Tại “Diễn đàn Xúc tiến đầu tư và thương mại Việt Nam-Campuchia 2023” Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 56 năm (từ năm 1967), hai nước Việt Nam và Campuchia đã không ngừng xây dựng, vun đắp và phát triển mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực.
KẾT QUẢ ĐẦU TƯ CHƯA TƯƠNG XỨNG
Campuchia là một trong những địa bàn đầu tư ra nước ngoài sớm nhất và lớn nhất của Việt Nam. Hiện có hơn 200 dự án của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Campuchia, với tổng vốn đăng ký hơn 2,9 tỷ USD, có mặt ở hầu hết các ngành, trong đó tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, viễn thông, tài chính ngân hàng, sản xuất chế biến công nghiệp, y tế, thương mại, dịch vụ…
Campuchia là địa bàn lớn thứ 2 trong số 80 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam luôn duy trì vị trí hàng đầu ASEAN và trong tốp 5 nước đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Campuchia.
Đến nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện đầu tư, kinh doanh hiệu quả và thành công tại Campuchia, đóng góp cho sự phát triển kinh tế, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm, góp phần đào tạo nguồn nhân lực, cải thiện cơ sở hạ tầng tại một số địa phương…, được Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương Campuchia ghi nhận và đánh giá cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thẳng thắn cho rằng hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp cũng còn một số tồn tại, hạn chế và thách thức.
Đó là kết quả đầu tư chưa tương xứng với quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện giữa hai nước; quy mô vốn đầu tư có xu hướng giảm, chưa có thêm nhiều dự án lớn, mang tính chiến lược, tạo ra sự bứt phá trong hợp tác.
Một số dự án lớn có khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết kịp thời đã tác động đến hiệu quả đầu tư. Hơn nữa tiềm năng và dư địa hợp tác đầu tư theo chiều rộng dần bị thu hẹp đối với một số lĩnh vực như: thủy điện, khai thác, chế biến khoảng sản; nông lâm nghiệp quy mô lớn…
Ngoài ra những hạn chế về hạ tầng, nguồn nhân lực, sự thay đổi của hệ thống pháp luật, sự thiếu đồng bộ, nhất quán trong thực thi pháp luật ít nhiều ảnh hướng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
HOÀN THIỆN CƠ SỞ PHÁP LÝ, BẢO ĐẢM AN TOÀN CHO ĐẦU TƯ
Trong thời gian tới, Việt Nam mong muốn có sự đột phá trong hợp tác đầu tư với Campuchia. Do đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Campuchia thúc đẩy đầu tư vào các ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng ưu tiên của Campuchia như: công nghiệp chế biến chế tạo, năng lượng tái tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến có giá trị gia tăng cao, công nghiệp chế biến nông lâm sản, phát triển các đặc khu kinh tế, du lịch… nhất là ưu tiên hợp tác phát triển kinh tế tại khu vực biên giới hai nước.
Để làm được điều này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất các cơ quan nhà nước hai bên tích cực triển khai thực hiện các hiệp định, thỏa thuận đã ký kết giữa hai bên, tạo cơ sở pháp lý, bảo đảm an toàn cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh và khai thông các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Trong đó, ưu tiên nguồn lực triển khai “Khung thỏa thuận chung về kết nối hai nền kinh tế Việt Nam và Campuchia đến năm 2030” và khẩn trương hoàn thành Đề án “Quy hoạch kết nối hai nền kinh tế Việt Nam và Campuchia đến năm 2030”, sớm trình cấp có thẩm quyền hai nước phê duyệt để có cơ sở triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Campuchia cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Trong đó tập trung đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh, bảo đảm tính minh bạch, đồng bộ và thống nhất trong việc ban hành và thực thi pháp luật.
Đồng thời, ưu tiên đầu tư nâng cấp và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng quan trọng, có tính kết nối hai nền kinh tế, thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại giữa hai nước.
Ông Neak Okanha. Kith Meng, Chủ tịch Phòng Thương mại Campuchia và Chủ tịch Asean – Bac Campuchia, cho biết một số lĩnh vực đầy hứa hẹn sẽ mang đến những cơ hội đáng kể cho việc liên doanh và hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước như: lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, cơ sở hạ tầng, công nghệ, giáo dục và đào tạo…
Bên cạnh đó, Luật Đầu tư của Campuchia ban hành năm 2021 cung cấp khuôn khổ pháp lý rõ ràng và toàn diện cho hoạt động đầu tư vào nước này. Luật đưa ra nhiều ưu đãi, sự bảo đảm và biện pháp bảo vệ cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ông Sok Sopheak, Quốc vụ khanh Bộ thương mại Campuchia khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư Việt Nam đầu tư, kinh doanh trong các lĩnh vực có tiềm năng giá trị gia tăng cao như: ô tô, nông nghiệp hiện đại (như chế biến cao su, chế biến hạt điều), sản xuất thức ăn chăn nuôi, công nghiệp thực phẩm, điện tử, công nghệ số, nghiên cứu và phát triển, dịch vụ vận tải và hậu cần, công nghiệp sáng tạo, cũng như các ngành có liên kết ngược như sản xuất, linh kiện, lắp ráp bán thành phẩm...
Đối với lĩnh vực cao su và điều, ông Sok Sopheak khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cao su và điều tại Campuchia để tăng lợi nhuận sản xuất và tiếp cận các ưu đãi về thuế, thị trường và các ưu đãi khác của Chính phủ Hoàng gia.
“Chính phủ hai nước sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ và giải quyết các thách thức mà nhà đầu tư, doanh nghiệp phải đối mặt thông qua các cơ chế hiện có hoặc các cơ chế mới cần thiết”, ông Sok Sopheak cam kết.