May 18, 2023 | 07:28 GMT+7

Khẩn trương ban hành cơ chế hướng dẫn doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng tái tạo theo Quy hoạch điện 8

Vũ Khuê -

Quy hoạch điện 8 sẽ tạo tiền đề cho phát triển năng lượng điện tái tạo. Do đó, Chính phủ cần nhanh chóng ban hành cơ chế hướng dẫn để doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng tái tạo, đáp ứng được yêu cầu môi trường xanh từ các nước nhập khẩu…

Nhu cầu đầu tư, lắp đặt điện mặt trời mái nhà của các doanh nghiệp sản xuất rất lớn.
Nhu cầu đầu tư, lắp đặt điện mặt trời mái nhà của các doanh nghiệp sản xuất rất lớn.

Khẩn trương ban hành cơ chế hướng dẫn doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng tái tạo theo Quy hoạch điện 8

Tại toạ đàm “Năng lượng xanh cho doanh nghiệp: Tính cấp thiết và vấn đề đặt ra trong thực tiễn” ngày 17/5, các ý kiến đều nhận định Quy hoạch điện 8 là đòn bẩy cho năng lượng tái tạo phát triển đột phá thời gian tới, song cần nhanh chóng hoàn thiện khung chính sách.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng Quy hoạch điện 8 được ban hành ngày 15/5/2023 đã thống nhất chủ trương chiến lược phát triển cơ cấu nguồn điện theo đúng tinh thần Nghị quyết số 55 – NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà, điện mặt trời tự sản, tự tiêu.

Đặc biệt, Quy hoạch điện 8 nêu rõ, “điện mặt trời mái nhà được ưu tiên phát triển cho mô hình tự dùng nhằm phục vụ sản xuất, các doanh nghiệp cần không giới hạn công suất, với giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện có sẵn có, không phải nâng cấp lưới tải, nên cần ban hành chính sách đột phá để phát triển”.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI phát biểu tại toạ đàm.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI phát biểu tại toạ đàm.

Thực tế hiện nay, rất nhiều ngành sản xuất đang mong muốn được sử dụng năng lượng xanh để vận hành nhà máy và thực hiện chứng chỉ xanh, tiết kiệm chi phí hoạt động. Tuy nhiên hiện vẫn chưa có quy định, hướng dẫn đầu tư, lắp đặt cụ thể rõ ràng cho mô hình tự dùng. Các doanh nghiệp sản xuất còn lúng túng chưa chủ động được trong đầu tư và phát triển, chưa dám đầu tư lắp đặt.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng điện áp mái là vấn đề cấp thiết đối với cộng đồng doanh nghiệp. Vấn đề này không chỉ nằm trong lộ trình mà Chính phủ cam kết, yêu cầu về giảm phát thải, sản xuất xanh, mà còn liên quan đến vấn đề chi phí. Nếu thực hiện được các tiêu chí này chúng ta sẽ đạt điểm cộng, đặc biệt là nhiều điểm cộng hơn trong thương mại với các nước.

Cụ thể với ngành hàng thủy sản, hiện có gần 900 nhà máy trên toàn quốc có quy mô công nghiệp, trong đó hầu hết là đông lạnh. Vấn đề quan trọng nhất của các nhà máy là cấp đông – đưa nhiệt độ xuống -40 độ để bảo quản sản phẩm.

Bên cạnh đó là ngành trữ đông (kho lạnh), với hầu hết các kho lạnh đều sử dụng điện 380V… do đó, nhu cầu năng lượng rất lớn. Trong khi đó, ngành thuỷ sản phải thực hiện các cam kết với khách hàng về tiêu dùng xanh, tăng giá trị sản phẩm và lợi thế cạnh tranh.

Chính vì vậy, ông Nam một lần nữa khẳng định, câu chuyện điện áp mái với doanh nghiệp VASEP là rất cấp thiết. Song doanh nghiệp vẫn gặp khó khi lắp điện mặt trời áp mái cho nhà máy thủy sản và bao bì. Sự vướng mắc chính ở văn bản pháp quy, cụ thể là Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong đó hướng dẫn về lắp hệ thống điện áp mái cho doanh nghiệp.

“Do đó, với Quy hoạch Điện 8, chúng tôi mong muốn Chính phủ nhanh chóng ban hành cơ chế, hướng dẫn để doanh nghiệp đầu tư, đáp ứng được yêu cầu môi trường xanh từ các nước nhập hàng, thực hiện đúng lộ trình tăng trưởng xanh, phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn, đặc biệt giải quyết được vấn đề chi phí năng lượng”, ông Nam kiến nghị.

Đồng thời, ông Nam đề xuất các cơ quan chức năng và như Bộ Công Thương hỗ trợ về cơ chế để doanh nghiệp nhanh chóng đầu tư, lắp đặt điện mặt trời áp mái được đấu nối và có lắp đặt thiết bị chống phát ngược. Mặt khác, Chính phủ sớm ban hành chính sách mới về lắp đặt điện mặt trời áp mái, giúp các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong lắp đặt đầu tư.

Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cũng nhấn mạnh đến Quy hoạch điện 8 trong ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện. Nguồn điện này sẽ đạt tỉ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030. Mục tiêu là hướng tới đạt tỉ lệ năng lượng tái tạo 47% theo cam kết về chuyển đổi năng lượng công bằng với Việt Nam (JETP). Định hướng đến năm 2050, tỉ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%.

Quy hoạch điện 8 sẽ tạo tiền đề cho phát triển năng lượng điện tái tạo. Hoàn thiện khung thể chế pháp luật tạo điều kiện phát triển điện tái tạo, điện mái nhà, tự sản tự tiêu.

Mặc dù vậy, ông Việt cho rằng vấn đề đặt ra là không thể tự sản tự tiêu hoàn toàn, doanh nghiệp cần có sự dự trữ về năng lượng. Do vậy, việc đấu nối với điện lưới quốc gia cần được xem xét, cần có chính sách cho phép đấu nối.

Dù đã có quy định về các yếu tố kỹ thuật để kiểm soát, lắp đặt, sửa chữa điện năng lượng tái tạo, song thể chế chính sách rõ ràng, thủ tục để lắp đặt hệ thống mới, hay sửa chữa mất rất nhiều quy trình kèm theo. Đồng thời gây ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là với cơ sở, ngành xuất khẩu khi khách hàng có các yêu cầu về năng lượng sạch.

Theo ông Việt, để đạt được mục tiêu đề ra tại Quy hoạch điện 8, cần có cơ chế xác nhận cho người dân làm. Đồng thời, thảo luận, sửa đổi quy trình, thủ tục, tìm phương án tháo gỡ để có cơ chế chính sách phù hợp, bởi nếu không có phương án ngay chúng ta sẽ mất cơ hội.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate