Tại Nghị quyết số 88/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2023 trực tuyến với địa phương, Chính phủ yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương khắc phục hiệu quả tình trạng thiếu điện cục bộ ở miền Bắc.
Mặt khác, nghiên cứu, đàm phán có kết quả đối với các dự án, phần dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, góp phần xử lý tình trạng thiếu điện.
Cũng tại Nghị quyết này, Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tập trung triển khai hiệu quả Quy hoạch điện VIII; chủ động điều tiết, bảo đảm ổn định nguồn điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt trong mùa cao điểm nắng nóng, khắc phục tình trạng thiếu điện; rà soát, hướng dẫn, sớm cấp phép hoạt động cho các dự án năng lượng tái tạo đủ điều kiện, để sớm đưa các dự án này vào vận hành với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Đồng thời, các địa phương được yêu cầu chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo.
Theo đó, mọi tổ chức, cá nhân được yêu cầu nghiêm túc, quyết liệt thực hiện triển khai việc tiết kiệm điện trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt hằng ngày nhằm đạt mục tiêu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ trong giai đoạn 2023-2025; giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 6% vào năm 2025; giảm bớt công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia thông qua thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM) và điều chỉnh phụ tải điện (DR), ít nhất 1.500 MW vào năm 2025.
Theo thông tin từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, đến ngày 10/6 công suất nguồn điện miền Bắc sẽ có phần cải thiện và đưa vào vận hành trở lại tổng cộng khoảng 1.000 MW, chủ yếu nhờ một số tổ máy nhiệt điện bị sự cố (Quảng Ninh, Nghi Sơn 1, Thái Bình 2) đã được khẩn trương xử lý khắc phục.
Ngoài ra, trong vài ngày qua một số khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa nhỏ nên một số hồ thủy điện nhỏ có thêm nước để cải thiện phát điện.
Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn liên tục đôn đốc, tìm mọi giải pháp để tăng cường vận hành các nguồn nhiệt điện nhằm ứng phó với tình trạng các hồ thủy điện lớn thiếu hụt nước.
Tại buổi làm việc với Đoàn thanh tra chuyên ngành về quản lý và cung ứng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, năng lượng nói chung, điện nói riêng không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề liên quan đến an ninh, an toàn quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Vì vậy, để xảy ra tình trạng thiếu điện dù bất kỳ lý do gì cũng cần chỉ rõ nguyên nhân, tìm giải pháp khắc phục, xử lý thỏa đáng, kịp thời.
Để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng giao, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Đoàn thanh tra làm việc công tâm, khách quan dựa trên quy định của pháp luật và quy định, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, cơ quan chức năng; tình hình và kết quả thực hiện của EVN.
Theo đó, cần làm rõ việc cung ứng, chủ động nhiên liệu cho các nhà máy điện; vận hành hệ thống điện; huy động các nguồn điện (về mặt kỹ thuật), tính công bằng; vấn đề truyền tải điện; thực hiện huy động các nguồn năng lượng tái tạo chuyển tiếp.
“Đoàn thanh tra cần tiến hành khẩn trương, quyết liệt trong thời gian 30 ngày kể cả ngày nghỉ”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo, đồng thời giao Chánh Thanh tra Bộ, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Vụ trưởng Vụ Pháp chế trực tiếp giám sát đoàn Thanh tra để có kết luận chính xác, khách quan. Phân công Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân thay mặt Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo cuộc thanh tra này.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu cần khẩn trương xây dựng kế hoạch thanh tra, đề cương báo cáo. Cùng với việc lập Đoàn thanh tra, cũng cần tiến hành việc lập Đoàn giám sát thanh tra.
“Yêu cầu Đoàn thanh tra cần bắt tay ngay vào công việc kể từ ngày 10/6/2023”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo.