Tháng 4 năm nay, Khoa Nhi Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư đã tiếp nhận điều trị bệnh nhân nam 15 tuổi ở Thanh Hóa được chẩn đoán viêm xương tủy do vi khuẩn tụ cầu vàng kháng methicillin. Th.S-BS Trần Văn Bắc, Phó trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, đánh giá đây là ca bệnh hiếm gặp vì bệnh nhân còn trẻ, không có bệnh lý gì trước đây mà bị nhiễm vi khuẩn kháng thuốc ở ngoài cộng đồng.
Tại BV Chợ Rẫy (TP.HCM), các ca bệnh nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh không hiếm gặp. "Với bệnh nhân đa kháng thì mỗi ngày phải sử dụng thuốc kháng sinh, kháng nấm hơn 20 triệu đồng. Cộng với các chi phí khác thì số tiền điều trị cho bệnh nhân có thể lên đến vài tỉ đồng", TS-BS Phạm Minh Huy, Phó khoa ICU BV Chợ Rẫy, thông tin.
Theo TS-BS Huy, hầu như bệnh nhân nào chuyển viện đến ICU BV Chợ Rẫy (bệnh nhân nặng, suy giảm miễn dịch, lớn tuổi, có bệnh nền) thì tỷ lệ đa kháng cao, có trường hợp kháng 2 - 3 loại kháng sinh, có trường hợp toàn kháng. Với những trường hợp như vậy, bác sỹ phải phối hợp nhiều loại kháng sinh nhưng tỷ lệ điều trị thành công cũng không cao.
VI KHUẨN KHÁNG THUỐC LIÊN TỤC XUẤT HIỆN
Mới đây, tại hội nghị khoa học quốc tế lần 1 tổ chức ở TP Thủ Đức, giáo sư Stephen Baker, Đại học Cambridge (Anh), cho rằng ước tính đến năm 2025, kháng kháng sinh là nguyên nhân tử vong lớn hơn cả ung thư trên toàn cầu, trong bối cảnh thế giới đang ở thời kỳ không có nhiều lựa chọn thuốc kháng sinh, một thuốc mới đưa ra thị trường chừng 3 năm thì đề kháng kháng sinh xuất hiện.
Đặc biệt, kháng kháng sinh là vấn đề lớn của châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á, nơi việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi rất phổ biến. Trong hơn 10 năm phối hợp nghiên cứu tại Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, giáo sư Baker nhận thấy vấn đề nổi cộm là việc tiếp cận kháng sinh của người dân quá dễ dàng.
"Đây là một tai họa", ông nói. Đơn cử, vi khuẩn klebsiella pneumoniae thường trú đường ruột ở người, đã trở nên kháng kháng sinh và gây ra nhiều bệnh nghiêm trọng. Nhiều vi khuẩn đang kháng tất cả loại thuốc hiện có, đôi khi kết hợp nhiều loại mới điều trị cầm cự được.
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM, cho biết sau "kỷ nguyên vàng" (thập niên 50 – 60), các kháng sinh được phát minh càng lúc càng ít, hiệu quả kém dần theo thời gian. Hiện nay, 5 - 10 năm mới có một kháng sinh mới và đa số vi khuẩn đều sẽ kháng thuốc sau một thời gian ngắn từ lúc thuốc ra đời. "Các dòng vi khuẩn kháng thuốc liên tục xuất hiện", bác sĩ Châu nói. Điều này tạo nên gánh nặng dịch bệnh trong tương lai, khiến bệnh nhiễm trùng vẫn là thách thức bất tận toàn cầu.
Trước đó, tại hội thảo khoa học “Quản lý đề kháng kháng sinh và nhiễm khuẩn hô hấp”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, trong bối cảnh một số dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành trở lại và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu hiện nay, nhiễm khuẩn hô hấp cũng là một thách thức lớn đối với hệ thống y tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Nước ta ghi nhận hàng chục ngàn ca nhiễm khuẩn hô hấp mỗi năm, đặc biệt là ở trẻ em và người cao tuổi, gây áp lực đến cả hệ thống y tế.
Để hạn chế tình trạng kháng thuốc nhiều tỉnh thành đã đồng loạt đưa ra các mục tiêu cụ thể thực hiện Chiến lược Quốc gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2023 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Điển hình, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra chỉ chỉ tiêu tỷ lệ hiểu biết đúng về phòng, chống kháng thuốc ở người trưởng thành, bà mẹ, đạt ít nhất là 50% vào năm 2025 và ở nhân viên y tế, nhân viên thú y đạt ít nhất là 60% vào năm 2025.
Tương tự, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh cũng đặt ra mục tiêu chung là đảm bảo sự sẵn có, liên tục các thuốc kháng vi sinh vật; sử dụng thuốc kháng vi sinh vật hợp lý để điều trị hiệu quả các bệnh truyền nhiễm ở người và động vật. Tỉnh Nghệ An phấn đấu có ít nhất 1 bệnh viện tham gia hệ thống giám sát quốc gia về kháng thuốc ở người vào năm 2025 và ít nhất 02 bệnh viện tham gia hệ thống giám sát quốc gia về kháng thuốc ở người vào năm 2030…
CẦN SỰ TỰ GIÁC CỦA NGƯỜI DÂN
Theo Bộ Y tế, Việt Nam đang đứng trong nhóm những nước có tỷ lệ kháng thuốc cao nhất thế giới. Phần lớn kháng sinh được bán tại nhà thuốc không có đơn của bác sĩ, trong khi những người bán thuốc lại thường không có kinh nghiệm. Một số người đi khám, sử dụng kháng sinh theo chỉ định bác sĩ nhưng thấy chỉ cần uống thuốc 2 - 3 ngày thấy hiệu quả, khỏi rồi thì tự động ngưng thuốc, không uống đủ liều. Hoặc có người đi khám bác sĩ này, uống một vài ngày chưa thấy đỡ lại đi khám bác sĩ khác, được cho đơn thuốc khác, đổi thuốc liên tục, gây nhiều nguy cơ về đề kháng kháng sinh.
Hàng năm, trên thế giới có hàng triệu người chết do kháng thuốc, trong đó có 1,4 triệu trẻ em. Nếu kháng thuốc, người bệnh phải nằm viện lâu hơn và tỷ lệ tử vong tăng ở tất cả các nhóm tuổi. Các chuyên gia cho rằng cần có chiến lược tiếp cận vấn đề này bao quát trên nhiều "mặt trận" khác nhau. Trước hết, khi người dân có vấn đề sức khỏe, cần đến các cơ sở y tế để khám chữa bệnh. Chỉ mua và sử dụng kháng sinh theo đơn, theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
Dùng kháng sinh đủ liều, đủ thời gian, không bỏ dở giữa chừng khi thấy sức khỏe khá hơn. Không sử dụng kháng sinh thừa của lần điều trị trước, hoặc thuốc theo đơn của người khác. Phòng tránh lây nhiễm vi khuẩn bằng cách thường xuyên rửa tay, che miệng khi ho, hắt hơi, chế biến và sử dụng thực phẩm an toàn, hạn chế tiếp xúc người bệnh, tiêm chủng đúng hạn... Nâng cao sức khỏe để chống lại bệnh tật như tập thể dục thường xuyên, cung cấp dinh dưỡng đấy đủ chất, ngủ đủ giấc, rèn luyện thói quen sống lành mạnh...
Đồng thời, giáo sư Rogier van Doorn, giám đốc Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford tại Hà Nội (OUCRU - Hà Nội) cho rằng không có một giải pháp đơn giản nào để giảm kháng kháng sinh mà cần sự kết hợp nhiều biện pháp, bao gồm giáo dục và nâng cao nhận thức (của cả bác sĩ, dược sĩ và người dân), từng bước hạn chế sử dụng kháng sinh, bán kháng sinh đồng thời đưa ra các lựa chọn thay thế.
“Hiện nay, Việt Nam đang làm rất tốt việc bao phủ vaccine phòng bệnh đối với trẻ em. Trong đó, có một loại vaccine có tác động trực tiếp đến giảm thiểu kháng kháng sinh là vaccine Hib, bởi vaccine này làm giảm trực tiếp nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp, trong khi người dân Việt Nam thường sử dụng kháng sinh cho các bệnh đường hô hấp,” giáo sư Rogier van Doorn nói.
“Vaccine sởi cũng có tiềm năng giúp giảm thiểu kháng kháng sinh tại Việt Nam khi giảm số ca mắc bệnh sởi, giảm số ca bệnh nhiễm khuẩn thứ phát. Trong tương lai, Việt Nam sẽ bổ sung thêm vaccine rota, phế cầu, cúm… vào chương trình, góp phần đáng kể vào giảm thiểu kháng kháng sinh tại Việt Nam”.