Thảo luận ở tổ về dự án Luật Thuế tài nguyên sáng 21/10, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên “than” rằng việc xin khai thác mỏ rất dễ nên nhiều doanh nghiệp “tay không bắt giặc”. Điều này dẫn đến lãng phí tài nguyên và thất thu thuế.
Ông Nguyên cũng cho biết chỉ trong 4 năm qua các địa phương đã cấp 4.000 giấy phép khai thác khoáng sản, còn Bộ chỉ cấp hơn 100 giấy phép.
Cùng tổ đại biểu Hà Nội, doanh nhân Phạm Thị Loan lai cho rằng thực ra xin mỏ cũng không dễ, bởi phải đáp ứng nhiều điều kiện “ngoài luồng”, nhưng cuối cùng thì cũng xin được.
Dự án Luật Thuế tài nguyên được Chính phủ trình Quốc hội chiều 20/10. Với 4 chương 12 điều, luật này quy định về đối tượng chịu thuế, người nộp thuế, căn cứ tính thuế, kê khai, nộp thuế, miễn giảm thuế tài nguyên. Đây là một trong ba dự án luật dự kiến được thông qua theo quy trình một kỳ họp.
Báo cáo thẩm tra dự thảo luật này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã chỉ ra một số điểm bất cập. Như, việc giao Chính phủ quyết định mức thuế suất hiện hành là chưa hợp lý; biên độ khung thuế suất rộng, hay tài nguyên không tái tạo cần chịu mức thuế cao hơn.
Khung thuế suất được điều chỉnh theo hướng giảm mức thuế suất trần của khá nhiều nhóm tài nguyên cũng chưa nhận được sự đồng tình của ủy ban này.
Thảo luận ở tổ, nhiều ý kiến tán thành với quan điểm của cơ quan thẩm tra. Thẩm quyền quyết định các vấn đề thuộc chính sách thuế, trong đó có thuế suất thuế tài nguyên đương nhiên là của Quốc hội, vì đây là hiến định. Còn trong trường hợp thật đặc biệt thì Quốc hội có thể giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định thuế suất cụ thể.
Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường cho rằng để sử dụng tài nguyên một cách hợp lý thì nên tăng mức trần và sàn chịu thuế với tài nguyên không tái tạo và thu hẹp biên độ khung thuế suất.
Cùng quan điểm tiết kiệm tài nguyên, đại biểu Phạm Khôi Nguyên cho rằng mức thuế tại dự luật còn thấp hơn pháp lệnh Thuế tài nguyên hiện hành và có biên độ quá lớn.
Vị đại biểu này cũng chỉ ra một mâu thuẫn rất lớn ở nông thôn khi Luật Đất đai 1993 có hiệu lực. Khi chia đất có những hộ 10 người được 10 sào, hai người hai sào. Sau 20 năm thì hộ 10 người chỉ còn lại 2 người làm nông nghiệp nhưng vẫn giữ 10 sào. Hộ 2 người thì có thể đã thành 10 người nhưng vẫn chỉ có hai sào. Song lại không thể điều tiết được.
Để giải quyết mâu thuẫn này, bộ đang đề xuất giải pháp tính thuế đất nông nghiệp. Phải dùng cơ chế thuế để điều tiết lại đất nông nghiệp theo hướng nếu diện tích quá hạn mức bị đánh thuế, ông Nguyên nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền lại cho rằng, thuế chỉ là công cụ, không nên lạm dụng thuế để giữ tài nguyên. Bởi vì có nhiều loại tài nguyên chỉ phát huy được giá trị khi được khai thác.
Nếu chỉ thiên về tăng thu ngân sách và giữ tài nguyên thì chưa đúng với quan điểm xây dựng luật này, khi sử dụng công cụ thuế phải nhìn nhận toàn diện, ông Hiền phát biểu.
Cùng với một số ý kiến khác, đại biểu Phạm Thị Loan nhận xét, việc soạn thảo dự luật rất sơ sài, rất khó có thể thông qua tại kỳ họp này.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate