May 20, 2024 | 16:38 GMT+7

Thấy gì từ sự trỗi dậy bất ngờ của nhóm cổ phiếu "trà đá"?

Tuệ Lâm -

Mặc dù VNSML không phải là chỉ số có sự phục hồi mạnh nhất, nhưng đây lại là nhóm có tăng trưởng mạnh nhất về thanh khoản, thu hút sự chú ý của đông đảo nhà đầu tư trong khi dòng tiền giảm ở nhóm vốn hóa lớn và vừa.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sau khi có nhịp điều chỉnh, VN-Index đã nhanh chóng phục hồi. Cổ phiểu ở cả 3 mức vốn hóa lớn, vừa, nhỏ đều phục hồi. Theo đó tính đến 16/05/2024, chỉ số VNMID thể hiện ghi nhận tăng trưởng 9.7% so với đáy, chỉ số VNSML (+8.39%), VN30 (+8,99%).

"TRÁNH" NHÓM PENNY?

Mặc dù, VNSML không phải là chỉ số có sự phục hồi mạnh nhất, nhưng đây lại là nhóm có tăng trưởng mạnh nhất về thanh khoản, thu hút sự chú ý của đông đảo nhà đầu tư trong khi dòng tiền giảm ở nhóm vốn hóa lớn và vừa.

Nhận định về nhóm penny, theo chuyên gia của FIDT, trước hết, cần làm rõ rằng, các cổ phiếu vốn hóa nhỏ không phải là các cổ phiếu không tốt, không đáng chú ý. Do đó, về mặt nguyên lý xét mặt dài hạn hầu hết các cổ phiếu đều có thể tăng trưởng. Thực tế, khảo sát cũng cho thấy, VNSML trong suốt 20 năm vận hành vẫn song hành tăng trưởng cùng các chỉ số thuộc các phân khúc vốn hóa vừa và lớn.

Xét trong ngắn hạn, các khảo sát cho thấy, trong khoảng 3 tháng đầu tiên kể từ sau phiên giảm thì VNSML đều tăng trưởng tốt. Không thường xuyên ghi nhận tăng trưởng âm.

Xét đến ở hiện tại, chỉ số VNSML đã hồi phục về vùng trước cú sụp. Những cơ hội giải ngân với lợi nhuận cao cũng đã hẹp hơn trước. Đây là thời điểm nhà đầu tư nên tận hưởng thành quả đã đạt được nhờ việc tích lũy cổ phiếu ở vùng giá thấp. Mặt khác, vùng giá hiện tại cũng chưa phải là quá hấp dẫn để những dòng tiền bị lỡ con sóng trước đó có thể nhập cuộc.

Trên cơ sở đó, FIDT cho rằng nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ có thể sẽ cần những mức chiết khấu phù hợp để cung và cầu có thể gặp nhau. Những nhà đầu tư đã mua được ở vùng giá thấp, tự tin về triển vọng dài hạn của doanh nghiệp thì vẫn có thể tận hưởng thành quả. Những nhà đầu tư đã lỡ cơ hội trước đây, có thể chờ đợi những mức chiết khấu phù hợp để nhập cuộc.

Thấy gì từ sự trỗi dậy bất ngờ của nhóm cổ phiếu "trà đá"?  - Ảnh 1

Các thống kê trong 10 năm qua cho thấy, nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình là nhóm có xác suất tăng trưởng cao nhất, đồng thời có tăng trưởng mạnh nhất về giá trong cả 3 phân khúc vốn hóa.

"Vì vậy, dù đường nào cũng có thể dẫn về La Mã", song chọn đường rộng thì sẽ dễ đón được tàu xe hơn, đi lại cũng thoải mái hơn.

Đầu tư về bản chất là kinh doanh vốn, nguyên tắc đầu tiên là tuyệt đối không được để mất vốn và thứ hai là không được quyên nguyên tắc này. Do đó, một số cổ phiếu vốn hóa nhỏ có thể hứa hẹn về mức lợi tức cao, nhưng nhà đầu tư cũng cần phải tính đến quy mô vốn của mình và liệu rằng cổ phiếu đó có dòng thanh khoản đủ lớn để hấp thụ lượng cổ phiếu mình nắm giữ khi muốn hiện thực hóa lợi nhuận hay không, tránh tình trạng chỉ lãi được trên giấy", chuyên gia của FIDT nhấn mạnh.

DẤU HIỆU THỊ TRƯỜNG SẮP ĐIỀU CHỈNH?

Chuyên gia chứng khoán Nguyễn Thế Minh cho rằng, thông thường penny là nhóm tăng trưởng cuối cùng của thị trường.

Nhà đầu tư ưa thích nhóm penny giai đoạn này có hai lý do chính, thứ nhất biên độ dao động của cổ phiếu lớn, nếu như cổ phiếu vốn hóa lớn tăng 10% trong vòng 1 tuần thì penny có thể tăng gấp đôi. Thứ hai, dòng tiền vào nhóm vốn hóa lớn sau khi tìm kiếm cơ hội và chốt lời thành công rồi sẽ dịch chuyển sang nhóm penny. Tuần trước, nhóm Midcap cũng có sức bật tăng tốt nhờ đó penny cũng hưởng lợi theo xu hướng này.

Tuy nhiên, nhóm này đặc tính là dòng đầu cơ cao, không đi kèm câu chuyện hấp dẫn. Mức độ thông tin minh bạch cũng kém, thường được làm giá theo hình thức báo cáo tài chính, lúc công bố tin đặc kế hoạch khủng nhưng hầu như chẳng có năm nào đạt được. Nhóm này cũng thường có câu chuyện tạo sóng chỉ phù hợp dành cho nhà đầu tư khẩu vị rủi ro cao, nhà đầu tư không lướt sóng chuyên nghiệp thì khó để kiếm lời.

"Một khi dòng tiền tìm kiếm đến nhóm vốn hóa nhỏ, giống như đi chợ kiếm lời nhóm vốn hóa lớn xong rồi thì vét nốt số cổ phiếu nhỏ còn lại, thông thường đó là tín hiệu cảnh báo rủi ro", ông Minh nói.

Ngoài ra, giai đoạn này rủi ro thị trường điều chỉnh tăng lên đáng kể. Thứ nhất, trong những tuần giao dịch vừa qua, yếu tố lạm phát quay lại khi giá hàng hoa nông sản, giá kim loại tăng mạnh, giá khí cũng tăng...Chỉ số giá hàng hóa trên tất cả các thị trường đã tăng lại, một khi lạm phát tăng lại đồng đô tăng thì thị trường chứng khoán sẽ gặp rủi ro.

Thứ hai, từ cuối tháng 4 đến nay cũng nhiều cổ phiếu tăng bằng lần. Chỉ còn 20 điểm nữa VN-Index cán mốc 1.300 điểm, đó cũng là áp lực ngắn hạn.

Chuyên gia Nguyễn Thế Minh khuyến nghị nhà đầu tư giai đoạn này hạn chế mua mới vì rủi ro T+ cao, nhóm blue-chips tăng khoảng dài rồi không khuyến khích mua vào. Với nhóm nhà đầu tư có tỷ suất tốt thì cân nhắc hạ bớt tỷ trọng, hạ margin, lưu ý rằng chưa chắc hẳn thị trường tạo vùng đỉnh, nên chỉ ưu tiên hạ một phần tỷ trọng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate