UBND tỉnh Khánh vừa ban hành hai quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
KHÁNH SƠN – ĐIỂM NGHỈ DƯỠNG SINH THÁI RỪNG
Theo đó, tại Quyết định số 2021 của UBND tỉnh Khánh Hòa, vùng huyện Khánh Sơn được quy hoạch với tổng diện tích khoảng 33.853 ha. Toàn huyện có 08 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm: thị trấn Tô Hạp và 07 xã: Thành Sơn, Sơn Lâm, Sơn Hiệp, Sơn Trung, Sơn Bình, Ba Cụm Bắc, Ba Cụm Nam.
Ranh giới cụ thể có phía Đông giáp TP. Cam Ranh và huyện Cam Lâm; phía Bắc giáp huyện Khánh Vĩnh; phía Tây và Nam giáp huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận.
Quy hoạch xây dựng huyện Khánh Sơn trở thành vùng du lịch sinh thái, với những giá trị sinh thái cảnh quan và văn hoá đặc trưng và độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc, lồng ghép không gian sinh thái nông – lâm nghiệp, trong đó, việc xây dựng thị trấn Tô Hạp trở thành trung tâm dịch vụ lữ hành và lưu trú.
Phát triển đô thị hài hòa, kết hợp giữa các khu vực hiện hữu và các không gian phát triển mới, giữa đô thị và nông thôn. Khai thác và bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, gắn với hệ thống mặt nước.
Bên cạnh đó, phát triển hệ thống đô thị theo mô hình tiểu vùng sinh thái rừng. Hình thành các đô thị có mật độ cây xanh, sinh thái cao, thân thiện với thiên nhiên, giảm tỷ lệ giao thông cơ giới trong đô thị, gia tăng hệ thống đường xe đạp, đi bộ, giao thông công cộng. Kiến tạo các vành đai xanh, áp dụng thiết kế vườn trên mái, hạ tầng xanh, nhằm từng bước trở thành một điểm đến độc đáo của Khánh Hòa.
Vùng huyện Khánh Sơn hướng tới trở thành một điểm đến nghỉ dưỡng của các không gian sinh thái, văn hóa có giá trị cao, sẽ là trung tâm du lịch vùng núi đặt trọng tâm khai thác khía cạnh văn hóa di sản “Đàn đá Khánh Sơn” và “Văn hóa cồng chiêng”...
Theo quy hoạch, đến năm 2030, vùng huyện Khánh Sơn có quy mô dân số khoảng 48.000 người, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 21,9%. Đến năm 2050, dân số khoảng 90.000 người, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 34%. Dự báo đất xây dựng đến năm 2030 khoảng 1.000-3.000 ha và đến năm 2050 khoảng 5.000-7.000 ha.
KHÁNH VĨNH – DU LỊCH GẮN VỚI NÔNG NGHIỆP SẠCH
Trong khi đó, theo Quyết định số 1986, huyện Khánh Vĩnh được quy hoạch với tổng diện tích hơn 116.642 ha, có 14 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm: thị trấn Khánh Vĩnh và 13 xã: Cầu Bà, Giang Ly, Khánh Bình, Khánh Đông, Khánh Hiệp, Khánh Nam, Khánh Phú, Khánh Thành, Khánh Thượng, Khánh Trung, Liên Sang, Sơn Thái, Sông Cầu.
Ranh giới cụ thể có phía Đông giáp huyện Diên Khánh và huyện Cam Lâm; phía Tây giáp tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Lâm Đồng, phía Nam giáp huyện Khánh Sơn và tỉnh Ninh Thuận; phía Bắc giáp thị xã Ninh Hòa và tỉnh Đắk Lắk.
Quy hoạch huyện Khánh Vĩnh gắn với quá trình phát triển kinh tế công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, dịch vụ, du lịch. Khai thác tiềm năng của khu vực đồi núi, đồng bằng. Có hệ thống giao thông kết nối tốt nội vùng huyện với tỉnh…
Về tính chất, chức năng, vùng huyện Khánh Vĩnh sẽ phát triển kinh tế theo hướng bền vững, lấy nông nghiệp làm nền tảng để ổn định kinh tế - xã hội, phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế về nguồn nguyên liệu, các ngành nghề truyền thống, phát triển các ngành nghề mới để tạo việc làm cho người lao động.
Hệ thống đô thị của huyện phát triển theo mô hình tiểu đô thị sinh thái núi rừng, ưu tiên phát triển chú trọng hình thành các đô thị có mật độ cây xanh sinh thái cao, thân thiện với thiên nhiên, tận dụng lợi thế về điều kiện khí hậu và hệ thống rừng đặc trưng; Đề xuất phát triển các khu, cụm công nghiệp tập trung, phát triển công nghiệp chế biến làm mũi nhọn, đẩy mạnh tiểu thủ công nghiệp truyền thống
Quy hoạch cũng định hướng phát triển huyện Khánh Vĩnh là trung tâm du lịch và văn hóa - sinh thái gắn với sản xuất nông nghiệp sạch, trong đó cần bảo tồn đa dạng sinh học rừng.
Dự báo đến năm 2030, dân số huyện Khánh Vĩnh đạt khoảng 65.940 người; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 18,2%. Đến năm 2040, dân số đạt khoảng 85.620 người, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 21%. Đến năm 2050, dân số đạt khoảng 94.000 người; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 22,3%.