Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 do Kho bạc Nhà nước vừa tổ chức, bà Trần Thị Huệ, Phó Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước, cho biết hệ thống Kho bạc Nhà nước hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, chuyên môn 6 tháng đầu năm 2022, đóng góp vào thành tích chung của ngành tài chính.
Tính đến hết ngày 30/6, lũy kế thu ngân sách nhà nước trong cân đối đạt 941.344 tỷ đồng, bằng 66,68% so với dự toán năm 2022, cao hơn so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 đạt 58,03% so với dự toán).
Cụ thể, Kho bạc Nhà nước tiếp tục nghiên cứu các giải pháp nhằm tiếp tục cải cách công tác thu ngân sách nhà nước như: mở rộng địa bàn bắt buộc thanh toán cá nhân qua tài khoản; triển khai đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước; tiếp tục mở rộng phối hợp thu ngân sách nhà nước với các ngân hàng thương mại.
Cùng với đó, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan tiếp tục triển khai thu ngân sách nhà nước trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện để triển khai hoàn trả các khoản thu ngân sách nhà nước trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; trình Chính phủ cho phép các đơn vị thuộc Bộ Công an thí điểm mở tài khoản tạm thu phí tại ngân hàng thương mại để thực hiện thu và hoàn trả phí thực hiện các dịch vụ công của Bộ Công an.
Qua đó, "góp phần tập trung nhanh nguồn thu, thanh toán chi trả kịp thời cho ngân sách nhà nước, hỗ trợ người nộp thuế, đảm bảo an toàn, hiệu quả trong quản lý ngân sách nhà nước và hạn chế tối đa việc sử dụng tiền mặt trong hoạt động giao dịch với Kho bạc Nhà nước", bà Huệ cho hay.
Cùng với đó, với tinh thần chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và đơn vị sử dụng ngân sách trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, hệ thống Kho bạc Nhà nước triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực để góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu của các đơn vị sử dụng ngân sách, song vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ các khoản chi ngân sách nhà nước theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với chi thường xuyên, tính đến hết ngày 30/6, hệ thống Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát khoảng 442.342 tỷ đồng, bằng 39,8% dự toán chi thường xuyên của ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước.
Đối với chi đầu tư, tính đến ngày 30/6, lũy kế thanh toán vốn đầu tư công năm 2022 kiểm soát qua Kho bạc Nhà nước là 156.100 tỷ đồng, bằng 26,8% tổng nguồn vốn thuộc kế hoạch vốn kéo dài và kế hoạch vốn năm 2022 Thủ tướng Chính phủ giao.
Đồng thời, kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước 582.987 tỷ đồng, bằng 24,9% tổng nguồn vốn thuộc kế hoạch vốn kéo dài và kế hoạch vốn năm 2022 Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh giao, kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước (626.536 tỷ đồng).
Công tác điều hành ngân quỹ của Kho bạc Nhà nước từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài chính của Nhà nước, đảm bảo khả năng thanh toán, chi trả đầy đủ, kịp thời cho các cấp ngân sách và các đơn vị mở tài khoản giao dịch tại Kho bạc Nhà nước tại mọi thời điểm.
Kho bạc Nhà nước cũng bám sát diễn biến của thị trường tài chính tiền tệ, tình hình thu, chi ngân sách trung ương, tồn ngân quỹ nhà nước để chủ động báo cáo, đề xuất với Bộ Tài chính các giải pháp để tổ chức triển khai công tác huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu chính phủ.
Tính đến ngày 30/6/2022, Kho bạc Nhà nước huy động được 69.087 tỷ đồng, đạt 17,3% kế hoạch năm Bộ giao (400.000 tỷ đồng); kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ bình quân là 14,75 năm; lãi suất phát hành bình quân là 2,45%/năm; kỳ hạn còn lại của danh mục trái phiếu chính phủ là 9,2 năm.
Kho bạc Nhà nước cũng quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch Quỹ vaccine phòng Covid – 19. Số dư quỹ cuối ngày 30/6 là 1.497,77 tỷ đồng.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hệ thống trong thời gian tới, Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước Trần Quân yêu cầu các đơn vị khẩn trương hoàn thiện và trình Bộ Tài chính ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030.
Đồng thời, chủ động rà soát các nội dung liên quan đến hoạt động nghiệp vụ để đề xuất các quy định cần sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi, tạo nền tảng để củng cố hành lang pháp lý cho các hoạt động của hệ thống trong thời gian tới; tập trung xây dựng, hoàn thành các đề án, chính sách, nhiệm vụ trọng tâm được giao.
Tiếp tục phối hợp với các ngân hàng thương mại để triển khai mở rộng phối hợp thu ngân sách nhà nước và thanh toán song phương điện tử theo lộ trình được phê duyệt.
Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước cũng yêu cầu các đơn vị Kho bạc Nhà nước tiếp tục phối hợp với các ngân hàng thương mại để triển khai mở rộng phối hợp thu ngân sách nhà nước và thanh toán song phương điện tử theo lộ trình đã được Bộ Tài chính phê duyệt, vừa tạo thuận lợi cho các đối tượng nộp thuế, vừa thu nhanh, kịp thời các khoản thu về cho ngân sách nhà nước.
Một số nhiệm vụ trọng tâm khác cũng được Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước Trần Quân yêu cầu các đơn vị tập trung thực hiện trong thời gian tới như: xây dựng, hoàn thiện đề án định hướng công tác thanh tra, kiểm tra Kho bạc Nhà nước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, làm cơ sở để cải cách, đổi mới đồng bộ, toàn diện hoạt động thanh tra, kiểm tra của hệ thống Kho bạc Nhà nước.
Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa Kho bạc Nhà nước…