Tại tọa đàm "Nâng cao chất lượng dịch vụ và định hướng xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm mới gắn với di sản – di tích, làng nghề theo tuyến du lịch trung tâm Hà Nội – Thanh Trì – Thường Tín – Phú Xuyên", ông Phan Huy Cường, Trưởng Phòng Quy hoạch, Sở Du lịch Hà Nội cho biết, Hà Nội đã đón 4 triệu lượt khách quốc tế và 20 triệu lượt khách nội địa trong năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 87.650 tỷ đồng, tăng 45,5% so với năm 2022.
Xác định, du lịch Thủ đô còn gặp nhiều khó khăn, nhiều đơn vị lữ hành, lưu trú chưa phục hồi hoàn toàn sau dịch Covid-19, ngành du lịch đặt ra chương trình hành động quyết liệt hơn. Theo Sở Du lịch Hà Nội, thành phố đặt mục tiêu phấn đấu số lượng khách du lịch đến Hà Nội năm 2024 đạt khoảng 26,5 triệu lượt khách, tăng 10,4% so với ước năm 2023.
Theo đó, trong hai ngày 26 và 27/12, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức khảo sát xây dựng hai tuyến du lịch mới “Khám phá Con đường di sản Nam Thăng Long”, tập trung khai thác thế mạnh di sản văn hóa, làng nghề ở các địa phương khu vực ngoại thành. Theo đó, hai tuyến du lịch gồm: Trung tâm Hà Nội – Thanh Trì – Thường Tín – Phú Xuyên và tuyến Trung tâm Hà Nội – Thanh Oai - Ứng Hòa – Mỹ Đức.
Tuyến du lịch Trung tâm Hà Nội – Thanh Trì – Thường Tín – Phú Xuyên sẽ gồm nhiều điểm đến, trong đó điểm nhấn là làng Ngâu (huyện Thanh Trì), làng Phúc Am (huyện Thường Tín) và làng Cựu (huyện Phú Xuyên). Làng Ngâu nổi tiếng với nghề nấu rượu, đình chùa Ngâu có kiến trúc đẹp. Ngoài thưởng lãm cảnh quan, di tích, khách còn được đến thăm các gia đình nấu rượu, đặc sản OCOP 4 sao rượu hoa cúc. Làng Phúc Am là làng nghề mã nổi tiếng. Còn làng Cựu là làng cổ danh tiếng với hàng chục ngôi nhà cổ với kiến trúc châu Âu giữa làng quê mộc mạc, thanh bình.
Trong khi đó, tuyến du lịch: Trung tâm Hà Nội – Thanh Oai - Ứng Hòa – Mỹ Đức sẽ tập trung vào các điểm di sản và làng nghề, đó là: Đình Nội Bình Đà (huyện Thanh Oai), làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa), nghề tơ tằm, tơ sen (huyện Mỹ Đức). Ở tuyến này, khách sẽ được tìm hiểu kiến trúc, giá trị văn hóa, lịch sử của ngôi đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân; làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu hiện đang là điểm đến thu hút đông du khách trong và ngoài nước; làng nghề tơ tằm, tơ sen Mỹ Đức. Đây là hai tuyến du lịch có nhiều lợi thế về cảnh quan sinh thái, di sản, làng nghề, làng cổ.
Ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội cho biết, tuyến du lịch Thanh Trì – Thường Tín – Phú Xuyên kết nối dựa trên trục giao thông quốc lộ 1A, với 3 điểm chủ đạo là làng Ngâu, làng Phúc Am và làng Cựu. Việc kết nối tuyến du lịch liên vùng nhằm đa dạng sản phẩm du lịch liên kết các địa phương với nhau, tạo thêm sản phẩm du lịch mới và thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch ở từng địa phương.
“Đây là tuyến du lịch rất nhiều tiềm năng để các đơn vị lữ hành khai thác cho cả dòng khách nội địa và quốc tế muốn tìm hiểu văn hóa Hà Nội. Tuyến này không chỉ giúp nâng cao hình ảnh du lịch cả 3 địa phương mà còn là cơ sở để các địa phương đề xuất, tăng cường công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa địa phương; kích thích phát triển các dịch vụ, thúc đẩy phát triển hạ tầng chung của địa phương. Bên cạnh đó, phát triển du lịch liên tuyến còn thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa, bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái của các địa phương, giúp cho việc phân phối khách ở điểm đông khách sang các điểm có ít du khách”, ông Thắng phân tích.
Anh Nguyễn Trọng Nghĩa, chủ cơ sở sản xuất Trọng Nghĩa tại làng nghề khảm trai nổi tiếng Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên), chia sẻ để thu hút khách đến với làng nghề, các cơ sở sản xuất tại đây đã mở thêm hoạt động trải nghiệm tại chỗ cho du khách như khảm trai trên bát dừa, đũa… “Kể từ khi thay đổi cách làm, tăng thêm hoạt động trải nghiệm cho du khách, làng nghề đã có khách đến tham quan chứ không còn vắng vẻ như hai năm trước”, anh Nghĩa cho biết.
“Hiến kế” để tuyến du lịch “Khám phá con đường di sản Nam Thăng Long” thêm hấp dẫn du khách, bà Trần Huyền Thanh, Giám đốc Công ty Du lịch Sen Rừng mong muốn 3 huyện cung cấp cho các doanh nghiệp sơ đồ tổng thể các làng nghề trên địa bàn huyện để doanh nghiệp khảo sát kỹ hơn, phục vụ thiết kế sản phẩm, tour du lịch. Bên cạnh đó, nếu các điểm du lịch không bán vé tham quan thì cần phải có cách thức bán được sản phẩm, đặc sản, quà lưu niệm của địa phương để người dân có thu nhập từ hoạt động du lịch. Như vậy mới có thể phát triển du lịch cộng đồng bền vững.
Góp ý cho các địa phương, bà Bùi Thị Nhàn, CEO Ecohost cho rằng 3 huyện cần có Quy hoạch sản phẩm du lịch, xây dựng chương trình tour 1 ngày sẽ có thể hút du khách từ trung tâm Hà Nội. Các huyện cần chọn phân khúc khách hàng để xây dựng sản phẩm phù hợp. Tương tự, ông Dương Xuân Tráng, Giám đốc Mai Việt Travel cho rằng, tuyến du lịch “Khám phá con đường di sản Nam Thăng Long” là khả thi để thu hút khách inbound, đặc biệt là khách châu Âu. Đơn cử, làng Ngâu có chùa Ngâu với gian thờ mẫu rất đẹp, lạ, độc đáo, khác biệt. Tuy nhiên, phần giới thiệu cần kỹ lưỡng, kể câu chuyện hấp dẫn. Bên cạnh đó, sản phẩm OCOP rượu hoa cúc tiến vua cũng cần được kể với một câu chuyện hấp dẫn.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, việc khảo sát, xây dựng hai tuyến du lịch này sẽ là cơ sở, tiền đề để từ đây các doanh nghiệp lữ hành tiếp tục hình thành thêm nhiều tour, tuyến du lịch khác kết nối các địa phương và các điểm du lịch để xây dựng sản phẩm mới, tăng trải nghiệm cho du khách. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, đây là hai tuyến du lịch mới được kỳ vọng sẽ mang đến “làn gió mới” cho hoạt động du lịch Thủ đô trong năm 2024.