Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) vừa có công văn yêu cầu doanh nghiệp phái cử thực hiện công tác bảo hộ thực tập sinh tại vùng có động đất tại Nhật Bản.
Thông qua đó, nhằm xác định sự an nguy của thực tập sinh/lao động Việt Nam ở các vùng bị ảnh hưởng và kịp thời ứng phó trước các tình huống khẩn cấp.
Theo đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước đề nghị các doanh nghiệp đưa thực tập sinh/lao động đến làm việc tại các tỉnh Ishikawa (nhất là vùng bán đảo Noto), Toyama, Niigata và Fukui khẩn trương thực hiện liên lạc ngay với thực tập sinh, người lao động đang làm việc tại các vùng bị ảnh hưởng bởi động đất.
Từ đó, nhằm nắm tình hình người lao động; thống kê số lượng thực tập sinh, lao động đang làm việc bị ảnh hưởng (nếu có), và những khó khăn gặp phải, cần được hỗ trợ gấp.
Các doanh nghiệp cũng cần phối hợp chặt chẽ với nghiệp đoàn quản lý, công ty tiếp nhận và các bên có liên quan nắm tình hình lao động và phương án ứng phó, hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do động đất, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người lao động, như tạm thời không cho ở trong các nhà cũ, không chắc chắn, có nguy cơ đổ sập do động đất...
Đồng thời, duy trì liên lạc với thực tập sinh/lao động để kịp thời hướng dẫn các biện pháp phòng chống động đất, lánh nạn trong trường hợp khẩn cấp. Thông báo tới người lao động số điện thoại liên lạc khẩn cấp tại Nhật Bản của Ban quản lý lao động: +81.70.1479.6888 và Đại sứ quán Việt Nam tại Tokyo: +81.80.3590.9136.
Các doanh nghiệp cũng thường xuyên báo cáo Cục Quản lý lao động ngoài nước và Ban Quản lý lao động Nhật Bản về những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình hỗ trợ thực tập sinh/lao động vùng bị động đất để được hướng dẫn và phối hợp giải quyết.
Trước đó, vào chiều ngày 1/1/2024, tại bán đảo Noto, tỉnh Ishikawa, Nhật Bản đã xảy ra động đất có cường độ 7,6 độ, làm rung chuyển nhiều tỉnh, thành phố vùng Hokuriku.
Cơ quan khí tượng Nhật Bản ban bố cảnh báo sóng thần và yêu cầu người dân sống ở gần bờ biển, nhất là các tỉnh Ishikawa, Toyama, Niigata lập tức sơ tán. Các tỉnh duyên hải tây Nhật Bản gồm Yamagata, Hokkaido, Tottori, Saga... cũng được cảnh báo sóng thần.
Chiều tối cùng ngày, sóng thần cao 1,2m đã ập vào Ishikawa, các sóng thần khác nhỏ hơn đã ập vào Niigata, Toyama, Hokkaido.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Nhật Bản hiện là một trong những thị trường xuất khẩu lao động trọng điểm của Việt Nam. Đến nay đã có hơn 500.000 lao động Việt Nam sang làm việc tại nước này theo các chương trình: thực tập kỹ năng; lao động đặc định; đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang Nhật Bản làm việc trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (EPA); lao động là kỹ thuật viên, phiên dịch viên.
Năm 2023 ghi dấu số lượng lao động Việt Nam cao nhất từ trước đến nay về cả số lượng người đi hàng năm sang Nhật Bản (dự kiến khoảng 85.000) và cả số lượng đang làm việc tại Nhật Bản (trên 300.000 người).
Nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có thị trường Nhật Bản, trong năm 2024, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, sẽ tiếp tục theo dõi, nắm bắt thông tin về lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, doanh nghiệp.
Cũng tại Nghị quyết số 225/NQ-CP Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 20 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới, Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý, bảo hộ công dân, ổn định và phát triển thị trường tại các địa bàn trọng điểm.
Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn người lao động tuân thủ pháp luật và giải quyết các vấn đề phát sinh trong thời gian người lao động làm việc ở nước ngoài…