên số tiền thực tế mà doanh nghiệp đã nộp trong năm 2010 chỉ là 4,647 tỷ đồng, Báo cáo dẫn loạt con số đáng lưu ý khác.

Nhưng đáng lưu tâm hơn, việc sử dụng nguồn phí bảo vệ môi trường không được thông báo rộng rãi. “Điều này dẫn đến một thực tế là người dân thường đổ lỗi cho doanh nghiệp về vấn đề ô nhiễm môi trường, trong khi doanh nghiệp đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước theo quy định của pháp luật”, Báo cáo ghi nhận từ thực tế.

Thực tế khảo sát cũng đưa VCCI đến kết luận, một nguồn vốn từ phí bảo vệ môi trường đôi khi không được sử dụng đúng mục đích, chẳng hạn dùng để xây dựng cơ sở hạ tầng không mang tính chất bảo vệ môi trường…

“Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tương đối đầy đủ về khai thác khoáng sản, dầu khí... Tuy nhiên, đang có những khoảng cách nhất định giữa những quy định của pháp luật và thực tiễn quản lý, giữa nội dung văn bản và việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính trong lĩnh vực khai thác khoáng sản. Nhiều nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật, chưa hoặc không được thực hiện”, VCCI kết luận.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate