May 24, 2024 | 15:49 GMT+7

Khi cổ phiếu UPCoM nổi sóng

Thu Minh -

Sự luân chuyển dòng tiền liên tục từ nhóm vốn hóa lớn sang nhóm vốn hóa vừa và nhỏ kết hợp với những câu chuyện riêng đã làm sống dậy nhiều cổ phiếu trên UPCoM. Có những cổ phiếu liên tiếp lập kỷ lục về giá, phá đỉnh này sang đỉnh khác, vốn hóa thị trường lên top...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đầu tiên phải nhắc đến cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam. ACV mới đây đã ra tin lợi nhuận tăng kỷ lục hơn 2.920 tỷ đồng trong quý 1 vừa qua. Ngay sau khi ra tin, cổ phiếu ACV bật tăng liên tục với nhiều phiên thanh khoản đột biên như phiên 2/5 hơn 1 triệu cổ phiếu sang tay. Đến phiên 23/5, thị giá ACV lập kỷ lục 100.000 đồng/cổ phiếu vốn hóa thị trường vượt nhiều ông lớn trên sàn hiện đang 214.865 tỷ đồng chỉ đứng sau Vietcombank vốn hóa 506.371 tỷ đồng; BID 284.451 tỷ đồng.

Tương tự, một cổ phiếu khác trên sàn là VGI của Viettel Global cũng đang làm mưa làm gió thị trường khi lọt top 3 cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất sàn nhờ lợi nhuận tăng trưởng đột phá.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2024 của VGI ghi nhận lợi nhuận đạt 1.633 tỷ đồng tăng 175% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu do hầu hết các công ty thị trường đều tăng trưởng tốt trong kinh doanh; doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty thị trường tăng trưởng mạnh gồm Movitel tại Mozambique tăng 22%; Natcom tại Haiti tăng 18%; Telemor tại Đông Timor tăng 7%; Unitel tại Lào tăng 24%... Ví điện tử cũng tăng trưởng ấn tượng tại các thị trường quốc tế.

Ngày 5/6 tới đây, VGI sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 tại TP. Hà Nội. Tài liệu họp đã được công bố. Theo đó, Viettel Global dự trình cổ đông thông qua kế hoạch 2024 với tổng doanh thu hợp nhất 31.746 tỷ và lợi nhuận trước thuế hợp nhất 5.477 tỷ, trong đó mức lợi nhuận tăng 41% so với thực hiện năm trước. Tính tới thời điểm 31/12/2023, công ty có khoản lỗ luỹ kế hơn 3.377 tỷ đồng do những khoản thua lỗ nặng giai đoạn trước 2018. Như vậy nếu hoàn thành mục tiêu lãi trước thuế gần 5.500 tỷ, không loại trừ khả năng công ty sẽ thành công xoá lỗ luỹ kế trong năm 2024 này.

Trên thị trường, cổ phiếu VGI leo hết đỉnh này tới đỉnh khác. Tính từ đầu năm đến nay thị giá VGI tăng hơn 3 lần, có phiên đạt 94.200 đồng/cổ phiếu vốn hóa vượt cả BID chỉ đứng sau Vietcombank. Tuy nhiên, hiện tại sau 2 phiên giảm giá, vốn hóa VGI tạm lùi về vị trí thứ ba 269.377 tỷ đồng chỉ đứng sau Vietcombank và BID.

Một nhân tố xuất sắc nữa trên sàn UPCoM được réo tên là BSR của Lọc hóa Dầu Bình Sơn. Cổ phiếu BSR tăng liên tiếp gần 10 phiên hiện đang ở vùng đỉnh 2 năm 22.700 đồng/cổ phiếu. Tính trong vòng 1 tuần thị giá BSR tăng gần 16%. Vốn hóa thị trường cũng theo đó tăng thêm hơn 13.600 tỷ lên mức gần 70.000 tỷ đồng (~2,9 tỷ USD).

Về kết hoạch kinh doanh năm 2024, BSR đặt mục tiêu tổng doanh thu hơn 95.274 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế trên 1.148 tỷ đồng, lần lượt giảm 37% và 87% so với kết quả thực hiện năm ngoái. Quý đầu năm 2024, BSR ghi nhận doanh thu 30.689 tỷ đồng, giảm gần 10% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ chi phí, BSR lãi sau thuế 1.115 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ 2023. Với kết quả đạt được, công ty gần như đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm đề ra.

Doanh nghiệp đang xây dựng phương án tăng vốn điều lệ từ 31 ngàn lên 50 ngàn tỷ đồng (dự kiến tăng vốn dưới phương thức chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu) để trình cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Đây là kỳ vọng để BSR có đủ nguồn vốn chủ phục vụ Dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc Dầu Dung Quất, đảm bảo vốn chủ chiếm tối thiểu 60% tổng mức đầu tư của dự án. Phần vốn vay sẽ được thu xếp từ nguồn vay ECA, thương mại trong nước và quốc tế, cũng như các nguồn vốn phù hợp, khả thi khác.

Một vấn đề đáng chú ý khác, BSR cho biết sẽ tiếp tục triển khai việc chuyển 3,1 tỷ cổ phiếu (PetroVietnam nắm gần 2,9 tỷ cổ phiếu) từ sàn UPCoM sang niêm yết trên HOSE. Dự kiến, hoạt động này sẽ được thực hiện trong năm nay. Việc chuyển niêm yết sang HOSE được kỳ vọng sẽ nâng cao tính minh bạch, tăng thanh khoản cũng như giá cổ phiếu và khả năng tiếp cận các nhà đầu tư lớn, mang lại tiềm năng thu hút vốn cho BSR.

Tăng trưởng theo nhóm vốn hóa. 
Tăng trưởng theo nhóm vốn hóa. 
Những cổ phiếu trên là động lực xoay chuyển dòng tiền từ cổ phiếu nhóm vốn hóa lớn về nhóm vốn hóa nhỏ. Nhiều cổ phiếu penny, trà đá cũng bật tăng mạnh trong giai đoạn vừa qua. Tính từ vùng đáy tháng 4, chỉ số VnSmall-cap hồi phục tăng trưởng hơn 10% trong khi Vn30 chỉ tăng 7,5%.

Chuyên gia chứng khoán Nguyễn Thế Minh cho rằng thông thường penny là nhóm tăng trưởng cuối cùng của thị trường.

Nhà đầu tư ưa thích nhóm penny giai đoạn này có hai lý do chính. Thứ nhất biên độ dao động của cổ phiếu lớn, nếu như cổ phiếu vốn hóa lớn tăng 10% trong vòng 1 tuần thì penny có thể tăng gấp đôi. Thứ hai, dòng tiền vào nhóm vốn hóa lớn sau khi tìm kiếm cơ hội và chốt lời thành công rồi sẽ dịch chuyển sang nhóm penny.

Tuần trước, nhóm Midcap cũng có sức bật tăng tốt nhờ đó penny cũng hưởng lợi theo xu hướng này.

Tuy nhiên, nhóm này đặc tính là dòng đầu cơ cao, không đi kèm câu chuyện hấp dẫn. Mức độ thông tin minh bạch cũng kém, thường được làm giá theo hình thức báo cáo tài chính, lúc công bố tin đặc kế hoạch khủng nhưng hầu như chẳng có năm nào đạt được. Nhóm này cũng thường có câu chuyện tạo sóng chỉ phù hợp dành cho nhà đầu tư khẩu vị rủi ro cao, nhà đầu tư không lướt sóng chuyên nghiệp thì khó để kiếm lời.

"Một khi dòng tiền tìm kiếm đến nhóm vốn hóa nhỏ, giống như đi chợ kiếm lời nhóm vốn hóa lớn xong rồi thì vét nốt số cổ phiếu nhỏ còn lại, thông thường đó là tín hiệu cảnh báo rủi ro", ông Minh nói.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate